Hậu trường thầm lặng phục vụ đại lễ 30/4 của đội quân y đặc biệt
Giữa tiếng nhạc và bước chân diễu binh tại TP.HCM, tổ quân y đặc biệt của Bệnh viện Quân Y 175 thầm lặng túc trực, đảm bảo sức khỏe cho mọi người tham gia lễ kỷ niệm trọng đại.

Tại khu vực khán đài A - nơi đón tiếp lãnh đạo cấp cao và cán bộ lão thành tham dự lễ duyệt binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tổ quân y đặc biệt của Bệnh viện Quân Y 175 (Bộ Quốc phòng) được bố trí với nhiệm vụ sẵn sàng hỗ trợ y tế bất kỳ lúc nào.

Tổ quân y chia thành 3 khu vực. Ê-kíp đầu tiên túc trực tại 12 lều y tế, đảm bảo cấp cứu cho các chiến sĩ và người tham gia diễu binh, diễu hành. Ê-kíp thứ hai gồm 5 người (2 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 tài xế), túc trực bên xe cứu thương dã chiến hiện đại.

Chiếc xe được trang bị đầy đủ máy thở, máy sốc điện, monitor theo dõi, máy hút dịch và cán di động, vận hành như một phòng cấp cứu mini.

Trung úy Lê Đức Anh (28 tuổi), điều dưỡng viên khoa Hồi sức tích cực (ICU), Bệnh viện Quân Y 175, lần đầu tiên nhận nhiệm vụ tại sự kiện quy mô lớn. Anh bày tỏ cảm xúc xen lẫn tự hào và lo lắng khi tổ quân y đảm nhiệm chăm sóc sức khỏe cho các cán bộ cấp cao. "Được góp một phần nhỏ hỗ trợ sự kiện trọng đại của đất nước, mình rất tự hào. Ba mẹ và bạn bè cũng vui mừng, động viên nhiều", Đức Anh nói.

Khu vực thứ 3 là trạm y tế dã chiến tại Viện Vật lý Y sinh học gần khán đài, với 15 giường bệnh, vận hành hệ thống tiếp nhận, phân loại và sàng lọc bệnh nhân ngay tại chỗ.

Góp mặt trong đội hình quân y tại khu dã chiến là nhiều y bác sĩ trẻ, sẵn sàng gác niềm vui cá nhân, túc trực ngày đêm để hoàn thành nhiệm vụ đất nước và nhân dân giao phó. Không khoác áo giáp, không bước đều trong đội hình, những chiến sĩ quân y âm thầm giữ nhịp an toàn cho lễ diễu binh, diễu hành. Ở hậu trường, họ là tuyến đầu vững chãi, sẵn sàng cho mọi tình huống, từ chăm sóc lãnh đạo đến xử lý y tế thảm họa.

Trước khi được đưa đến khu điều trị, người bệnh sẽ được đánh giá tại khu phân loại. Quy trình cấp cứu, điều trị được bố trí thuận tiện nhằm đảm bảo tiếp cận y tế nhanh nhất.

Những trường hợp nặng sẽ nhanh chóng chuyển sang khu vực hồi sức cấp cứu chuyên sâu, nơi trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại như máy thở, bơm tim điện, máy sốc điện và monitor theo dõi liên tục.

Đại úy, quân nhân chuyên nghiệp Ngô Thị Hải Linh (31 tuổi), điều dưỡng viên khoa Nội mạch, Bệnh viện Quân Y 175, từng tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến Nam Sudan, quen với môi trường làm việc cường độ cao. Lần này, cô là một trong những nhân sự đầu tiên được điều động phục vụ công tác y tế cho đại lễ A50. Trực tại khu cấp cứu dã chiến, Hải Linh cùng đồng đội sẵn sàng tiếp nhận và xử lý các trường hợp khẩn cấp tại chỗ.

Trong đêm sơ duyệt 25/4, Đại tá, TS.BS Bùi Đức Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175 cùng đoàn lãnh đạo đã đến kiểm tra khu vực y tế dã chiến, động viên tinh thần các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.

Đại tá, Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Đình Ân, Chủ nhiệm phụ trách khoa Hồi sức tích cực, cho biết khu dã chiến có 17 thành viên, gồm bác sĩ, điều dưỡng, tài xế và cán bộ hậu cần. "Chúng tôi tổ chức như một bệnh viện mini dã chiến tại chỗ, sẵn sàng xử lý thảm họa nếu xảy ra các tình huống đông người như cháy nổ, sập khán đài", bác sĩ nói.

Với nguyên tắc "chuyên sâu tại chỗ", lực lượng quân y không chỉ phản ứng nhanh, mà còn xử lý chuyên môn cao trong điều kiện dã chiến, đòi hỏi sự chuẩn bị bài bản và tinh thần chiến đấu như trên chiến trường thực thụ.