Hậu trường sóng gió của Hội nghị Thượng đỉnh G7

Trước những thông tin ngày 25-8 rằng, căng thẳng đã xảy ra giữa các lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Tây Nam nước Pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng bác bỏ, đồng thời nhấn mạnh rằng ông đã có 'những cuộc họp tốt đẹp' và 'mọi việc đều tiến triển tốt.' Tuy nhiên, ở hậu trường vẫn có những dấu hiệu của sự bất đồng.

Các phụ tá của Tổng thống Trump đã phàn nàn với cánh PV rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sắp xếp chương trình nghị sự tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu vốn có lợi cho nước chủ nhà và khiến hình ảnh của ông Trump trở nên xấu xí, trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đã quyết định rút Mỹ khỏi một thỏa thuận khí hậu quốc tế.

Ngày 25-8, thông tin về sự bất đồng xung quanh việc Pháp tuyên bố rằng các lãnh đạo G7 đã nhất trí để ông Macron thay mặt họ gửi một thông điệp chung cho Iran đã lọt ra ngoài. Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định với báo giới rằng ông chưa bao giờ ký vào bất kỳ một tuyên bố nào như vậy. Khi được hỏi có ủng hộ cách tiếp cận của Macron với Iran hay không, Tổng thống Trump nói “chắc chắn là có,” song ông cũng nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tự nói chuyện với Iran.

Vài giờ sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho biết người đứng đầu ngành ngoại giao của Cộng hòa Hồi giáo này, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, đã đến TP đăng cai tổ chức Hội nghị G7 tại Pháp, mặc dù ông sẽ không đàm phán cũng không gặp gỡ các quan chức Mỹ trong thời gian ở đây. Khi ông Trump được hỏi có phải ông Zarif đã thực sự đến Biarritz và liệu có cuộc gặp nào với ông Zarif hay không, ông Trump đã cộc lốc trả lời: “Miễn bình luận”.

Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị G7. (Ảnh tư liệu)

Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị G7. (Ảnh tư liệu)

Hội nghị G7, sự kiện kéo dài ba ngày tại một khu nghỉ dưỡng ven biển của Pháp ở ngay dưới chân dãy Pyrennes, diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đang phải đối mặt với áp lực từ các lãnh đạo thế giới xung quanh một loạt vấn đề, đặc biệt là cuộc chiến thương mại đang leo thang với Trung Quốc. Ngay cả một trong những đồng minh thân thiết nhất của ông Trump trong khối này là Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã đề xuất “giảm bớt căng thẳng” với Bắc Kinh.

Trong một khoảnh khắc của ngày 25-8, Tổng thống Trump dường như đã hạ giọng, đánh tiếng với báo giới rằng ông lấy làm tiếc vì cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã leo thang đến mức hai nước áp thuế "ăn miếng trả miếng" vào các hàng hóa nhập khẩu của nhau. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, Nhà Trắng đã lại đổi ý và nói rằng người ta đã “hiểu sai lời” của ông Trump. Nữ phát ngôn viên Nhà trắng Stephanie Grisham cho biết, điều duy nhất mà Tổng thống Mỹ hối tiếc chính là ông đã không áp thuế cao hơn vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hầu hết các nước thành viên G7, bao gồm Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Anh, Italy và Nhật Bản, đều đã cố gắng che giấu sự bất đồng giữa họ ở trong hậu trường và trước các ống kính truyền hình.

Mặc dù ông Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng từng có một mối quan hệ sóng gió, nhưng không có bất cứ dấu hiệu nào thể hiện sự căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo này được bộc lộ ra ngoài khi họ tham gia cuộc họp ngày 25-8. Trong những phát biểu ngắn gọn tới báo giới, Trump và Trudeau chỉ tập trung nói về một thỏa thuận thương mại mà hai nước đã ký hồi năm ngoái với Mexico. Trudeau nói: “Chúng ta đã có một thỏa thuận mà chúng ta có khả năng đàm phán để có lợi cho những người lao động của chúng ta, cho người dân chúng ta, cho tầng lớp trung lưu. Và đó là điều mà chúng ta cần chứng kiến nhiều hơn trên toàn thế giới”.

Những tương tác công khai của Tổng thống Trump với người đồng cấp Macon có vẻ cũng rất thân thiện, thậm chí còn rất nồng ấm. Ông mô tả bữa ăn trưa làm việc với lãnh đạo Pháp hôm 24-8 là “1 tiếng rưỡi đồng hồ tốt đẹp mà tôi đã trải qua với ông ấy.” Đến tối, Trump và Macron còn nhiều lần vỗ vai nhau khi hai người đứng bên ngoài một ngọn hải đăng có từ giữa thế kỷ 19 với tầm nhìn ra bờ biển Pháp và chụp ảnh chung với các phu nhân của mình trước khi tham gia đêm khai mạc sự kiện.
Sáng sớm 25-8, Tổng thống Trump đã lên Twitter và chỉ trích truyền thông đang cố tung tin giả về mâu thuẫn giữa các lãnh đạo G7. Ông viết: “Trước khi tôi đến Pháp, các tin tức giả mạo và đáng khinh đã nói rằng mối quan hệ giữa Mỹ và 6 nước còn lại trong nhóm G7 đang rất căng thẳng và hai ngày họp tại đây sẽ là một thảm họa. Tuy nhiên, chúng tôi đã có những cuộc họp rất tích cực, các lãnh đạo đều đã phối hợp tốt, và chúng tôi đã có cuộc thảo luận tích cực cho kinh tế đất nước.”

Vài giờ sau, ông tiếp tục chỉ trích truyền thông là “đưa tin sai lệch” về những căng thẳng xảy ra trong bữa tối khai mạc của các lãnh đạo G7. Ông nói: “Chúng tôi đã có một bữa tối thực sự tốt đẹp vào đêm qua. Các bạn có thể viết bất cứ điều gì các bạn muốn. Tuy nhiên đó chỉ là những thông tin sai lệch.”

Tuy nhiên, báo Guardian của Anh đưa tin Tổng thống Trump đã cãi nhau với các lãnh đạo G7, khi nhấn mạnh rằng Nga nên quay lại G8. Báo trên lưu ý rằng lãnh đạo của các quốc gia khác trong G7 đã không ủng hộ ý tưởng của Tổng thống Mỹ. Điều này khiến cuộc thảo luận căng thẳng. Theo bài viết, ông Trump đã không đồng ý với các lập luận của các lãnh đạo khác trong G7. Bài viết nhấn mạnh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trung lập trong vấn đề này trong khi Thủ tướng Ý Giuseppe Conte lại đồng ý với Tổng thống Mỹ. Các nhà lãnh đạo còn lại của các quốc gia tham dự hội nghị này, bao gồm Chủ tịch Hội đồng châu  Donald Tusk, phản đối mạnh mẽ việc Nga quay trở lại G8. Theo ông Trump, Nga phải có mặt trong hội nghị để thảo luận về các vấn đề Iran, Syria và Triều Tiên.

Giới phân tích dự đoán, hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 26-8 theo giờ Pháp mà không đưa ra được một tuyên bố chính thức nào từ các lãnh đạo G7 – lần đầu tiên trong lịch sử 44 năm của nhóm này. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ càng làm bộc lộ rõ hơn những bất đồng của các nhà lãnh đạo G7.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hau-truong-song-gio-cua-hoi-nghi-thuong-dinh-g7-160254.html