Hậu trường ngột ngạt, không thở nổi của 'Địa đạo'

'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối' là bộ phim tư nhân đầu tiên về đề tài lịch sử, chiến tranh gây sốt phòng vé từ khi ra rạp. Đây cũng là dự án ngốn nhiều công sức, thời gian, kinh phí nhất của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Doanh thu vượt kỳ vọng

Tính đến ngày 8/4, "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" đã thu về gần 90 tỷ đồng chỉ sau 2 ngày chính thức ra rạp (đã bao gồm suất chiếu sớm vào ngày 2-3/4), theo Box Office Vietnam.

Riêng trong ngày 6/4, phim bán được 498.414 vé trên tổng số 11.977 suất chiếu, thu về hơn 45 tỷ đồng. Đây là điều chưa từng xảy ra với dòng phim này tại rạp Việt.

Phim có có sự góp mặt của các diễn viên: Thái Hòa, NSƯT Cao Minh, Quang Tuấn, Hồ Thu Anh, Diễm Hằng Lamoon...

Phim có có sự góp mặt của các diễn viên: Thái Hòa, NSƯT Cao Minh, Quang Tuấn, Hồ Thu Anh, Diễm Hằng Lamoon...

Không chỉ gây sốt ngoài rạp, từ khóa liên quan đến phim được phủ trên khắp các nền tảng mạng xã hội.

Phim chiến tranh, người ta hay nghĩ đến súng đạn, quân phục, những trận đánh. Nhưng tôi không muốn làm một bộ phim như vậy.

"Địa đạo" là chiến tranh của nhân dân. Không có bản đồ địa đạo. Không có tổng công trình sư. Người dân tự đào. Gặp đá thì tránh. Miệng hầm bị phá thì đào cái khác. Đơn giản, nhưng bất khả chiến bại.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Phim còn nhận được những lời có cánh từ giới chuyên môn. Đạo diễn Võ Thạch Thảo khẳng định đây là một tác phẩm đáng xem: "Lâu rồi mới có một bộ phim khiến tôi chìm vào cảm xúc như "Địa đạo". Không lên gân, không anh hùng hóa, chỉ những lát cắt chân thực, vừa đủ để chạm đến người xem".

Đồng quan điểm, nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho rằng: "Tác phẩm đã kể lại một chương sử vẻ vang của dân tộc theo cách sống động nhất có thể. Phim đã truyền cảm hứng cho khán giả khi họ rời rạp với cả nụ cười và nước mắt, bên cạnh đó còn là niềm tự hào".

Nhà phê bình điện ảnh Nguyên Lê thậm chí còn so sánh "Địa đạo" với bộ phim chiến tranh sử thi của Mỹ "Giải cứu binh nhì Ryan" (1998) của đạo diễn Steven Spielberg.

"Đạo diễn và ê-kíp hiểu được và thể hiện được "hồn" của chiến tranh: Không chỉ là những chiến công, những câu chuyện gai góc. Họ là con người. Họ vừa mạnh mẽ vừa mong manh. Họ khác nhau, nhưng như một. Chỉ phần hình của phim cũng thể hiện được điều này", Nguyên Lê phân tích.

Nhọc nhằn hành trình ra rạp

Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, "Địa đạo" là bộ phim được ông ấp ủ trong 11 năm và là dự án có kinh phí cao nhất từng làm (hơn 55 tỷ đồng).

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và ê-kíp ở hậu trường xây dựng bối cảnh phim.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và ê-kíp ở hậu trường xây dựng bối cảnh phim.

Khởi đầu từ ngày làm một bộ phim ngắn 3D về Địa đạo Củ Chi năm 2014, đạo diễn nói ông viết kịch bản rất nhanh, vì cảm xúc lúc đó cuộn trào: "Nếu chính đạo diễn còn không rung động, đừng mong khán giả sẽ rung động".

Phim lấy bối cảnh sau trận càn Cedar Falls năm 1967 - chiến dịch quân sự của Mỹ nhằm triệt phá căn cứ quân giải phóng miền Nam. Tại căn cứ Bình An Đông - Củ Chi, đội du kích 21 người do Bảy Theo (Thái Hòa đóng) chỉ huy trở thành mục tiêu hàng đầu của địch.

Đội du kích được giao nhiệm vụ bảo vệ một nhóm tình báo vừa đến ẩn náu tại căn cứ. Trong 21 nhân vật chỉ có khoảng 5 người nổi bật, có số phận cụ thể. Những nhân vật còn lại xuất hiện ít nhưng vẫn gây được dấu ấn với khán giả.

Kịch bản được nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc hỗ trợ hoàn thiện phần lời thoại cho đúng chất miền Nam. Năm 2016, bản thảo hoàn chỉnh, 8 năm sau tác phẩm mới được trình làng. Đạo diễn cho biết, một hãng phim tại Australia từng ngỏ lời hợp tác sản xuất, các quỹ quốc tế cũng hứng thú, ông cũng từng nghĩ phim sẽ quay ở nước ngoài, nhưng rồi Covid-19 khiến mọi kế hoạch tan vỡ.

Năm 2022, Bùi Thạc Chuyên khởi động lại dự án với mục tiêu ra mắt vào năm 2025 - dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, như một cách để ông trả món nợ tinh thần với thế hệ cha anh đã hy sinh ở Củ Chi.

Đau đầu nghĩ cách dựng địa đạo dài 250m

Diễn viên Thái Hòa nói đây là dự án "hành xác" nhất anh từng tham gia. Ê-kíp sản xuất cũng cho hay, đây là dự án kỳ công, phức tạp nhất họ từng làm, với thời gian chuẩn bị gần 1 năm. Trong đó, khó nhất là khâu xây dựng bối cảnh mô hình địa đạo dài 250m.

Diễn viên Thái Hòa ở hậu trường ghi hình.

Diễn viên Thái Hòa ở hậu trường ghi hình.

Với sự tư vấn của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Tô Văn Đực - một người du kích đã từng sống và chiến đấu dưới địa đạo Củ Chi, ê-kíp đã dựng hệ thống địa đạo 3D trên máy tính, dựng mô hình, sau đó mới bắt tay dựng bối cảnh thật.

Thiết kế mỹ thuật Lê Văn Thanh cho hay: "Phim chiến tranh đặc trưng với nhiều cảnh rung lắc, đất sập nên ê-kíp phải tính toán kỹ lưỡng. Sau khi thử nghiệm nhiều lần, chúng tôi quyết định làm bằng thạch cao, lớp cuối cùng sẽ là đất thật, mô phỏng việc đào hầm bằng tay của người dân Củ Chi. Khâu cuối cùng là làm màu chỗ nấm mốc, chỗ rêu, chỗ có rễ cây, chỗ có đá tảng, đá tổ ong để thay đổi chất liệu sinh động hơn".

Đoạn hầm địa đạo dài 250m giống thực tế nhất được thành hình, nhưng lại khiến đội ngũ quay phim rơi vào thế khó. Đạo diễn hình ảnh Nguyễn K'Linh thừa nhận, 6 tháng trước phim bấm máy, anh rơi vào trạng thái hoang mang khi không biết quay thế nào trong địa đạo.

Đó là chưa kể, đoàn phim còn không tìm được thiết bị quay phù hợp ở bối cảnh chật hẹp, không thể đặt máy chạy và thiết bị ánh sáng. Ánh sáng trong phim vì thế chỉ thuần là ánh sáng tự nhiên, từ đèn dầu và đèn pin của các chiến sĩ thay vì sử dụng thêm các thiết bị chiếu sáng khác.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên còn yêu cầu toàn bộ các góc máy đều phải được thực hiện bằng tay để có cái nhìn chân thực nhất.

Đội ngũ quay phim phải dành cả tháng trước khi bấm máy để tập di chuyển, cầm máy quay trong địa đạo để quen dần với cường độ làm việc khắc nghiệt.

Bối cảnh kỳ công

Phim quay từ tháng 2-5/2024 dưới những trận nắng nóng như đổ lửa ở TP.HCM, diễn viên Thái Hòa phải thốt lên: "Quay trong hầm chật chội, nóng bức, ngột ngạt không thở nổi. Nhưng sự vất vả của chúng tôi chưa thấm vào đâu so với đội ngũ quay phim. Diễn viên chỉ cầm súng, đi khom trong địa đạo, còn quay phim phải cầm máy quay nặng gấp nhiều, lại còn phải đi lùi".

Ở khâu ngoại cảnh, đoàn phim quay tại một cánh rừng thuộc Củ Chi, cạnh sông Sài Gòn. Ê-kíp dùng thuốc nổ, tạo khoảng 50 hố bom. "Chúng tôi thuê 6ha rừng, tạo cảnh cháy nhưng vẫn phải đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường", đạo diễn cho biết.

Không chỉ được xây dựng bối cảnh kỳ công, "Địa đạo" cũng là phim tư nhân đầu tiên huy động được nhiều vũ khí hạng nặng từng được Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam như: xe tăng M-48 Patton, xe bọc thép tấn công M113 ACAV, máy bay trực thăng UH-1 Iroquois, tàu chiến Giang Thuyền Swift Boat (PCF) Patrol Craft Fast, tàu đổ bộ cỡ nhỏ LCM-8…

"Nếu không được quân đội hỗ trợ về vũ khí, khí tài, phim sẽ tốn không biết bao nhiêu tiền", đạo diễn nói.

Kể về quá trình giảm 14kg và tập luyện để vào vai Tư Đạp, diễn viên Quang Tuấn chia sẻ: Trước khi phim bấm máy, các diễn viên trong đội du kích có gần 2 tháng sống và tập quân sự với nhau. Mỗi ngày, cả nhóm thức dậy lúc 5h sáng, xếp chăn màn theo quy định quân đội rồi bắt đầu tập huấn trong tình trạng ai cũng thiếu ngủ.

Bạch Dương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/hau-truong-ngot-ngat-khong-tho-noi-cua-dia-dao-192250501083521917.htm