Hãy đồng cảm, sẻ chia để giúp nạn nhân bị buôn bán làm lại cuộc đời

Trong 12 năm kể từ khi thành lập, Ngôi nhà bình yên đã đón tiếp được rất nhiều những nạn nhân của nạn buôn người và giúp đỡ họ...

Được giải cứu!

Chị Nguyễn Thanh Ngọc, nhân viên xã hội của Ngôi nhà bình yên – Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, cho biết. Trong 12 năm kể từ khi thành lập, Ngôi nhà bình yên đã đón tiếp được rất nhiều những nạn nhân của nạn buôn người và giúp đỡ họ. Các nạn nhân ở đủ các lứa tuổi, giới tính, ở các tỉnh thành, mỗi người một hoàn cảnh, một lối sống, nhưng theo chị Ngọc, lý do bị lừa để trở thành nạn nhân đa phần là nhẹ dạ cả tin.

Cũng theo chị Ngọc, nạn nhân buôn bán người đã được giải cứu về với Ngôi nhà bình yên chủ yếu là phụ nữ, và khi bị bán, họ đa phần bị bóc lột tình dục. Nếu bị bán để làm vợ, đa phần cũng bị làm vợ những người đàn ông già, yếu hoặc cũng có thể phải làm vợ của tất cả đàn ông trong nhà. Có những nạn nhân được giải cứu sau đến… 30 năm. Cô bị buộc làm vợ, làm công cụ tình dục, làm máy đẻ… và khi được giải cứu, nạn nhân đã luống tuổi. 30 năm vật đổi sao rời, gia đình, họ hàng thân quyến khi quay lại tìm vô cùng xa vời.

Đau xót hơn là những nạn nhân bị bán vào những động mại dâm, ở đây, thực sự là địa ngục trần gian. Có những chị, những em buộc phải tiếp khách cả ngày lẫn đêm, chịu bạo hành và không có cả thời gian để nghỉ. Già trẻ lớn bé, kể cả những người nghiện ngập, các chị không thể từ chối. Bị bóc lột đến kiệt sức, có những cô gái không có cả thời gian để mặc quần áo không phải là chuyện lạ.

ảnh minh họa: Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

ảnh minh họa: Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Được giải cứu trở về, các chị thoát khỏi bị bạo hành về thể xác, nhưng hậu quả để lại thì vô cùng. Có những nạn nhân sau khi bị giải cứu thì phát hiện mình nhiễm giang mai, lậu… thậm chí có những nạn nhân đã ở giai đoạn cuối của căn bệnh thế kỷ, HIV. Làm sao để giúp họ có sức khỏe cả thể chất và tinh thần là điều mà những nhân viên xã hội như chị Ngọc luôn trăn trở.

Hậu quả kéo theo cả đời

Trong nhiều năm đón nhận và đồng hành cùng những nạn nhân của nạn buôn người, chị Ngọc cho hay, nhiều người mang trong mình căn bệnh xã hội, hoặc bệnh tật như án tử treo lơ lửng trên đầu đã quá đau xót, nhưng hành trình tái hòa nhập của các chị cũng không phải thực sự dễ dàng như người ta vẫn nghĩ.

Sau cả một thời gian triền miên bị đầy ải, có những nạn nhân khi được giải cứu, do sang chấn tâm lý, nạn nhân đã hoàn toàn quên tất cả những việc trước kia. Thậm chí họ còn không nhớ họ là ai, làm gì chứ đừng nói đến nhớ quê quán, nghề nghiệp trước kia. Cũng có nạn nhân họ sợ tiếp xúc người lạ, họ sợ khi bước ra xã hội… tất cả những biện pháp tâm lý, những chăm sóc, những hỗ trợ chỉ dần dần khiến họ tạm quên, đôi khi những nỗi đau ám ảnh họ cả đời. Chị Ngọc cũng cho biết, ở Ngôi nhà bình yên, cũng nhiều khi đón nhận sự quay trở lại của nạn nhân sau thời gian “ẩn trú”. Nhưng lúc ấy, họ lại là nạn nhân của một vấn nạn khác, đó là bạo hành gia đình.

Không quá khó khăn để hiểu, từ nạn nhân của nạn buôn người đến là nạn nhân của bạo hành gia đình đôi khi như một chuỗi logic. Nạn nhân của nạn buôn người đa phần bị bóc lột và bạo hành tình dục. Dù có được hỗ trợ những liệu pháp tâm lý, dù có được trang bị lại những kiến thức vào đời, thế nhưng cánh cửa quay trở lại các chị đã hẹp đi một phần. Không phải người phụ nữ nào cũng đủ tự tin như những cô gái đang phơi phới ngoài kia để mà chọn lựa kỹ càng cho mình một tấm chồng, mặc cảm, tự tin khiến cái cách chọn người chung sống cũng đại khái, hoặc chấp nhận một cách phải chăng…

Theo chị Ngọc, để các nạn nhân nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về cần được triển khai đồng bộ. Hội liên hiệp phụ nữ phải là nòng cốt trong việc tìm kiếm, vận động các nguồn lực để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó hội phụ nữ cơ sở chính là những người gần gũi, chia sẻ, nắm bắt tình hình đời sống của chị em và là sợi dây kết nối với các cơ sở hỗ trợ khi nạn nhân tiếp tục cần sự trợ giúp. Từ đó, góp phần hỗ trợ chị em tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống.

Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hay-dong-cam-se-chia-de-giup-nan-nhan-bi-buon-ban-lam-lai-cuoc-doi-162426.html