Hãy dành nguồn lực hỗ trợ cho những doanh nghiệp mạnh

'Việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nên theo hướng tiếp cận những DN có tiềm lực, phục hồi tốt. Những DN yếu kém thì nên theo cơ chế phá hủy sáng tạo, thanh lọc tự nhiên'...

Đó là nhìn nhận của chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du - giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam trong cuộc trò chuyện cùng Báo Nhà báo & Công luận về bức tranh kinh tế năm 2022 và những khuyến nghị chính sách quan trọng.

Mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% cho năm 2022 là có thể đạt được

+ Thưa ông, ông có nhận định gì về những khó khăn, thách thức, cơ hội của nền kinh tế Việt Nam trong năm tới?

- Trong khoảng 3-6 tháng tới, khả năng phục hồi mạnh mẽ sẽ không cao. Thời điểm Tết Âm lịch và sau Tết khoảng một thời gian, nền kinh tế sẽ có sự chững lại. Để tăng tốc phục hồi thời điểm này khá khó khăn, bởi sẽ gặp một số rào cản về tâm lý người lao động và ngay cả doanh nghiệp (DN).

Kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi trong năm 2022.

Một số người lao động đã về quê trong đợt dịch vừa rồi, có người đã quay lại, nhưng cũng có những người chờ qua Tết rồi tính. Một số DN cũng chưa muốn quay trở lại sản xuất kinh doanh, một số quay trở lại nhưng có thể chưa phát huy công suất như trước khi dịch bùng phát.

Xu hướng dịch bệnh như thế nào vẫn là một dấu hỏi gắn với bất trắc đeo bám nền kinh tế năm tới. Sau tháng Giêng, các hoạt động sẽ tích cực hơn. Nếu dịch bệnh được cải thiện hoặc là không quá nghiêm trọng thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Theo đó, các hoạt động kinh tế cũng tăng tốc trở lại.

Khi đó, mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% cho năm 2022 là có thể đạt được. Vì dẫu sao, đây cũng là mức tăng trên nền tăng thấp, chưa kể chúng ta cũng có tới 9 tháng còn lại của năm 2022 sau thời điểm quý I để tăng tốc, phục hồi.

+ “Bóng ma” COVID-19 liệu còn ám ảnh nền kinh tế nặng nề như cách nó phủ kín năm nay hay không, thưa ông?

- Dịch bệnh sẽ vẫn tác động, đeo bám nền kinh tế nhưng có khả năng nó nhẹ nhàng hơn năm nay. Mức độ chấp nhận dịch bệnh của xã hội đã cải thiện rất nhiều. Với hơn chục nghìn ca nhiễm và trên dưới 200 ca tử vong mỗi ngày, vẫn có sự lo ngại nhưng cảm giác đã bớt co lại, bớt khủng khiếp hơn trước.

Sự thay đổi đến từ cả người dân, DN, chính quyền. Tất cả đều đang thay đổi theo hướng thích ứng an toàn linh hoạt với COVID-19. Theo đó các thiệt hại kinh tế cũng giảm dần.

Các nước trên thế giới cũng vậy. Như nước Mỹ, dân số 300 triệu dân, mỗi ngày bình quân gần 100 nghìn ca nhiễm, và hơn 1.000 ca tử vong. Họ đã và đang thích ứng với bình thường mới. Đưa ra con số đó để cho thấy, thế giới, con người đang phải chấp nhận cuộc sống mới, rục rịch khôi phục lại kinh tế chứ không còn là câu chuyện của “lock-down” kéo dài nữa.

Các gói hỗ trợ cần bài bản và hợp lý hơn

+ Việc ban hành gói hỗ trợ, kích thích, theo ông, có cần thiết với nền kinh tế Việt Nam? Nếu cần, quy mô và liều lượng sao để phù hợp?

- Tất nhiên là rất cần thiết. Gói kích thích phục hồi kinh tế cơ bản có 4 phần: chi cho việc nâng cao năng lực hệ thống y tế, phúc lợi cho người dân, giảm gánh nặng cho DN và tăng đầu tư công.

Con số có vẻ như nhận được đa số sự đồng thuận rơi vào khoảng 3 GDP%, tức là khoảng 250 nghìn tỷ đồng. Song điều tôi muốn nhấn mạnh đó là tính kịp thời đối với các chính sách hỗ trợ.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, Giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright tại Việt Nam.

Lúc đang giãn cách, cách ly thì đó là lúc người dân cần sự hỗ trợ về an sinh xã hội, về phúc lợi nhất. Nó vừa giải quyết đời sống cho người dân, vừa để họ yên tâm ở trong nhà. Nếu giờ đưa ra gói hỗ trợ thì tính cấp bách, độ cần thiết lại không cao bởi thời điểm này không còn “nước sôi lửa bỏng” nữa. Bây giờ muốn phát tiền sẽ cần những tính toán phức tạp hơn nhiều.

Có nên chăng trong bối cảnh sắp Tết Âm lịch, người dân vừa trải qua những khó khăn rất lớn từ COVID-19, nhà nước có thể phát mỗi người khoảng 500.000 đồng (mỗi hộ 4 người khoảng 2 triệu đồng), hơn 98 triệu dân sẽ gần 50 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 0,6% GDP. Chính sách này vừa để thể hiện sự quan tâm tới người dân, để người dân ăn Tết vui vẻ và cũng là một cách kích cầu. Tất cả đều có cái Tết vui vẻ hơn và sức mua của nền kinh tế cũng được gia tăng.

Tuy nhiên, việc có các gói hỗ trợ hoặc các chương trình cụ thể cho các đối tượng khó khăn cần trợ giúp là điều cần thiết. Việc này cần được làm bài bản và hợp lý hơn. Cần rút kinh nghiệm từ những bất cập và lúng túng vừa qua.

+ Ông bình luận như thế nào về quan điểm cho rằng Việt Nam đang “lỡ nhịp”?

- Tôi cho rằng “lỡ nhịp” chỉ là một câu quen miệng, không đúng với thực tế. Việt Nam thuộc nhóm có lợi thế và đi nhanh hơn một cách tương đối thời đại dịch. Chúng ta thuộc số ít quốc gia có tăng trưởng kinh tế dương.

Nhìn trong nước, đợt dịch thứ 4 là rất khủng khiếp, nhưng so với bình diện chung toàn cầu thì Việt Nam cũng ở nhóm dưới trung bình (ít nghiêm trọng). Các kết quả kinh tế năm 2021 này cũng là tích cực. Cần phải tìm mọi cách để tận dụng lợi thế, đi nhanh hơn. Về khía cạnh truyền thông, cần làm nổi bật vấn đề này.

Tuy nhiên, điều tôi còn quan tâm là làm sao tăng được tính hiệu quả của Nhà nước, giảm bớt sự cồng kềnh, tập trung làm tốt những việc quan trọng với các ưu tiên hàng đầu là an sinh xã hội, hệ thống y tế và đầu tư công. Dịch bệnh cho thấy sự cồng kềnh và chưa hiệu quả của khu vực công. Trong thời gian tới cần phải cải thiện điều này bằng cách nhà nước xác định rõ vai trò của mình và chỉ tập trung vào những việc có thể làm tốt mà thôi.

Nguyên tắc hỗ trợ DN phải đặt sự hiệu quả lên hàng đầu

+ Vậy việc hỗ trợ DN thì theo ông, theo hướng thế nào sẽ hợp lý?

- Với người dân, chúng ta hỗ trợ người yếu thế, đối tượng dễ bị tổn thương, để người dân không ai bị bỏ lại ai phía sau. Còn với DN thì phải cứu “ông” có khả năng giúp cho việc phục hồi kinh tế tốt, cứu “ông” trên bờ vực phá sản là “chết” ngay.

Việc hỗ trợ DN nên theo hướng tiếp cận những DN có tiềm lực, phục hồi tốt, như giảm chi phí, giảm thuế… Riêng đối với gói tín dụng thì cần hết sức cẩn thận. Gói tín dụng này càng không nên cho những doanh nghiệp có nguy cơ phá sản vay, nếu không thì nợ xấu sẽ tăng nhanh, nền kinh tế sẽ gặp rất nhiều thách thức. Bài học từ hơn một thập niên trước đây vẫn còn rất thời sự đối với Việt Nam.

Hỗ trợ DN phải hỗ trợ “ông” mạnh, “ông” có sức khỏe tốt, “ông” có khả năng phục hồi sản xuất, đưa nền kinh tế mau chóng bật trở lại. Còn những DN yếu kém thì nên theo cơ chế phá hủy sáng tạo, thanh lọc tự nhiên.

Chúng ta phải làm sao để sử dụng nguồn lực có hiệu quả cho xã hội chứ không mang tính “từ thiện”. Nguyên tắc hỗ trợ DN phải đặt sự hiệu quả lên hàng đầu. Với 2 DN tốt và sắp phá sản thì sẽ cứu ai? Giả sử nếu có tiền, bạn sẽ cho người có năng lực, có tiềm năng để trả hay cho “ông” sắp phá sản vay?. Hỗ trợ DN phải đặt tiêu chí hiệu quả lên số một. Mục tiêu là làm cho cái bánh của cả xã hội to lên.

Cũng có một ngành và số DN khó khăn trực tiếp do ảnh hưởng của đại dịch như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ… Khi nền kinh tế trở lại hoạt động thì họ sẽ quay trở lại, có thể sẽ có quy mô nhỏ hơn nhưng đó là quy luật thị trường. Có những DN mà với tình hình dịch bây giờ, có đổ tiền vào cho họ làm họ cũng không làm, muốn cứu cũng không cứu được. Rất không nên dành nguồn lực hữu hạn cho những DN như vậy.

+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Hà Yên (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hay-danh-nguon-luc-ho-tro-cho-nhung-doanh-nghiep-manh-post178416.html