Hãy hành động thiết thực nhất cho trẻ em

Với ý nghĩa 'Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai', thời gian qua, các cấp, các ngành, đoàn thể và cả cộng đồng xã hội đã chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tháng 6 hằng năm, còn được chọn là Tháng hành động vì trẻ em nhằm thúc đẩy phong trào 'Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em' một cách thiết thực nhất.

Là tỉnh còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng Sóc Trăng cũng dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Toàn tỉnh hiện có trên 301.200 trẻ em, chiếm 25,10% dân số, trong đó có 118.250 trẻ dưới 6 tuổi. Tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong toàn tỉnh là 3.360 trẻ, chiếm 1,11% và số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 36.485 trẻ, chiếm 12,11%.

Thực hiện chính sách đối với trẻ em, đến nay toàn tỉnh có 117.464 trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chiếm tỷ lệ 99,44%; có 2.485 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng và trợ cấp khẩn cấp. Có 100% huyện, thị xã, thành phố đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 03/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có 58 xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, chiếm tỷ lệ 53,02%. Qua đó, đã góp phần thực hiện tốt các mục tiêu Chương trình hành động vì trẻ em trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai (Học sinh Trường Thực hành sư phạm - huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Ảnh: Phạm Thanh Lấm

Ngành Y tế quan tâm tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng, khám, chữa bệnh cho trẻ em; 100% xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Tỷ lệ trẻ đi học ở bậc trung học cơ sở vượt chỉ tiêu 1,86%; bậc tiểu học chiếm 93% và 93,8% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Các đơn vị chức năng tăng cường chỉ đạo thực hiện tiếp nhận, giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại; tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đại biểu Quốc hội, HĐND với trẻ em...

Năm 2023, tổng kinh phí vận động hỗ trợ trẻ em toàn tỉnh trên 14,6 tỷ đồng. Trong đó, cấp tỉnh trên 2,4 tỷ đồng và cấp huyện 12,2 tỷ đồng với các hoạt động như: trao bọc bổng, xe đạp, dụng cụ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; quà tết Trung thu; khám sàng lọc bệnh tim miễn phí cho 180 trẻ em, qua đó có 25 trẻ được chỉ định phẫu thuật...

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, tỉnh tăng cường các hoạt động vì trẻ em. Trong đó, các cấp, các ngành đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí tổ chức họp mặt, thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật nhân dịp lễ, Tết. Riêng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được triển khai và thực hiện hiệu quả. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em, thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em và các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em.

Tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp và công tác phối hợp giữa các ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Công an, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em để thực hiện quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em phát triển toàn diện.

UBND các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm, tạo điều kiện, vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ mỗi xã, phường, thị trấn có một công trình dành cho trẻ em được xây dựng hoặc nâng cấp. Chung tay giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội để tất cả trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh.

Tổ chức diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Đại biểu Quốc hội và HĐND với trẻ em nhằm lắng nghe ý kiến trẻ em. Tổ chức các hoạt động tìm hiểu phòng, chống đuối nước, an toàn giao thông, học bơi, cứu hộ và sơ cứu người bị tai nạn; những kiến thức cơ bản, kỹ năng thực hiện quyền tham gia, bày tỏ ý kiến phù hợp với lứa tuổi; tổ chức các hoạt động giao lưu giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với các trẻ em khác để tăng cường sự tự tin, hỗ trợ trẻ em hòa nhập cộng đồng.

Để đảm bảo an toàn và bình đẳng cho trẻ em, rất cần đến sự chung tay của cộng đồng. Mỗi người chúng ta hãy quan tâm nhiều hơn nữa để trẻ em được sống trong tình yêu thương, hạnh phúc và bình đẳng cùng phát triển. Khi thế hệ tương lai có sức khỏe, có tri thức, có niềm tin, có thành công sẽ góp phần xây dựng xã hội nhân văn, tốt đẹp.

XUÂN HƯƠNG

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/xa-hoi/hay-hanh-dong-thiet-thuc-nhat-cho-tre-em-73771.html