Hãy học đi, người Anh!

Khát vọng của người hâm mộ bóng đá Anh rất rõ ràng: Vô địch giải đấu lớn bằng một lối chơi có màu sắc. Học tập chính là phương cách để người Anh bước đến, chạm vào đích đến của hạnh phúc nhưng dường như sự bảo thủ đang cản đường họ .

Một tương lai bất định đang chờ đợi đội tuyển Anh.

Một tương lai bất định đang chờ đợi đội tuyển Anh.

Nguồn ảnh: The Telegraph.

“Nghỉ học” với thầy Southgate

1. Sa thải Southgate... Sa thải Southgate... Sa thải Southgate. Tiếng than thở kéo dài vang vọng khắp hệ sinh thái bóng đá Anh, bởi vì:

Southgate quản trị nhân sự kém quá. Cầu thủ vừa nhận danh hiệu “Cầu thủ nam xuất sắc nhất nước Anh” là Cole Palmer thường xuyên phải đi xách nước bổ cam (cách nói vui của cư dân mạng với cầu thủ dự bị). Cái tên bị hoài nghi về khả năng như Henderson (khi cầu thủ này đã bên kia sườn dốc sự nghiệp) lại xuất hiện tương đối nhiều trên bảng danh sách cuối cùng mà Southgate lựa chọn lên tuyển. Còn những người đã chứng minh được năng lực ở các câu lạc bộ lớn như Foden, Arnold, Grealish,... đều không tạo được dấu ấn cụ thể lên lối chơi của đội tuyển. Câu chuyện hiển nhiên: Thầy không nhìn ra năng lực và biết phát huy năng lực của trò thì đương nhiên là thầy kém.

Southgate không có giáo án, giáo trình đủ tốt hoặc nếu có thì kỹ năng sư phạm của ông tương đối tồi khi học trò không thể hiện được lối chơi có hồn. Không đan bật đẹp mắt, không cường độ cao, chẳng có miếng đánh độc chiêu và cũng thiếu đi cá tính đặc trưng của đội bóng lớn. Thầy Southgate có thể tự hào với thành tích là người đầu tiên đưa đội tuyển vào chung kết ở 2 giải đấu lớn (Euro 2020 và Euro 2024) nhưng bệnh thành tích của hệ sinh thái bóng đá Anh nặng nề hơn nhiều. Họ muốn chiếc cúp cho nhà vô địch.

Từ người trợ giảng cho Sam Allardyce, Southgate lên chức. Tuy nhiên, ông luôn phải chịu những hoài nghi về trình độ. Southgate đã không kịp thời hay nói đúng hơn là không đủ năng lực để dập tắt những hoài nghi, để rồi hoài nghi này “đẻ” ra hoài nghi khác và việc ông chia tay với đội tuyển Anh là hệ quả tất yếu.

Southgate chia tay đội tuyển Anh là điều tất yếu.

Southgate chia tay đội tuyển Anh là điều tất yếu.

Nguồn ảnh: Internet.

Học!...học!...học!

Southgate đi, Lee Carsley lên tạm quyền. Khoảng trống quyền lực được chừa ra để đợi một ông thầy mới. Đây là thời gian hệ sinh thái bóng đá Anh, đặc biệt là Liên đoàn bóng đá Anh phải ngẫm nghĩ, động não, quan sát về những vấn đề tồn đọng.

Nền công nghiệp bóng đá Anh đang bị rơi vào cuộc khủng hoảng thừa, đặc biệt là ở vị trí tiền vệ công. Hiện trạng này làm nhiều người nhớ về cuộc đại khủng hoảng giai đoạn 1929 – 1933 mà giới tư bản, trong đó có nước Anh phải hứng chịu. Người Anh mơ mộng về đội hình tỷ đô mà họ đang sở hữu, nhưng việc “trùng màu” giữa các cá thể luôn là rào cản đến thành công của tập thể ấy, đặc biệt là ở một đội bóng với 11 cầu thủ đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ trên sân. Sự dũng cảm, quyết đoán là điều mà tân thuyền trưởng mới của Tam sư sẽ cần phải có. Nếu không, thì cứ như HLV tạm quyền Lee Carsley làm trong trận đấu với Hy Lạp, ông “nhồi” một lúc 5 tiền vệ công vào đội hình chính, trong đó có 3 kèo trái là Foden, Saka và Cole Parmer. Kết quả thì ai cũng đã rõ, đội tuyển Anh nhận trận thua với tỷ số 1-2. Đúng là một trò cười!.

Liên đoàn bóng đá Anh cũng cho thấy họ học lịch sử cực kém. Cách đây chừng 20 năm, họ đã có một “thế hệ vàng” thất bại. Sự cay nghiệt, uất hận đã được người Anh cụ thể bởi hàng trăm bài báo, những nguyên nhân cũng được lục tìm, đào xới, mổ xẻ, nào là đội hình thiếu cân bằng, nào là sự tung hô quá mức của truyền thông, rồi không có một HLV đủ tài để quản trị những cái tôi,... Tưởng chừng những bài học sâu sắc đó sẽ soi sáng con đường cho lứa cầu thủ kế tiếp, nhưng chính họ giờ đây lại đang vào vai và diễn lại thước phim của quá khứ. Nhà chính trị nổi tiếng của La Mã cổ đại Xi – xê – rông đã nói: “Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống”. Liên đoàn bóng đá Anh hoàn toàn không đồng ý với quan điểm này.

Người Anh không biết đúc rút kinh nghiệm từ những vết thương trong lịch sử.

Người Anh không biết đúc rút kinh nghiệm từ những vết thương trong lịch sử.

Nguồn ảnh: Getty.

Tiếp tục bàn về sự học. Những người yêu bóng đá chỉ ra điểm thú vị là “người truyền giáo vĩ đại” Pep Guardiola đi đến đâu thì quốc gia đó sẽ đón nhận được vinh quang. Tư tưởng của Pep ở Barca, Tây Ban Nha tiếp thu, áp dụng và hưởng lợi với 3 chức vô địch giải đấu lớn liên tiếp trong giai đoạn 2008 - 2012. Pep đến xứ Bavaria, nước Đức cũng được hưởng lợi tương tự với chức vô địch thế giới vào năm 2014. Năm 2016, Pep đến thành phố Manchester và đã 8 năm kiến tạo nên những kỳ quan của bóng đá, nhưng thứ đội tuyển Anh nhận được là con số 0 tròn trĩnh. Không chỉ Pep mà nước Anh còn có cơ hội được tiếp cận với nhiều triết lý đặc sắc của Mourinho, Klopp, Postecoglou,... nhưng tất cả những triết lý đó chẳng được áp dụng trong thực hành bóng đá của đội tuyển Anh.

Chẳng phải riêng triết lý mà những “độc chiêu” trong ném biên của Liverpool trước kia hay đá phạt góc của Arsenal hiện tại cũng “đói” người học. Lỗi lớn thuộc về HLV nhưng cũng chẳng thể khoán hết trách nhiệm lên một cá nhân cụ thể. Đây là điểm yếu của một tổ chức, thậm chí là cả một nền văn hóa.

Mãi mãi tinh thần học tập...

Hạnh phúc của anh xe ôm khác với hạnh phúc của một ông giám đốc. Có lẽ đa phần chúng ta đều đã nghe đến câu chuyện luận bàn về hạnh phúc kiểu này. Nhiều người bông đùa, bây giờ đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup hay chiến thắng đội tuyển Thái Lan còn hạnh phúc hơn dân tộc Anh khi chứng kiến đội tuyển quốc gia họ trở thành Á quân của Euro hay World Cup. Hay là, người Anh hãy “biết đủ” và hạ tiêu chuẩn hạnh phúc lại. Đơn giản là không thể!, trong trường hợp này nếu làm vậy là sự thụt lùi. Người Anh cũng chẳng bao giờ cam chịu bởi dàn nhân sự chất lượng mà họ đang có, đặc biệt lại đang sở hữu thương hiệu giải vô địch quốc gia hào nhoáng nhất hành tinh. Con đường đến thành công không thể vẽ ngắn lại hoặc khác đi. Điều người Anh cần làm đó là tìm và duy trì khát vọng, động lực đến thành công.

Người Anh cần nhớ rằng, họ là cha đẻ của nền công nghiệp giữa thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, nơi những phát minh vĩ đại ra đời như máy kéo sợi, máy hơi nước, máy dệt,... Anh trở thành “công xưởng của thế giới” và dẫn đầu thế giới công nghiệp, nhưng đến cuối thế kỉ XIX, Anh bị Mỹ, Đức vượt qua và tụt xuống vị trí thứ 3. Mỹ, Đức học Anh để vượt Anh.

Bóng đá được biết đến rộng rãi ở Anh từ giữa thế kỉ XIX trong các trường học. Có thể coi Anh là quê hương của bóng đá. Tuy nhiên, người dân Anh quốc cũng phải nhớ rằng, quốc gia của họ mới chỉ vô địch một giải đấu lớn duy nhất vào năm 1966. Brazil đã 5 lần vô địch thế giới. Ý, Đức đều đã có 4 lần. Những nền bóng đá nhỏ yếu trước kia như Maroco, Nhật Bản, Hàn Quốc,... đang tiệm cận đến chất lượng của nhóm đầu. Đến một nền bóng đá như Hy Lạp vừa qua cũng đã có lần đầu tiên trong lịch sử đánh bại đội tuyển Anh.

Vậy, người Anh tự hào vì điều gì?

World 1966 giải đấu lớn duy nhất người Anh lên ngôi.

World 1966 giải đấu lớn duy nhất người Anh lên ngôi.

Nguồn ảnh: Getty.

Nguyễn Thái Thắng

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/hay-hoc-di-nguoi-anh-33459.htm