Hãy là những chiến sĩ tiên phong
Nghị quyết 27-NQ/TW 'về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước' do Hội nghị Trung ương 7, khóa X thông qua ngày 6/8/2008, đã khẳng định đội ngũ văn nghệ sĩ là một bộ phận của trí thức Việt Nam.
Với vị thế của những người trí thức, lại làm công việc sáng tạo trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, việc góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm to lớn và vinh quang của họ. Không chỉ tác phẩm, mà cả đạo đức, lối sống của họ cũng tác động trực tiếp đến nhận thức, thẩm mỹ của các tầng lớp Nhân dân.
Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận
“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”, đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa được đăng trên Báo Cứu Quốc, số 1986, ngày 5/1/1952, trong bối cảnh nước ta thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện” chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, nghệ thuật đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xem lực lượng văn nghệ sĩ xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật.
Hơn 70 năm qua, lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn, được Ðảng, Nhà nước ta vận dụng, phát triển phù hợp với tình hình thực tế của sự nghiệp đổi mới, nhất là trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng ta hiện nay.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thơ, văn của thi sĩ phải có tác dụng tích cực với công chúng, với công cuộc giải phóng dân tộc. Khi đất nước bị chiến tranh, tinh thần cách mạng trên khắp mọi miền Tổ quốc đang dâng cao, thì thơ ca cũng trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, lên án tội ác của ngoại xâm và đấu tranh cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta.
Thấm nhuần lời dạy của Người, cùng hơn 45 ngàn văn nghệ sĩ của cả nước, gần 300 văn nghệ sĩ ở vùng đất cuối trời Tổ quốc những năm qua luôn đồng hành cùng đất nước, đã và đang cống hiến cho nghệ thuật nước nhà nói chung, Cà Mau nói riêng nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng tốt về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của địa phương và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của công chúng; đặc biệt, trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, khi mà cả dân tộc ta đang bước vào “cuộc chiến” mới này.
Thực tiễn đã chứng minh từ trong kháng chiến cũng như trong công cuộc đổi mới của Ðảng ta, một tác phẩm nghệ thuật như một vở cải lương hay, một bài ca giàu cảm xúc, một bộ phim chất lượng, một tác phẩm tranh, ảnh với nội dung tốt sẽ có sức lan tỏa rộng, có giá trị to lớn đối với đời sống tinh thần của công chúng. Thế nên, việc phát huy vai trò của văn nghệ sĩ và các tác phẩm nghệ thuật trong việc xây dựng tâm hồn, cốt cách của con người là rất cần thiết trong giáo dục, tuyên truyền ý thức tiến bộ của đời sống xã hội.
Những “chiến sĩ” tiên phong
Từ thực tiễn công tác đấu tranh ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở tỉnh Cà Mau thời gian qua, đặc biệt sau khi Ðảng ta chủ trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, tỉnh Cà Mau rất quan tâm đến việc phát triển văn học, nghệ thuật; tạo điều kiện để những người làm công tác nghệ thuật đủ sức “đề kháng” với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực này.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND, ngày 31/1/2021 về “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” và Kế hoạch số 126/KH-UBND, ngày 3/9/2021, của UBND tỉnh về triển khai, thực hiện Ðề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo đó, Hội Văn học Nghệ thuật đã thực hiện chương trình ký kết hoạt động với UBND 9 huyện, thành phố của tỉnh. Trong hơn 2 năm qua, các văn nghệ sĩ đã sáng tác gần 50 tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” được phổ biến, quảng bá bằng nhiều hình thức đến công chúng trong và ngoài tỉnh.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của đời sống xã hội nói chung và những âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói riêng, trước hết, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Bởi đây là “lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam...” (Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008, của Bộ Chính trị).
Ðồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, nhất là các văn nghệ sĩ bằng những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế nhằm thu hút các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhiếp ảnh, đạo diễn, biên tập... tích cực tham gia đấu tranh chống lại các hoạt động lôi kéo, kích động, chống phá của các thế lực thù dịch trên các diễn đàn, mạng xã hội bằng những tác phẩm nghệ thuật đích thực.
Song song đó, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ văn nghệ sĩ sáng tác; cổ vũ, giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhất là những tác phẩm có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật phục vụ thiết thực đời sống xã hội, phục vụ Nhân dân và chế độ. Cần quan tâm đến công tác nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học, nghệ thuật; kịp thời phát hiện những cái hay, cái đẹp, cái “chân - thiện - mỹ” trong mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tạo chất xúc tác để văn học, nghệ thuật phát triển đúng hướng, đạt đến đỉnh cao của sáng tạo nghệ thuật, góp phần tích cực vào đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng trong tình hình mới.
Tạo điều kiện để Nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn học, nghệ thuật, nhằm phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố mới, tạo điều kiện để phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ đủ bản lĩnh, tài năng phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh nhà xứng tầm với tiềm năng của một vùng đất anh hùng vốn có truyền thống văn hóa, văn nghệ phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Về phần mình, mỗi văn nghệ sĩ hãy thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm công dân của mình, chấp hành nghiêm chỉnh những quy tắc đạo đức nghề nghiệp và quy định về văn hóa ứng xử. Ý thức bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; tận dụng lợi thế, uy tín người nổi tiếng để tuyên truyền, quảng bá những giá trị tích cực. Lên án những biểu hiện sai trái, lệch lạc góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bằng những tác phẩm có giá trị về tư tưởng, đó là tư tưởng của thời đại, của xã hội, của đất nước, những tư tưởng đáp ứng niềm mong muốn của cộng đồng, của dân tộc, những tư tưởng mà Ðảng đã định ra trong công cuộc đổi mới của đất nước./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hay-la-nhung-chien-si-tien-phong-a30991.html