Hậu trường thú vị của các đoàn làm phim kinh dị

Đoàn phim thường tìm đến nhiều bối cảnh, địa phương khác nhau để thực hiện các cảnh quay và từng gặp một số hiện tượng 'khó hiểu', song được lý giải là do ám ảnh nội dung tác phẩm hoặc 'trông gà hóa cuốc'

Đạo diễn Trần Hữu Tấn khẳng định dù từng thực hiện nhiều phim kinh dị như: "Bắc kim thang", "Tết ở làng Địa Ngục", "Kẻ ăn hồn", "Cám" nhưng anh chưa bao giờ gặp phải "người thế giới bên kia".

Nhiều chuyện lý thú

Tuy nhiên, có lẽ vì ám ảnh nội dung tác phẩm mà một số người trong đoàn phim "Kẻ ăn hồn" và "Tết ở làng Địa Ngục" cho hay gặp nhiều điều "khó lý giải" trong quá trình quay. Họ kể rằng dường như ảo giác ai đó "đi qua, đi lại" ở cổng làng Sảo Há tại Hà Giang. Thế nhưng, khi họ ra xem xét thì chẳng thấy ai!

Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết anh và các thành viên đoàn phim "Tết ở làng Địa Ngục" khi đi tìm bối cảnh quay ở Hà Giang đã gặp một cơ duyên lý thú. Khi đặt xe về lại Hà Nội sau thời gian tìm kiếm, họ tình cờ gặp một người H'Mông. Khi nghe đoàn phim nói đang tìm kiếm một ngôi làng như kịch bản, người này liền giới thiệu làng Sảo Há.

"Ngay từ lần đầu bước chân vào làng, tôi rất ngạc nhiên bởi nơi đây không khác bao nhiêu so với mô tả của tác giả kịch bản - nhà văn Thảo Trang, cũng như sự tưởng tượng trước đó của nhiều người. Tất cả đều phù hợp một cách thú vị vì Thảo Trang chưa từng biết về Sảo Há" - đạo diễn Trần Hữu Tấn kể. Đoàn phim rất biết ơn người H'Mông kia vì đã giới thiệu một ngôi làng hết sức phù hợp với kịch bản.

Một cảnh trong phim “Kẻ ăn hồn” - tác phẩm đã ra rạp năm 2023. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Một cảnh trong phim “Kẻ ăn hồn” - tác phẩm đã ra rạp năm 2023. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Nữ diễn viên Việt Hương cho biết trong thời gian quay phim kinh dị "Ma Da", chị có một kỷ niệm đáng nhớ. Khi đó, đoàn quay ban đêm, chị ở dưới nước để chụp cái xác giả do phía hóa trang làm. Thế nhưng, chị chụp trật nhiều lần và mọi người mất kiên nhẫn nên không quay nữa. Hôm sau, đoàn phim tìm dòng nước khác để thực hiện lại cảnh quay.

Một số người cho rằng đêm đó, do ánh đèn chiếu vô xác giả khiến Việt Hương hoa mắt, không chụp được. "Tôi lại không nghĩ vậy. Tôi cho rằng mọi chuyện là do đêm đó dòng nước chảy xiết quá nên tôi chụp bị hụt" - diễn viên Việt Hương giải thích.

Theo diễn viên Kiều Trinh, chị từng tham gia nhiều đoàn phim và luôn rất tự tin. Dù vậy, một vài lần do quá nhọc nhằn nên chị đánh mất sự tự tin này. Thời điểm quay phim "Bi ơi, đừng sợ" ở Hà Nội, chị bận lịch quay một phim truyền hình ở TP HCM nên thường bay ra bay vô vài đợt. Trong đợt cuối, khi quay hết cảnh, chị về phòng nghỉ đã muộn mà 2-3 giờ sáng phải dậy ra sân bay để quay vào TP HCM.

Do quá mệt mỏi lại ám ảnh bởi nội dung phim nên bất cứ tiếng động nào trong đêm cũng khiến Kiều Trinh tưởng tượng ra nhiều chuyện. Lần đó, cả đêm chị không ngủ được, đành thức đến giờ ra máy bay để quay lại TP HCM.

"Trong lần đi Châu Đốc quay phim "Thất sơn tâm linh", tôi diễn cảnh chèo ghe đưa con gà đến cho thầy Hai (Quang Tuấn đóng) cúng. Toàn cảnh thì quay tốt nhưng đến cận cảnh thì trời mưa, phải ngừng lại. Suốt 4 ngày, cảnh cận không quay được do hễ chuẩn bị quay thì trời mưa. Cuối cùng, cảnh quay cận của tôi không thực hiện được, chỉ có toàn cảnh. Mọi người trong đoàn phim cũng phải trải qua nhiều ngày vất vả vì thời tiết thất thường" - diễn viên Kiều Trinh tiếc nuối.

"Có kiêng, có lành"

Hầu hết các đoàn phim khi đến địa điểm quay thường thực hiện nghi lễ cúng bái, khấn nguyện cho công việc được thuận lợi, an toàn. Với các thành viên trong đoàn, đa phần cho rằng "có kiêng, có lành". Đến địa phương lạ, bối cảnh không quen, nhất là với phim kinh dị, thì họ cũng phải thực hiện "thủ tục" này.

"Với suy nghĩ "có kiêng, có lành", đoàn phim có thể giữ được tâm lý an nhiên với bối cảnh quay đã được chọn lựa. Dù nhiều thành viên trong đoàn không tin chuyện tâm linh nhưng họ cũng không bác bỏ, trêu chọc, đả phá vì có thể ảnh hưởng đến niềm tin của những người khác" - một đạo diễn phim kinh dị nhận xét.

Người trong giới cho rằng trong đoàn phim, việc các thành viên hiểu biết các vấn đề liên quan, nhất quán trong suy nghĩ, hành động cũng giúp ích cho tiến độ thực hiện tác phẩm. Bởi lẽ, khi không mê tín dị đoan thì sẽ không ai hoảng sợ quá mức, gây hoang mang cho các thành viên khác, khiến mọi việc trong đoàn phim trở nên rối rắm.

"Nếu hiểu biết, có sự tìm hiểu thì các thành viên sẽ bình tĩnh khi gặp vấn đề mà một số người cho rằng "khó hiểu, khó lý giải". Nhiều khi mọi chuyện chỉ là do "trông gà hóa cuốc" hoặc vì quá ám ảnh bởi nội dung kịch bản mà thôi" - một diễn viên từng tham gia nhiều phim kinh dị nhìn nhận.

Ở các đoàn phim, nhất là phim thể loại kinh dị, nhiều câu chuyện lý thú được kể trong hậu trường. Những chuyện này được kể để nhắc nhớ kỷ niệm khó quên chứ không phải gây lo sợ quá mức hay mê tín dị đoan.

MINH KHUÊ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hau-truong-thu-vi-cua-cac-doan-lam-phim-kinh-di-19624082520450965.htm