'Hãy là thế hệ trẻ sống biết ơn!'
Những ngày qua khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, trên khắp cả nước, mạng xã hội, không ai bảo ai đồng loạt thay avatar, đăng status bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn. Thế nhưng bên cạnh đó, không thiếu những nghệ sĩ, Youtuber, Tiktoker… dù là người của công chúng nhưng lại có những phát ngôn lệch chuẩn, gây bức xúc trong dư luận trong những ngày quốc tang.
Những phát ngôn thiếu “muối”
13 giờ 38 phút, ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sự ra đi của Tổng Bí thư là một mất mát vô cùng lớn của dân tộc Việt Nam. Trước sự ra đi của Tổng Bí thư, nhiều người dùng mạng xã hội đã thay đổi hình đại diện, đồng thời viết những dòng trạng thái thể hiện sự đau buồn, tiếc thương. Nhiều công sở, doanh nghiệp, hộ gia đình trên cả nước đã treo quốc kỳ có thêm dải băng đen; nhiều chương trình vui chơi giải trí, sinh hoạt tập thể, thậm chí cả lễ cưới được chủ động hủy bỏ. Thậm chí một số nhà sáng tạo nội dung còn trực tiếp thông báo trên trang cá nhân, công ty sẽ tạm thời ngừng đăng video clip hay tổ chức livestream trên các nền tảng mạng xã hội.
SChannel Network, mạng sáng tạo nội dung với hơn 50 KOL (người nổi tiếng trên mạng), 70 kênh trên các nền tảng và khoảng 30 triệu người theo dõi thông báo sẽ ngừng đăng tải video có nội dung giải trí, thương mại trên các nền tảng TikTok, YouTube. Đơn vị này cũng ngừng đăng tải các bài viết, hình ảnh, video giải trí, thương mại trên các nền tảng fanpage và trang mạng xã hội cá nhân của các thành viên.
Cũng trong tối ngày 19/7, một số nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng như MC Quang Minh, Quang Linh Vlogs, Hằng du mục… đã ra thông báo tạm thời dừng đăng tải các video clip lên YouTube hoặc hủy lịch livestream bán hàng trên TikTok. Nhiều nghệ sĩ vô tình còn được người hâm mộ bắt gặp khi mặc áo đen, lặng lẽ đến viếng Tổng Bí thư đáng kính.
Thế nhưng, trong lúc người dân cả nước đang bày tỏ thành kính, sự tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thật đáng tiếc vẫn còn một bộ phận nhỏ vô cảm, thiếu hiểu biết có những hành động lố lăng, kệch cỡm, phát ngôn bất kính về sự kiện đau buồn của cả dân tộc khiến cộng đồng mạng bức xúc, phẫn nộ.
Tiêu biểu là TikToker Duy Muối (Trần Mạnh Duy) đã có hành động gọi năm sinh và năm mất trên tấm hình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là số hotline. Nhiều ý kiến bất bình cho rằng, hành động này không chỉ xúc phạm cá nhân Tổng Bí thư mà còn làm tổn thương lòng tự hào và niềm tin của cả dân tộc. Mặc dù đã lên tiếng xin lỗi, giải thích về bình luận của mình, nhưng Duy Muối vẫn phải đối diện với làn sóng phản ứng dữ dội của hàng trăm ngàn người dùng mạng xã hội. Các bình luận đều lên án, bất bình, phẫn nộ; thậm chí mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm nam TikToker.
Sau sự việc nói trên, ngày 23/7, Công ty cổ phần Dịch vụ truyền thông DC Media (DC Media) đã có thông tin chính thức liên quan đến bình luận của Duy Muối. Mở đầu, DC Media bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tiếp đó, phía DC Media thừa nhận, trong thời gian gần đây đã có sự việc đáng tiếc xảy ra khi một cá nhân thuộc quản lý của Công ty DC Media có phát ngôn thiếu chuẩn mực liên quan tới sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
DC Media giải thích, mặc dù phát ngôn này là bộc phát từ phía cá nhân, không đại diện và không thể hiện quan điểm của công ty, nhưng phía công ty đã ý thức được hành vi này là không thể chấp nhận và không được phép tồn tại.
Xét trên vai trò bên liên quan, DC Media đã đình chỉ công tác nhân sự Trần Mạnh Duy tại DC Media, bãi nhiệm chức vụ Giám đốc sáng tạo từ ngày 20/7/2024. Chủ động phối hợp cùng cơ quan chức năng ghi nhận hành vi sai phạm đối với nhân sự Trần Mạnh Duy ngay sau khi phát hiện sự việc. Đóng tất cả các tài khoản mạng xã hội của ông Trần Mạnh Duy, giảm thiểu việc lan truyền các thông tin tiêu cực. Về phía Trần Mạnh Duy cũng đã nhận thức được hành vi sai trái và chủ động ra trình diện tại cơ quan chức năng. Đồng thời, nam Tiktoker đã thành khẩn khai báo sự việc và bày tỏ sự ăn năn hối lỗi. Ngoài ra, Duy Muối đã phối hợp cùng cơ quan chức năng khắc phục hậu quả và tiếp nhận hình thức xử lý kỷ luật.
Là một nhà sáng tạo nội dung, Duy Muối sở hữu kênh TikTok cá nhân thu hút hơn 1 triệu người theo dõi với những nội dung xoay quanh chủ đề kinh doanh, khởi nghiệp và cuộc sống. Không chỉ vậy, nam TikToker còn là “cha đẻ” đứng sau thành công của nhiều kênh TikTok triệu view khác. Có thể kể đến như: “Thông Soái Ca”, “Bếp Nhà Mẹ”… Nhờ những thành tựu ấn tượng này, Duy Muối được mệnh danh là “Ông trùm TikTok” và là một trong những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trên nền tảng này tại Việt Nam. Thế nhưng chỉ vì một câu nói phản cảm, Duy Muối đã đánh mất thành quả và niềm tin đối với cộng đồng mạng mà mình đã xây dựng bấy lâu nay.
Tiếp đó, ngày 22/7 trong khi cả nước đang đau buồn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì nhóm TikToker Barbie Girl vẫn livestream với trang phục lòe loẹt nhảy nhót, kệch cỡm câu view, câu like rẻ tiền. Trước sự vô cảm, thiếu văn hóa này cộng đồng mạng đã lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, đáp lại, một thành viên của nhóm nhảy còn có lời nói vô cảm, vô văn hóa... Hay trường hợp của nữ ca sĩ Suni Hạ Linh, sau khi tham gia chương trình âm nhạc tại Trung Quốc, Suni Hạ Linh đã chia sẻ ảnh chụp “bảng theo dõi tiến độ dự án album” của mình trên Instargram và Weibo. Bài đăng của nữ ca sĩ gây nhiều tranh cãi vì thời điểm cả Việt Nam đang có tin buồn.
Hành động của Suni Hạ Linh đã khiến cộng đồng mạng Việt Nam vô cùng tức giận. Thậm chí, một số cư dân mạng Trung Quốc còn tràn vào trang cá nhân của Suni Hạ Linh để chỉ trích nữ ca sĩ vì cách hành xử không tinh tế. Nhiều bạn trẻ Việt Nam còn cho rằng chính cư dân mạng Trung Quốc đang dạy Suni Hạ Linh bài học để yêu đất nước mình.
Ngoài ra, một số diễn viên như Trần Nam Thư, Đỗ Khánh Vân dù thay ảnh đại diện trang cá nhân đen trắng tiếc thương nhưng trang phục trong ảnh lại gây phản cảm, thậm chí còn cười “tươi rói”.
Sự vô cảm cần phải lên án
Những hành vi thiếu tôn trọng, thiếu suy nghĩ này không chỉ phản ánh sự suy thoái về văn hóa mà còn là biểu hiện của một lối sống vô cảm, vô ơn đối với những người có công lao, cống hiến cho đất nước. Giữa lúc cả nước đang tràn ngập đau thương, triệu triệu con người bày tỏ lòng thành kính biết ơn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên các trang mạng xã hội, hàng trăm nghìn người xếp hàng ngày đêm chờ viếng hay đưa tiễn dọc bên đường thì không ít bạn trẻ vẫn thờ ơ với nỗi đau của toàn dân tộc. Nhiều người vẫn vô tư cười đùa, đăng ảnh đi chơi, hát hò, nhảy múa trên trang cá nhân.
Đành rằng mỗi người đều có quyền tự do cá nhân, không ai bắt bạn buồn trên mạng xã hội, thế nhưng giữa lúc đang có việc quốc gia đại sự, nên chăng có thể bớt lại những hình ảnh, câu nói vô tư, đùa cợt trên trang cá nhân. Có thể lắng lại, giữ lại niềm vui ấy cho riêng mình rồi thể hiện sau cũng chẳng khó khăn hay ảnh hưởng gì.
Với các KOL, các Youtuber, Facebooker, TikToker, nghệ sĩ… họ là người của công chúng thì càng phải thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội. Đặc biệt là người có trách nhiệm với chuyện đại sự quốc gia và thể hiện mình là con người văn minh, có hiểu biết. Người hâm mộ luôn mong muốn nghệ sĩ, người nổi tiếng truyền cảm hứng về những giá trị chân - thiện - mỹ cho toàn xã hội. Nghệ sĩ còn được xem là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Đây vừa là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự đối với sự phát triển chung của xã hội, nhất là về mặt đạo đức xã hội.
Thế nhưng không ít người thờ ơ, vô cảm, không cảm nhận được nỗi đau của cả dân tộc, và không hề ý thức được những hành động của mình ảnh hưởng xấu đến xã hội, đến hình ảnh người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Chỉ vì câu view, câu like rẻ tiền mà họ quên đi văn hóa ứng xử, những giá trị nhân văn cơ bản.
Tôi đã đọc đâu đó một lời bình luận thật hay và thấm thía: “Có nhiều bạn trẻ, thậm chí cả người nổi tiếng, họ lạ lắm… Họ nghĩ rằng ngày buồn của đất nước chẳng liên quan gì đến họ, họ không có trách nhiệm phải buồn, họ vô tư up ảnh đi chơi, thả thính, yêu đương thậm chí là đăng tải video vui vẻ... Nhưng lại không biết bác hy sinh cả một đời, lao tâm, lao trí đến tận hơi thở cuối cùng để cả dân tộc, cũng chính là các bạn được bình an, ấm no hạnh phúc”. “Không ai bắt bạn phải buồn, nhưng hãy là một thế hệ trẻ sống biết ơn!”.
Cũng liên quan đến hành vi lợi dụng sự ra đi của Tổng Bí thư để “câu view”, trục lợi, Công an tỉnh Bắc Giang vừa triệu tập một số đối tượng đăng tải thông tin có nội dung sai sự thật về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên mạng xã hội.
Ngày 22/7, N.T.N. (sinh năm 1991, trú tại tổ dân phố Đồi Đỏ, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đã sử dụng tài khoản Facebook của cá nhân, tên “N. N”, đăng tải thông tin liên quan đến tang lễ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nội dung không đúng sự thật. Tại cơ quan công an, N.T.N thừa nhận do nhận thức của bản thân hạn chế nhưng không có mục đích xấu; nội dung đăng tải được copy trên mạng Internet; lý do đăng tải xuất phát từ lòng xót thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư nên đã đăng tải, chia sẻ bài viết, còn không có mục đích khác. Công an huyện Tân Yên đã yêu cầu công dân N.T.N cam kết, tự nguyện gỡ bỏ bài viết, đính chính thông tin trên mạng xã hội.
Tiếp đó, tối 23/7/2024, tài khoản Facebook “T.L” đăng bài viết và kèm theo hình ảnh cắt ghép, giả mạo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang nằm tại Bệnh viện 108. Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an huyện Hiệp Hòa đã xác minh, làm rõ người đăng tải bài viết nói trên là N. T. L (sinh năm 1975, trú tại thôn Hoàng Liên, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa).
Qua làm việc, bà L cho biết, do thấy một số người trên mạng xã hội Facebook đăng tải bài viết trên nên đã tải về để đăng tải trên trang cá nhân của mình với mục đích để tỏ lòng tiếc thương với Tổng Bí thư. Lúc đăng tải, do thiếu hiểu biết, bà L không nhận thức được hình ảnh, nội dung mình tải về rồi đăng tải trên mạng xã hội Facebook như trên là đúng hay sai sự thật; ngoài ra, không có mục đích nào khác.