Hãy để các em yêu thơ văn tiếng Việt

Ngữ liệu dạy học trong sách giáo khoa (SGK) hiện nay đa phần là những văn bản nghệ thuật có chất lượng của Việt Nam và thế giới. Đó là sự kết tinh các phẩm chất của tiếng nói dân tộc và nhân loại. Việc được đọc, học chúng là con đường ngắn nhất để lĩnh hội tinh hoa của tiếng mẹ đẻ và tiếng nói các dân tộc khác. Thơ văn trong SGK góp phần trang bị cho học sinh những hiểu biết về văn học, văn hóa, hình thành ở các em nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ, khả năng rung cảm trước cái đẹp, trước những buồn vui, yêu ghét của con người.

Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, việc biên soạn của những người làm sách cũng không tránh khỏi những bất cập, hạn chế nhất định, dẫn đến tình trạng chán ngán, sợ học văn của học sinh.

Tác phẩm văn học trong SGK phổ thông, ngoài các tiêu chí sư phạm, khoa học, giáo dục, cần phải hấp dẫn về nội dung, nghệ thuật, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Đó vừa phải là một văn bản mẫu mực, vừa là sự gợi mở để các em tiếp tục sáng tạo theo hiểu biết của mình.

Người làm văn thơ và người làm SGK nếu bắt được đúng mạch tâm lý trẻ, thỏa mãn được nhu cầu về nhận thức và xúc cảm thẩm mỹ của các em thông qua con đường kích thích và phát huy năng khiếu cảm thụ văn học hết sức phong phú, sinh động ở lứa tuổi này thì sẽ thành công. Thế nhưng, một số bài khóa làm ngữ liệu dạy học cũng chưa thực sự là những áng văn chương mẫu mực, gợi nhiều hứng thú cho cả thầy và trò. Một hiện tượng khá phổ biến là thơ ca trên trang SGK thường ưa đi thẳng vào trẻ em bằng lối kể lể trực tiếp hoặc lối thuyết lý trừu tượng nhiều hơn.

Không ít bài thơ, bài văn được đưa vào SGK hiện nay đã thiếu sự cẩn trọng cần thiết: mạch thơ, mạch văn bị cắt cơ học dẫn đến đứt đoạn, khó hiểu; đôi lúc kết cấu tác phẩm cũng bị đảo lộn làm sai lệch ý đồ của người viết; giá trị nội dung, nghệ thuật của nguyên bản theo đó cũng giảm sút rất nhiều. Sự kết nối giữa đội ngũ biên soạn với tác giả (hoặc gia đình, người đại diện của tác giả) để có một văn bản hoàn thiện xem ra cũng khá lỏng lẻo. Đa số nhà văn, nhà thơ chỉ biết tác phẩm của mình đã được vinh dự tuyển vào SGK sau giáo viên và học sinh. Chẳng những không được hỏi ý kiến để đảm bảo tính pháp lý về mặt bản quyền, họ cũng bị tước mất quyền năng đối với đứa con tinh thần ấy. Vậy là nó đẹp hay xấu, hoàn thiện hay dị dạng là do đội ngũ chuyên gia soạn sách quyết định. Tác giả chỉ còn biết “kêu trời” vì đứa con tinh thần của mình bị “phù phép” làm cho biến dạng.

Hơn hết, văn bản đưa vào chương trình không quá đặt nặng chức năng giáo dục khô khan mòn cũ, hoặc tính thời sự, cấp thiết nhất thời mà nội dung phải giàu tính nhân văn, cái sẽ đi cùng với nhiều thế hệ người học đến suốt cuộc đời. Tác phẩm chỉ thực sự để lại ấn tượng sâu đậm với học sinh, hướng người học đến những giá trị muôn thuở của con người chỉ khi nó là một công trình nghệ thuật bằng ngôn từ đúng nghĩa. Sâu sắc mà không “đao to búa lớn”, khuyên nhủ mà không cứng nhắc, lên gân, mới là con đường để văn học tìm đến với các em - một hướng đi đặc trưng nhưng cực kỳ hiệu quả, bởi nó chinh phục học sinh bằng hình ảnh, bằng nhạc điệu, bằng ngôn ngữ nghệ thuật nhuần nhị chứ không đến trực tiếp bằng thứ ngôn ngữ thuyết lý trừu tượng, khô khan. Có như thế, việc dạy học sẽ tránh được tình trạng áp đặt, nêu gương. Nguyên tắc “quý hồ tinh bất quý hồ đa” cũng cần được quán xuyến. Mỗi bài thơ được chọn lọc đưa vào sách học cũng phải là phần tinh túy nhất của mỗi nhà thơ, nhà văn, không phải vì đó là gương mặt quen thuộc hoặc người có vai vế, lão làng.

Cái đích của việc dạy học văn ở trường phổ thông là bước đầu tạo cho học sinh có được những năng lực cơ bản như: đồng cảm, tưởng tượng, tạo ra bố cục, làm ra sản phẩm nghệ thuật… Vô cùng nguy hiểm nếu chúng ta không biết làm cho các em yêu thơ văn - một nhân tố quan trọng để tâm hồn trẻ thơ không trở nên cằn cỗi, để trẻ có thể rung động với những chân lý thiêng liêng, như yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu cha mẹ, yêu con người… Ngữ liệu trong SGK Tiếng Việt, Ngữ văn là phương diện quan trọng để cụ thể hóa, hiện thực hóa mục đích ấy. Đó cũng là yếu tính cho thấy cái tầm của sách, năng lực và tâm huyết của đội ngũ biên soạn sách nói riêng, ngành giáo dục nói chung. Hy vọng chúng ta sẽ có một bộ sách mới dành cho học sinh, ở đó những hạn chế tương tự trong ngữ liệu của SGK hiện hành sẽ được khắc chế, góp phần tích cực để cải thiện, nâng cao chất lượng dạy học tiếng mẹ đẻ và dạy học văn ở trường phổ thông.

PGS-TS BÙI THANH TRUYỀN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hay-de-cac-em-yeu-tho-van-tieng-viet-602032.html