Lịch sử Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện của nhiều nhân vật tài giỏi về phong thủy, trong đó nổi tiếng bậc nhất nhất là Tả Ao, một người mà cho đến nay xung quanh thân thế và sự nghiệp vẫn được bao trùm trong một bức màn huyền ảo.
Theo cuốn “Nam Hải dị nhân” của tác giả Phan Kế Bính, Tả Ao tên thật là Nguyễn Đức Huyền (cũng có tài liệu ghi là Vũ Đức Huyền), là người làng Tả Ao, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, tức huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.
Không rõ Tả Ao sinh sống chính xác vào thời nào, nhưng danh tiếng của ông lừng lẫy vào thời vua Lê chúa Trịnh, thế kỷ 16-18, với nhiều giai thoại được lưu truyền vào thời này.
Theo lời kể dân gian, Tả Ao học nghề thuốc của người phương Bắc, nhưng nhờ chữa bệnh cho một thầy phong thủy nổi tiếng, ông lại học thêm được nghề xem địa lý.
Thầy ông sau khi thử tài ông thì cho rằng Tả Ao đã nắm được hết các bí thuật phong thủy của người Trung Hoa. Tả Ao sau về quê làm thuốc nhưng lại nổi tiếng hơn nhờ thuật xem địa lý của mình.
Có nhiều giai thoại kể lại việc Tả Ao và Cao Biền thi thố tài năng (như Tả Ao phá trấn yểm của Cao Biền trên núi Tản Viên ở Hà Nội, núi Hàm Rồng ở Thanh Hóa,…), Tả Ao tìm nơi đất tốt để đặt đình chùa, đền miếu, mồ mả, nhà cửa; giúp dân nghèo, trị kẻ gian ác...
...Hay làng này có tục nọ, nghề kia là do Tả Ao chọn đất, hướng đình; họ này phát danh khoa bảng, họ kia phát công hầu khanh tướng là do Tả Ao tìm long mạch, huyệt đạo đặt mồ mả.
Dù được coi là bậc thầy vĩ đại về phong thủy, hậu vận Tả Ao lại không mấy tốt đẹp. Tương truyền, khi mất, huyệt mộ mà ông được táng vào được giới phong thủy gọi là huyệt “xin ăn”. Con cháu của ông sau này đều bần hàn và không ai giỏi về nghề phong thủy.
Mời quý độc giả xem video: Văn hóa dòng họ - Nét đặc sắc trong văn hóa Việt. Nguồn: VTC1.
T.B (tổng hợp)