Hãy biết ơn những gì đã có và đang có, dù là khổ đau hay hạnh phúc
Phương Uyên (sinh năm 2003) là sinh viên năm nhất của Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Hà Nội. Cô là người năng động với 12 năm HSG cùng các thành tích trong học tập và rèn luyện bản thân. Năm 18 tuổi, Uyên đã chọn một hướng đi chưa được phổ biến tại Việt Nam: 'Gap year'. Năm qua đã giúp cô vẽ ra trang giấy nhiều gam màu hỗn độn cùng nhiều cung bậc cảm xúc và trải nghiệm thú vị: lần đầu tiên đi du lịch một mình, lần đầu tiên làm những chiếc bánh, lần đầu tiên mở lòng với trẻ con,...
Trước đây, Uyên rất ghét trẻ con vì chúng ồn ào, nhưng sau thời gian thực tập tại trung tâm, Uyên nhận ra rằng “Trẻ con là những búp non” chúng luôn cần được sự yêu thương, che chở. Và chính sự hồn nhiên ấy đã thay đổi dòng suy nghĩ của Uyên về cuộc sống, về tâm niệm mở lòng đón nhận những điều mới. Một điều đặc biệt mà Uyên cảm thấy chính điều này đã thay đổi Uyên và thay đổi nhân sinh quan của Uyên, đó là “sách”. Vì là một học sinh lớp đầu khối A, 3 năm cấp 3 của mình đã không tham gia hoạt động bên ngoài và có một quan điểm “Thời gian đọc sách thà rằng mình đọc sách giáo khoa để học bài còn hơn”. Nhờ có những ngày tháng đọc sách, mình đã có khoảnh khắc “giác ngộ”, mình biết ơn những gì mình đã có và đang có, dù là khổ đau hay hạnh phúc.
Nhờ việc luôn giữ được thái độ tích cực, luôn biết ơn cuộc đời và với tinh thần cầu tiến nên ở thời điểm hiện tại Uyên đã góp mặt ở nhiều CLB trong trường cũng như bên ngoài có thể kể đến như: CLB Future Speakers HANU, CLB MIC - CLB MC Học viện Ngoại Giao, và mới đây Uyên có được lên một vị trí đó là Bí thư Liên chi Đoàn Khoa Quốc tế học nhiệm kỳ 2023-2024, cuối cùng, điều Uyên tự hào nhất đó là một Co-founder của dự án Thấu Cảm - dự án với mục đích chữa lành mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, để các thế hệ có thể kết nối với nhau nhiều hơn, thoát ly khỏi các giáo điều, hướng tới một cuộc sống hạnh phúc.
Chắc hẳn, khi đọc đến đây, bạn nghĩ mình đang phô trương thành tựu của mình đúng không? Để đạt được những dấu mốc đó, mình đã phải gặp rất nhiều khó khăn nên mình rất trân trọng những gì mình đạt được, bao gồm cả việc những người bạn, những người anh, người chị đã tận tâm giúp đỡ và đồng hành cùng mình ở những khoảng thời gian đó. Chính vì vậy, nếu bạn đang gặp khó khăn, hãy nghĩ rằng “mình đang ở đáy chữ U, còn một nửa nữa mình sẽ đạt được thành công”. Thất bại không phải là điều xấu nếu ta biết đứng lên, vượt qua những chông gai để bước tiếp, để đúc kết cho bản thân những kinh nghiệm quý báu. Mình tin rằng, không chỉ mình mà tất cả các bạn trẻ đều đang nuôi trong mình những ước mơ, những hoài bão, hãy cố gắng vượt qua những khó khăn để đạt được nó nhé!
Trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi những khó khăn, thử thách, điều quý giá nhất đó là chúng ta vượt qua nó thay vì chùn bước bỏ cuộc. Đối mặt với suy nghĩ của tuổi trưởng thành, Uyên không tránh khỏi cho mình những áp lực dù là vô hình hay hữu hình. Là một người trẻ có cá tính, Uyên có quan điểm của riêng mình, chính vì điều này nên có nhiều lúc mình và gia đình có những bất đồng quan điểm, nó đã vô hình tạo ra cho mình những khoảng cách, mất đi sự thấu hiểu và khiến cho Uyên nhiều lúc cảm thấy “tủi thân”. Nhưng có một điều mà Uyên tâm đắc khi định hướng của gia đình - kim chỉ nam sống hiện giờ và sau này của Uyên đó là “sống biết ơn”. Mình biết ơn những khó khăn, vì chúng cho mình bài học, cho mình giá trị của cuộc sống, như Ngô Bảo Châu đã từng nói “trong mỗi thất bại đều có mầm mống của sự thành công”.
Bên cạnh đó, chắc hẳn cũng dễ dàng nhìn thấy đó là mình tham gia rất nhiều hoạt động, liệu mình có thể cân bằng được giữa học tập và công việc? Đó là áp lực thời gian, mang tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, Uyên luôn mong muốn mình có thể đóng góp cho xã hội nhiều nhất có thể. Song, cũng phải hoàn thành việc học một cách chu toàn để đảm bảo việc mình thu nạp kiến thức trên giảng đường. Vậy nên, mình phải quản lý thời gian một cách cẩn thận để đảm bảo không bị quá tải và vẫn đạt được kết quả tốt trong cả hai lĩnh vực. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực và sự kiên nhẫn để cân bằng công việc, học tập và đặc biệt là trách nhiệm với gia đình. Tuy nhiên, những khó khăn này đã trở thành động lực để Uyên phát triển và vượt qua.
Với tinh thần ham học hỏi, Uyên đã học cách quản lý áp lực và đối mặt với thách thức. Uyên đã học cách lập kế hoạch, tổ chức thời gian một cách hiệu quả và ưu tiên công việc quan trọng. Uyên đã rèn luyện khả năng tự kỷ luật và kiên nhẫn để vượt qua khó khăn và đạt được những thành công nhỏ trong từng bước khởi đầu của tuổi trẻ. Chính điều này đã khiến cho Uyên luôn tích cực mỗi ngày.
Tuy cuộc sống có thể gặp phải nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm và ý chí, Uyên tin rằng tất cả những khó khăn đó có thể được vượt qua. Những thử thách và thất bại đã giúp Uyên trưởng thành và hình thành tư duy vượt qua khó khăn, và hy vọng rằng những thành công nhỏ của mình cũng có thể truyền cảm hứng và giúp ích cho người khác trong cộng đồng.
Là một người trẻ để sống có ích cho xã hội, trước tiên, chúng ta phải là một công dân tốt, học tập và rèn luyện tốt và luôn chia sẻ, lan tỏa giá trị tích cực tới cộng đồng. Với một tinh thần muốn cống hiến cho xã hội, Uyên đã tham gia vào dự án Earth and Us được lập ra bởi ASEAN Youth Organization với mục tiêu thúc đẩy bảo vệ môi trường. Ở năm 2022 đến đầu năm 2023, Uyên đã được đồng hành cùng mọi người để lan tỏa “du lịch xanh” để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, và đặc biệt là nhận ra giá trị của việc “sống xanh”. Ngoài ra, có thể kể đến, chương trình Mái tóc yêu thương được xây ý tưởng từ team Thấu Cảm dành tặng cho những bệnh nhân trong bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô trong dịp Tết 2023… Sau những lần góp ích cho cộng đồng, Uyên cảm thấy rất hạnh phúc khi mình được cho đi, được tô điểm thêm vẻ đẹp “giá trị sống” của người trẻ Việt Nam.
Chúng ta có thể tham gia vào các hoạt động tình nguyện trong cộng đồng như dọn dẹp môi trường trong “Xanh Việt Nam”, hay giúp đỡ người già, trẻ em hoặc người khuyết tật, tham gia các chiến dịch quyên góp và tổ chức các hoạt động xã hội.
Thêm vào đó, ở những dịp của các chiến dịch như Mùa hè xanh, chúng ta có thể sử dụng kỹ năng và kiến thức của mình để giúp đỡ người khác. Có thể dạy học, tạo ra tài liệu giáo dục, tổ chức buổi thảo luận về một chủ đề quan trọng, hoặc tham gia vào các chương trình giáo dục cộng đồng.
Cuối cùng, trong thời đại chuyển đổi số, chúng ta dễ dàng sử dụng Internet làm công cụ để lan truyền thông điệp về ý thức xã hội và các vấn đề quan trọng như bảo vệ môi trường, phân biệt xã hội, an toàn giao thông, và các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Bạn biết không, mỗi chúng ta đang rất may mắn hơn những hoàn cảnh khó khăn ngoài kia rất nhiều, vậy nên cùng với việc phát triển bản thân, chúng ta cũng nên hướng tới việc phát triển cộng đồng. Những hành động nhân sinh ấy, mỗi chúng ta cùng chung tay góp sức để hướng tới một xã hội tốt đẹp.