Hãy để bóng đá trở về với chân giá trị
Có một câu nói rất hay về bóng đá rằng: Bóng đá cũng giống như cuộc sống – nó đòi hỏi sự kiên trì, tự phủ nhận, khó khăn, hy sinh, cống hiến và tôn trọng.
EURO 2000 khép lại với chức vô địch dành cho đội tuyển Italia. Như một tất yếu, người chiến thắng thì được tán dương, kẻ thất bại thì nhận phải vô số chỉ trích. Những “mũi dao” dư luận đã lập tức chĩa thẳng về HLV Gareth Southgate với những chỉ trích về sự bạc nhược, non kém về chuyên môn. Những cầu thủ da màu của tuyển Anh thậm chí phải hứng chịu cơn bão chỉ trích và phân biệt chủng tộc.
Italia đã may mắn chiến thắng, nếu không, có gì bảo đảm rằng những Jorginho, Belloti – những người sút hỏng penalty trong loạt “đấu súng” đầy may rủi, hay những “cận vệ già” như Chiellini, Bonucci – sẽ thế vai những đồng nghiệp bên kia chiến tuyến.
Có một câu nói rất hay về bóng đá rằng: Bóng đá cũng giống như cuộc sống – nó đòi hỏi sự kiên trì, tự phủ nhận, khó khăn, hy sinh, cống hiến và tôn trọng.
Hãy quên đi chuyện thành – bại để nhấm nháp hương vị của cuộc sống đọng lại sau 51 trận đấu đã qua ở EURO 2020, trong đó có trận chung kết đầy cảm xúc.
Eriksen – thủ lĩnh tinh thần của Đan Mạch không thể chiến đấu cùng đồng đội trên sân cỏ, nhưng chính anh lại trở thành động lực, niềm cảm hứng để Đan Mạch viết nên câu chuyện cổ tích của mình – dù với một cái kết mở ở EURO lần này.
Đó là cách hành xử chuyên nghiệp, bản lĩnh và đầy tính nhân văn của người thủ lĩnh của “Những chú lính chì” – đội trưởng Simon Kjaer ngay khi Eriksen gục xuống sân. Và đó là lời cầu nguyện của cả thế giới dành cho Eriksen sau đó – một biểu hiện của tình người không biên giới.
Sau trận chung kết, Rashford, Sancho và Saka đã phải chịu những lời lẽ sỉ nhục và phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội. Một bức tranh tường của Rashford ở thành phố Manchester còn bị vẽ bậy lên mặt. Sau đó, nhiều người đã che những vết sơn đó lại và dán nhiều giấy, quốc kỳ và để lại những lời lẽ yêu thương trên bức tranh. Đáp lại, Rashford đã viết một bức tâm thư dài, đẫm nước mắt nhưng cũng đầy nghị lực và niềm tin: “Những thông điệp mà tôi nhận được hôm nay là rất tích cực và nhìn thấy những phản ứng ở Withington (nơi bức tranh tường được vẽ) khiến tôi gần phát khóc. Cộng đồng nơi luôn giang tay che chở tôi một lần nữa lại ôm tôi vào lòng.
Tôi là Marcus Rashford, 23 tuổi, một người đàn ông da đen tới từ Withington và Wythenshawe, Nam Manchester. Nếu tôi không còn gì khác, ít ra tôi có những thứ đó. Cảm ơn vì những thông điệp tốt đẹp của các bạn. Tôi sẽ trở lại mạnh mẽ hơn. Chúng ta sẽ trở lại mạnh mẽ hơn”.
Biết đâu đấy, chính những chàng trai đau khổ hôm nay, sẽ là thần tượng, nguồn cảm hứng và hệ giá trị mới cho một thế hệ trẻ nước Anh ở FIFA World Cup 2022.
Bởi, chẳng “đoàn quân Thiên thanh” là những kẻ khóc hận trên chấm 11m nhiều nhất ở thế kỷ 20 sao? Từ EURO 1980, bán kết World Cup 1990 trên sân nhà, chung kết World Cup 1994 trên đất Mỹ và tứ kết World Cup 1998 trên đất Pháp. Nếu không tự phủ định “vận mệnh”, đâu có một Italia khải hoàn trên chấm 11m ở thế kỷ 21.
Chẳng phải Chiellini đã từng bị các tifosi mỉa mai khi anh đồng ý ở lại đội tuyển quốc gia sau khi bóng đá Italia chìm trong khủng hoảng, cạn kiệt niềm tin vì trở thành khán giả ở World Cup 2018. Để rồi chính anh là ngọn cờ đầu cho công cuộc phục hưng của đội tuyển quốc gia từ đó – biểu tượng mới của một Italia đoàn kết, bất bại.
Cũng tại EURO lần này, Ronaldo của Bồ Đào Nha trở thành “Vua phá lưới” ở tuổi 36, Pedri của Tây Ban Nha nhận danh hiệu “Cầu thủ trẻ hay nhất EURO 2020” ở tuổi 18. Điều đó cho thấy, chẳng có giới hạn nào của khát khao, cống hiến.
Trong lúc đoàn quân Azzurri thỏa thuê tận hưởng men say chiến thắng, thì thuyền trưởng của họ - Roberto Mancini nén lại cảm xúc để bắt tay đồng nghiệp bên kia chiến tuyến – Southgate, đang buồn bã đi ngang. Đó là danh dự và tự trọng.
…
Trên hết, trong bối cảnh cả thế giới đang bị vây phủ bởi bóng đen của đại dịch COVID-19, những bữa tiệc sinh nhật bóng đá diễn ra trong sự cổ động của hàng vạn cổ động viên ở 11 “thánh đường” trên khắp châu Âu, chính là ánh sáng, là niềm tin, là lời hiệu triệu kết nối và hàn gắn thế giới. Đó chẳng phải là chân giá trị của bóng đá sao?!