Hãy đọc tiểu thuyết cùng tấm bản đồ thật lớn
Hầu hết các tác phẩm của nhà văn Trương Anh Quốc đều ghi lại hành trình của tác giả trong những chuyến tàu bôn ba trên biển. Sóng - cuốn tiểu thuyết thứ hai - là tác phẩm khá đặc biệt, đối với người đọc và chính tác giả.
* Không chỉ là câu chuyện biển cả
Trương Anh Quốc quê ở Quảng Nam, vốn là kỹ sư điện ngành hàng hải, nhưng niềm đam mê dành cho văn chương ở anh sâu sắc đến nỗi khó mà lý giải được.
Cùng với những chuyến tàu đi qua rất nhiều nước trên thế giới, anh đã miệt mài với trang viết một cách nghiêm túc, vất vả. Với 3 tập truyện ngắn và 3 tiểu thuyết, Trương Anh Quốc đã giành được giải nhì Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 3, giải nhất Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 4, một số giải thưởng dành cho truyện ngắn, và gần đây nhất là tiểu thuyết Phía sau tiếng sóng (giải nhì thể loại tiểu thuyết của Cuộc thi viết về chủ đề Công nhân - Công đoàn do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức).
Sóng là dấu ấn khá đậm nét của mảng tiểu thuyết viết về biển, với những câu chuyện lạ lùng, hấp dẫn, đầy phiêu lưu sóng gió. Triển vọng của tiểu thuyết du ký sẽ còn được Trương Anh Quốc và nhiều cây bút hiện đại khai thác, tìm tòi để có thêm nhiều thành công mới.
Anh còn nhiều dự án khác viết về biển, đảo trong và ngoài nước, về ngành hàng hải, dầu khí - vốn là lĩnh vực anh có nhiều vốn sống - song Trương Anh Quốc có thói quen làm việc trong thầm lặng.
Tiểu thuyết Sóng được gọi là tiểu thuyết du ký, dựa trên diễn biến một chuyến đi dài ngày, qua rất nhiều vùng biển, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đó cũng là chuyến du hành dài ngày đầu tiên trong đời, được tác giả quan sát, ghi chép kỹ lưỡng và rồi… mất sạch theo chiếc laptop cá nhân.
Khi viết Sóng, chuyến du hành ấy đã được tái hiện lại một cách kỳ thú, với 41 chương ngắn, được viết bằng văn phong rất gọn gàng, kiệm lời, đầy ắp tình huống và chi tiết. Ở mỗi vùng biển, mỗi nơi chốn đều có một câu chuyện được ghi lại, tạo thành một chuỗi tình tiết xung quanh những nhân vật quen thuộc: thuyền trưởng Hyeong, bếp trưởng Cúc, máy trưởng Kim, Phó ba Việt, thủy thủ trưởng Hưng, Tình… Rất nhiều câu chuyện bi hài được kể lại với một sự tỉnh táo lạ lùng của tác giả, toàn tác phẩm cũng không có nhiều đoạn mô tả cảm xúc, lời bình, trữ tình ngoại đề.
Hải trình khởi đầu vào đầu mùa xuân ở Nhật Bản, đi qua Hàn Quốc, vào sông Dương Tử (Trung Quốc), qua nhiều cảng của Australia, qua eo biển Malacca, Ấn Độ, Nam Phi, Venezuela, Mexico, Hoa Kỳ và các quốc đảo nhỏ… sau đó quay về Incheon (Hàn Quốc) và trở về Việt Nam - gần trọn một vòng trái đất.
Trong 41 chương tiểu thuyết, nhà văn Trương Anh Quốc dành một số chương có hình thức những lá thư được viết từ quê nhà, để khi người thủy thủ tìm về người xưa, chốn cũ… thì sự bi hài lại đẩy được cao lên một bậc. Những lá thư của “người trong mộng” ẩn sau hải trình khắc nghiệt, đầy những hiểm nguy đã “lạc trôi” vào một miền lãng du vĩ đại của biển cả, của những tháng ngày vật lộn, đợi chờ, mong mỏi… Một cái kết rất cinema (điện ảnh). Thực tại của cuộc sống, những trải nghiệm đều như những con sóng dội vào trái tim và tất cả cũng tan đi như sóng… Những tầng nghĩa của tiểu thuyết khiến người đọc trăn trở khôn nguôi, kể cả khi cuốn sách đã thực sự kết thúc.
* Hành trình đơn độc và kiêu hãnh
Đọc tiểu thuyết Sóng của Trương Anh Quốc, người đọc mường tượng có một tấm bản đồ thế giới hiện lên sau trang viết, đợi chờ sự liên tưởng và chiêm nghiệm về một thế giới bao la, rộng lớn và kỳ bí. Tùy vào cách đọc của mỗi độc giả có thể tìm thấy hành trình riêng trên tấm bản đồ ấy, từ châu Á qua châu Âu, rồi châu Mỹ, và “điểm rơi” cuối cùng là một căn nhà trọ, một quán cơm, một cái ngõ nhỏ thân thuộc ở đô thị Sài Gòn…
Sức hấp dẫn của tiểu thuyết nhờ vào lối kể chuyện rất riêng của tác giả, anh viết những câu chuyện lạ, chỉ có thể xảy ra trong hành trình, như việc thuyền trưởng phát trước cho thủy thủ đoàn 2 tháng lương, rồi mọi người nhận ra phải chuẩn bị đối phó với cướp biển khi tàu sắp sửa qua eo biển Malacca; chuyện gọi điện thoại phải mất tiền xu “mồi” có khi nhiều hơn cả cước phí ở những trụ điện thoại công cộng… Những mối quan hệ giữa người với người thể hiện từ chuyện ăn, ngủ, vận trình của con tàu, hướng gió, câu cá… cho đến những chuyện sinh tử đều được kể lại một cách rất chân thực, song cũng rất chọn lọc, không tô hồng, cũng không phóng đại.
Những câu chuyện dù cấp bách, phức tạp đến mấy cũng được đơn giản hóa nhờ vào sức nén của lời kể chuyện, tác giả ít bình luận hoặc thể hiện cảm xúc. Từ đó, tác giả mô tả một cách bao quát đời sống, con người, xã hội của vùng đất con tàu lưu lại, dù chớp nhoáng, như để tìm kiếm sự thông cảm, gần gũi tình người. Cứ như thế, mạch truyện miên man tưởng như không thể dứt, cho đến khi nhân vật quay trở về điểm khởi đầu, những tưởng tìm ra, nhưng thực tế là mất hút cả một ước mơ thầm kín, kéo dài…
Nhà văn Trần Nhã Thụy, nguyên Giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam khu vực phía Nam, từng nhận xét về tiểu thuyết Sóng. Ông cho rằng tác giả Trương Anh Quốc đã tránh được việc sa vào ký sự khi viết tác phẩm này. Quả đúng vậy, với nhóm nhân vật trung tâm, tác giả đã kết nối họ qua từng câu chuyện riêng lẻ, tưởng chừng là sự ngẫu nhiên và ngẫu hứng; song thực sự từng câu chuyện cũng như cả mạch truyện đều được tác giả sắp đặt kỹ lưỡng, vừa phải, bằng sự cảm nhận thầm lặng, khiêm tốn của một người trong cuộc. Và từ đó, mỗi con người, mỗi số phận dần hiện lên, rõ nét, cùng với nghệ thuật viết tiểu thuyết chắc chắn, khỏe khoắn của tác giả.
Thực sự, qua mỗi vùng đất, đối đầu với biến cố, hiểm nguy, hay chạm mặt một con người (từ thủy thủ trên tàu, cho đến người quen hay lạ ở đất liền), Trương Anh Quốc đều dành cho nhân vật sự thông cảm, chấp nhận và sự thân thiện cần thiết. Anh đặt nhân vật vào sự chân thật, rõ ràng và hầu hết là một kết thúc nhẹ nhàng, có hậu.
Với tấm bản đồ hiện hữu bên cạnh văn bản tiểu thuyết Sóng, người đọc có thể đánh dấu các vị trí địa lý đã diễn ra những câu chuyện, những tình tiết đáng nhớ và cũng có thể ghim lên đó sức nặng của cảm xúc, của nỗi ám ảnh mà tác giả đặt lên trang viết. Sóng cũng mang nhiều thông điệp gần gũi với cuộc sống, con người; thật xúc động với câu chuyện con tàu đi qua kênh đào Panama, khi nghe người dân bản địa bày tỏ niềm tự hào về con kênh vĩ đại này, Trương Anh Quốc nhớ ngay về Tổ quốc mình: “Đúng rồi, không có gì cao quý và thiêng liêng bằng Tổ quốc…” Đất nước không chỉ là nỗi nhớ, mà còn là một chuẩn mực, một mục đích để con người hướng về, mong ngóng hàng ngày, mặc dù đó chỉ là quê nhà bình dị, đơn sơ.
* Triển vọng của tiểu thuyết du ký
Đối với văn chương, nhà văn Trương Anh Quốc luôn muốn đi đến cùng niềm đam mê sáng tác và những cảm xúc, những trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, anh đã viết ở rất nhiều thể loại, từ truyện ngắn, truyện thiếu nhi, bút ký, tiểu thuyết và tiểu thuyết du ký Sóng đã ra đời như một sự thể nghiệm mới.
Với nhóm nhân vật trung tâm với những câu chuyện trải dài xuyên các lục địa, điều đọng lại ở người đọc là những bài học sinh tồn; là cách nhìn nhận và ứng xử của con người trước những khác biệt về lối sống, văn hóa; là cuộc tìm kiếm không bao giờ kết thúc của con người đối với chính mình… Sóng cũng là tác phẩm mang tính tiêu biểu với nhiều gợi mở của Trương Anh Quốc đối với hành trình sáng tác của anh.