Hậu trường phim cổ trang 'Bridgerton'
Phim cổ trang 'Bridgerton' thu hút khoảng 63 triệu lượt xem trên nền tảng trực tuyến. Đằng sau thành công ấy là những câu chuyện hậu trường thú vị.
Phim tôn vinh người da màu: Trả lời phỏng vấn trong chương trình All Thing’s Considered của NPR, nam diễn viên Regé-Jean Page (Simon Basset, Tử tước xứ Hastings) cho biết Bridgerton muốn mô tả niềm hãnh diện khi là người da màu (black joy) - điều hiếm thấy trong các series cổ trang trước đây. Page cho biết, không chỉ xây dựng những nhân vật da đen quyền quý, phim còn thẳng thắn đề cập tới những vấn đề phức tạp liên quan đến bản sắc chủng tộc.
Cho thấy sự đa cảm của nam giới: Page chia sẻ anh muốn thể hiện Simon Basset là gã đàn ông dễ tổn thương. Nhân vật trở nên mạnh mẽ nhờ bộc lộ cảm xúc thay vì phớt lờ hoặc dồn nén chúng. Nam diễn viên thấy mình có trách nhiệm lột tả cuộc đấu tranh nội tâm của mỗi cá nhân trong một mối quan hệ tình cảm qua vai diễn. Basset buộc phải thừa nhận mình không biết bạn đời muốn gì. Và thông qua hành trình tìm ra đáp án câu hỏi đó, anh sẽ cùng cô vun đắp cho tổ ấm của hai người.
Bộ phim cần 7.500 bộ trang phục: Một trong các dấu ấn của Bridgerton là kho trang phục cầu kỳ và đẹp mắt. Nhà thiết kế Ellen Mirojnick đã kết hợp dấu ấn của thời kỳ Nhiếp chính tại Anh thế kỷ XIX với tinh thần hiện đại khi thực hiện phần phục trang cho phim. Trả lời phỏng vấn tạp chí Vogue, Mirojnick cho biết mình đã làm việc cùng một đội gồm 238 người, sản xuất tổng cộng 7.500 bộ trang phục các loại trong khoảng thời gian 5 tháng.
Trang phục chính xác với lịch sử dù mang hơi thở hiện đại: Ellen Mirojnick chia sẻ với Vogue mình tìm kiếm cảm hứng thiết kế trang phục cho Bridgerton từ các bức họa thời Nhiếp chính. Cô muốn kết hợp yếu tố lịch sử với thời trang cao cấp của thế kỷ 20 để khiến những bộ quần áo trên phim mang cảm giác hiện đại. Mirojnick đặc biệt chú ý học hỏi các chi tiết từ thiết kế của nhà mốt Christian Dior.
Dàn diễn viên tham gia nhóm chat về lịch sử: Theo lời Phoebe Dynevor (Daphne Bridgerton), dàn diễn viên Bridgerton đều là thành viên một nhóm chat chuyên chia sẻ tài liệu về thời Nhiếp chính - xoay quanh phép tắc xã giao, cách cư xử, phong tục tập quán… Trong bài phỏng vấn với Town and Country, Dynevor cho biết kiến thức từ nhóm chat đã giúp các diễn viên hòa mình vào thời đại, nơi mục tiêu hàng đầu của mỗi thiếu nữ là kiếm bằng được một tấm chồng.
Phoebe Dynevor được truyền cảm hứng từ Keira Knightley: Phoebe Dynevor chia sẻ mình lớn lên cùng những bộ phim có Keira Knightley, và dùng những vai diễn của cô làm cảm hứng để diễn xuất. Nhân vật Daphne Bridgerton trên màn ảnh vì thế phảng phất ít nhiều hình ảnh Keira Knightley trong những vai cổ trang của Pirates of the Caribbean, Anna Karenina (2012), The Duchess (2008), Atonement (2007) và Pride and Prejudice (2005).
Cảnh đầu tiên của Phoebe Dynevor và Regé-Jean Page là... cảnh nóng: Video tựa đề A Close Encounter With The Cast Of Bridgerton của Netflix tiết lộ cảnh tình cảm nồng cháy trong thư viện của Daphne và Simon là cảnh chung đầu tiên của Phoebe Dynevor và Regé-Jean Page trong phim. Cảnh phim giúp hai diễn viên vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu và dễ dàng hòa hợp trong vai trò một cặp đôi quý tộc xuyên suốt bộ phim.
Phần lớn ngựa trên phim chỉ vờ kéo người: Cũng trong video kể trên, Regé-Jean Page cho biết phần lớn ngựa trên phim chỉ kéo theo những chiếc xe rỗng, không có người ngồi bên trong. Các phân cảnh nhân vật nói chuyện bên trong xe ngựa đều được thực hiện ở phim trường, với ba nhân viên đoàn phim có trách nhiệm lắc khoang xe từ bên ngoài để tạo hiệu ứng như đang di chuyển.
Sabrina Bartlett khoe giọng thật trên phim: Nữ diễn viên Sabrina Bartlett, thủ vai giọng ca opera Siena Rosso, đã có cơ hội khoe chất giọng trời phú trong Bridgerton. Theo People, nữ diễn viên đã trải qua khóa đào tạo thanh nhạc ngắn hạn để hóa thân thành nữ danh ca đã chiếm trọn trái tim anh cả nhà Bridgerton.
Golda Rosheuvel sử dụng phương tiện di chuyển đặc biệt vì mái tóc giả: Trên phim, nữ hoàng Charlotte có một bộ sưu tập tóc giả đồ sộ - về cả số lượng lẫn kích thước. Ngoài đời, sau nhiều giờ đồng hồ dành để hóa trang thành nữ hoàng Charlotte, nữ diễn viên Golda Rosheuvel phải tới phim trường bằng một phương tiện đặc biệt. Theo People, chị được đưa đón bằng xe minibus riêng, với trần xe đủ cao để không chạm vào và làm hỏng bộ tóc giả - thường được chải cao đến 60 cm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hau-truong-phim-co-trang-bridgerton-post1174791.html