Hậu trường vụ bắt nhóm 'thu tô' chủ tàu trên vịnh Hạ Long
Các chủ tàu bán hàng trên biển coi việc 'nộp tô' như một lẽ đương nhiên nên nhiều năm nay, chả ai thắc mắc, tố cáo gì.
Công an Quảng Ninh bắt nhóm cưỡng đoạt tài sản trên biển
Các chủ tàu bán hàng trên vùng biển Quảng Ninh phải tự giác báo cáo doanh thu hàng ngày và tự chuyển 10 - 20% doanh thu vào tài khoản của các nhóm “thu tô”, bảo kê mới được yên ổn làm ăn. Khi công an vào cuộc, các nạn nhân không hợp tác vì sợ bị trả thù. Chuyên án được xác lập và phải 6 tháng sau mới “hốt” trọn 16 đối tượng của 6 nhóm bảo kê.
Vì sao các chủ tàu chẳng màng khiếu kiện?
Đầu năm 2021, khi các băng nhóm “thu tô”, bảo kê trên vùng biển Quảng Ninh được Công an tỉnh Quảng Ninh đồng loạt triệt phá, bản thân các chủ tàu, ngư dân cũng hết sức ngỡ ngàng. Bởi cả chục năm qua “chung sống” với các băng nhóm bảo kê này, các chủ tàu đã quá quen thuộc và tự chấp nhận “luật bất thành văn” nơi biển cả.
Cũng chính vì các chủ tàu bán hàng trên biển coi việc “nộp tô” như một lẽ đương nhiên nên nhiều năm nay, chả ai thắc mắc, tố cáo gì. Thậm chí, khi các trinh sát tìm kiếm thông tin, các chủ tàu, ngư dân còn chối phắt vì ngại phiền hà, chỉ muốn được “làm ăn bình thường” như bao năm qua vẫn thế. Điều này khiến công tác điều tra, phá án của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
“
Các chủ tàu vẫn giữ tâm thế chỉ muốn được yên ổn làm ăn trên biển dù có phải “nộp tô” nên nhiều lúc Ban chuyên án dường như rơi vào bế tắc. Có những giai đoạn 2 - 3 tuần liền hầu như không thu thập thêm được thông tin mới.
Thượng tá Hoàng Văn Định, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh
”
Theo thông tin từ lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ninh, tháng 7/2020, qua công tác nắm tình hình, trinh sát nhận được thông tin về hoạt động của một số băng nhóm tội phạm ở ngoài khơi thuộc vùng biển tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, các tàu viễn dương, tàu đánh bắt cá xa bờ vì hoạt động dài ngày trên biển nên cần phải bổ sung thường xuyên những mặt hàng thiết yếu như: Nước ngọt, gạo, muối, thịt, rau, rượu bia, thuốc lá... Có cung ắt có cầu, người dân sẽ chở hàng hóa từ đất liền ra cung cấp tận nơi cho các tàu lớn. Hàng bán trên biển nên lãi khá cao, khoảng 30 - 40% trên mỗi sản phẩm.
Từ dịch vụ cung cấp hàng hóa cho các tàu lớn, xuất hiện các băng nhóm tội phạm chia nhau cát cứ trên các vùng biển Cẩm Phả, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).
Chúng yêu cầu các chủ tàu muốn bán hàng phải “nộp tô”. Ban đầu, một số chủ tàu không chịu nộp tiền đã bị chúng đánh dằn mặt, gây khó khăn đủ bề nên không thể làm ăn được trên biển. Dần dần, vì mưu sinh nên tất cả các chủ tàu bán hàng trên biển đều coi việc “nộp tô” như một lẽ đương nhiên, coi đó như một khoản chi phí kinh doanh cố định.
“Hoạt động bảo kê diễn ra khoảng 10 năm nay. Các chủ tàu “nộp tô” như một thói quen, như một logic tất yếu, đương nhiên không phàn nàn, kiện cáo gì, thậm chí thỉnh thoảng còn giao lưu vui vẻ với các nhóm bảo kê. Vì vậy, trong suốt những năm qua, không có một lá đơn trình báo tội phạm nào được gửi đến cơ quan chức năng”, Thượng tá Hoàng Văn Định, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Ròng rã tìm chứng cứ
Vùng biển Quảng Ninh yên bình trở lại sau khi các nhóm “thu tô” đồng loạt bị bắt giữ
Khi không được cung cấp chứng cứ từ các chủ tàu, ngư dân, Ban chuyên án Công an tỉnh Quảng Ninh quyết định “vào hang bắt cọp”. Theo đó, để có căn cứ về hành vi phạm tội của các băng nhóm hoạt động trên biển, Ban chuyên án đã chọn các chiến sĩ xuất thân từ miền biển Quảng Yên, Vân Đồn có gia đình, người thân là dân đi biển, có sẵn quan hệ với ngư dân, hiểu biết về biển... để “vào vai”.
Một Thượng úy công tác ở Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh đã rất ngạc nhiên khi được lãnh đạo cơ quan thông báo cho “cắt” toàn bộ công việc cơ quan để trở về quê Quảng Yên, đi theo tàu cá cùng gia đình.
Thượng úy này chấp hành mệnh lệnh nhưng cũng không hiểu lãnh đạo cử mình xuống biển để làm gì. Nửa tháng sau, khi Thượng úy này “nhẵn mặt” với ngư dân thì mới được Thượng tá Định cho biết về lý do công việc và giao nhiệm vụ tiếp theo là dẫn các trinh sát khác ra khơi. Cùng lúc đó, một mũi trinh sát khác được cử đi cùng nhân viên cảng vụ, biên phòng với vai trò công khai...
Để tránh “rút dây động rừng”, với mục tiêu phải nắm sâu hơn về hoạt động của nhóm bảo kê, tránh tình trạng bắt 1 - 2 đối tượng sẽ làm những đối tượng khác bỏ chạy, Thượng tá Định cùng đồng đội đã phải mất nhiều công sức mới thuyết phục được một số nạn nhân cho trinh sát của đơn vị lên tàu làm “cửu vạn”.
“Yêu cầu cấp trên giao là phải “hốt” trọn, làm sạch biển nên anh em phải tính toán rất nhiều, chọn đột phá khẩu thế nào để đạt được mục tiêu bắt toàn bộ cả 6 nhóm bảo kê. Nếu chỉ bắt quả tang 1 nhóm, các nhóm còn lại sẽ bỏ trốn”, Thượng tá Định nhớ lại.
Đi sâu nắm tình hình, trinh sát xác định có 6 băng nhóm bảo kê hoạt động trên biển. Trong đó ở vùng biển Hạ Long có 5 nhóm, biển Cẩm Phả có 1 nhóm. Để tránh mâu thuẫn, tranh chấp nhau, các nhóm còn thỏa thuận phân chia quyền “thu phế” theo ngày. Đến ngày của “băng” nào thì “băng” đó được thu. Hết 24 giờ lại đến băng khác.
“Chúng bám sát hoạt động của Cảng vụ Quảng Ninh, theo dõi trang web của cơ quan này để biết số lượng tàu thuyền ra vào vùng biển tỉnh này, tính ra số lượng hàng hóa nhu yếu phẩm cần tiêu thụ hàng ngày làm căn cứ cho việc “thu tô”. Khi giao hàng, nhận tiền của khách, các chủ tàu cũng chủ động báo cáo doanh thu với nhóm bảo kê ngày hôm đó và tự giác chuyển tiền vào tài khoản của chúng với mức “tô” khoảng 10 - 20% doanh thu”, một cán bộ điều tra cho biết.
Theo lời khai của đối tượng Vương Quốc Tiến (SN 1968, trú tại khu Nam Sơn, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả), một “trùm” bảo kê trên vùng biển Cẩm Phả, từ năm 2015 đến nay, với thủ đoạn đe dọa các chủ hàng cung ứng vật tư, thực phẩm trên biển cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa khi neo đậu tại vùng biển cảng Hòn Nét, các đối tượng thu tiền “luật” trên mỗi đơn hàng trị giá tương ứng 1.000 USD là 3 triệu đồng. Việc “nộp tô” không có phiếu thu hay hợp đồng kinh tế nào.
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án, bị can, bắt tạm giam 16 đối tượng về tội “Cưỡng đoạt tài sản; tổ chức sử dụng ma túy trái phép”. Vụ án vẫn đang được tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, trinh sát phát hiện các băng nhóm này còn hoạt động mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đánh bạc, gian lận thương mại (buôn lậu hàng hóa). Sau khi kiểm tra thông tin, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đã đề xuất xác lập chuyên án trinh sát để tiến hành đấu tranh triệt phá.
Với những thông tin có được, Ban chuyên án quyết định sẽ bắt 1 - 2 đối tượng cầm đầu các băng nhóm bằng một tội danh mà chúng ít ngờ nhất là... mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Thời cơ phá án đã đến khi có tin một đối tượng “trùm” bảo kê sẽ tổ chức sinh nhật tại vũ trường New Hạ Long Club. Đêm 17/12/2020, cơ quan chức năng đã đồng loạt ập vào vũ trường này, tạm giữ gần 100 đối tượng có hành vi sử dụng ma túy, trong đó có 3 tên “đầu cánh” của 5 nhóm bảo kê trên biển. Ngày 16/1/2021, ban chuyên án quyết định bắt tiếp 10 đối tượng của các băng nhóm bảo kê còn lại.
Lúc này, một tình huống phức tạp phát sinh, đó là có 2 đối tượng cần bắt đã đi tàu ra biển từ hôm trước chưa về. Nếu không bắt ngay, chúng nghe tin từ đất liền sẽ bỏ trốn, Thượng tá Định cùng các trinh sát lập tức hành quân ra biển để truy bắt. Kết thúc chuyên án, toàn bộ 16 đối tượng của 6 nhóm bảo kê đã sa lưới pháp luật.