Cuộc xung đột Ukraine đã làm gia tăng đáng kể căng thẳng trước đây giữa Moscow với thế giới phương Tây, đánh dấu bước ngoặt tiềm tàng trong trật tự thế giới, đồng thời cũng gây thiệt hại nặng nề cho Nga về kinh tế.
Trong suốt những năm 2010, Nga thường xuyên thặng dư ngân sách, có nghĩa là nguồn thu của kho bạc vượt quá chi tiêu nhà nước và cho phép tạo ra nguồn dự trữ phần lớn được lưu trữ bằng ngoại tệ hoặc kim loại quý.
Tính đến tháng 2/2022, số tiền này lên tới 643 tỷ USD - hoặc gần bằng một thập niên chi tiêu quân sự - cung cấp một phương tiện chính để kích thích nền kinh tế nếu nó phải chịu áp lực của phương Tây.
Trong khi những khoản dự trữ này vẫn là tài sản chính giúp Nga củng cố vị thế đáng kể trong trường hợp đối đầu với phương Tây, thì Moskva lại mắc sai lầm khi để phần lớn dự trữ của mình - khoảng 300 tỷ USD - vào các ngân hàng nước ngoài.
Kết quả là các cường quốc phương Tây nhanh chóng đóng băng hơn một nửa số dự trữ mà Nga phải rất nỗ lực mới kiếm được. Việc đóng băng dự trữ của Nga là điều khó dự đoán, với nhiều tiền lệ được đặt ra chống lại những quốc gia trước đây từng là mục tiêu của cuộc chiến kinh tế với phương Tây.
Ví dụ, Ngân hàng Trung ương Anh đã đóng băng gần 2 tỷ USD dự trữ vàng của Venezuela, dự kiến sẽ vẫn như vậy cho đến khi một chính phủ liên kết với phương Tây trở lại nắm quyền ở Caracas. Anh cũng đóng băng số tiền của Iran trong hơn 40 năm, Tehran có thể sẽ không bao giờ nhận lại được.
Các trường hợp tương tự có thể thấy trên khắp thế giới, nhưng không chỉ đóng băng mà còn ghi nhận sự chiếm đoạt hoàn toàn tài sản của đối thủ trên danh nghĩa bồi thường thiệt hại hay một lý do gì đó.
Nga không chỉ chứng kiến một thời gian dài căng thẳng cao độ với phương Tây kể từ năm 2014 mà còn có nhiều tháng để chuẩn bị cho khả năng leo thang xung đột với Ukraine khi tình hình bắt đầu trở nên trầm trọng hơn từ tháng 10/2021.
Giới tinh hoa của đất nước Nga cũng đã đầu tư rất nhiều vào các nước phương Tây, dẫn đến số tiền và tài sản khổng lồ bị phong tỏa hoặc thu giữ.
Chỉ riêng con số này lên tới hàng chục tỷ USD. Với nhiều quốc gia phương Tây, đặc biệt như Ba Lan, luôn sẵn sàng chiếm đoạt thêm bất động sản và các tài sản khác do người Nga sở hữu.
Khả năng lớn là tài sản của Nga bị đóng băng và nằm trong tay phương Tây sẽ không bao giờ được trả lại. Các cường quốc có thể tuyên bố việc chiếm đoạt chúng phục vụ cho trả đũa kinh tế hoặc cung cấp tiền cho chính phủ Ukraine như một khoản bồi thường chiến tranh nếu tòa án cho là phù hợp.
Việc Canada bán tài sản của Iran để bồi thường cho các nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố, mặc dù có mối liên hệ rất mong manh với Tehran, là một trong nhiều tiền lệ đáng chú ý. Nga sẽ không chỉ mất phần lớn tài sản của mình mà còn làm giàu cho đối thủ nếu trường hợp này xảy ra.
Việc nhắm mục tiêu vào Iran, Venezuela, Libya và các đối thủ khác của phương Tây đã đưa ra cảnh báo về hậu quả của việc để tài sản trong tầm tay đối thủ vào những thời điểm căng thẳng cao độ và sự bất cẩn của Nga rất có thể là sai lầm để lại nhiều hậu quả
Nếu được đầu tư vào quân đội, thậm chí 1/10 trong số 300 tỷ USD bị mất có thể phục hồi các chương trình vũ khí quan trọng như tàu khu trục lớp Lider , tiêm kích tàng hình Su-57 hoặc xe tăng T-14 Armata...
Trong các lĩnh vực của nền kinh tế dân sự, từ cơ sở hạ tầng đến giáo dục và nghiên cứu - phát triển, lợi ích của khoản đầu tư 300 tỷ USD rõ ràng là cực kỳ lớn.
Với những khoản tiền hiện đã bị phong tỏa và nguy cơ cao là mất trắng, Nga đang trong tình trạng không còn nguồn dự trữ và không có nhiều lợi ích mà mức chi tiêu chính phủ cao hơn có thể mang lại.
Việt Dũng