'Hãy thương nhau khi còn có thể'

ĐBP - Đó là chia sẻ cũng như một lời tâm sự từ đáy lòng của Thượng tá Thiều Xuân Vương, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an tỉnh khi nói với đồng đội, chiến sĩ của mình. Bởi với người lính cứu hỏa chỉ cần sơ suất nhỏ thì chính họ có thể là nạn nhân trong chính tình huống mà mình đối mặt. Vì lẽ đó, anh em, đồng đội phải yêu thương nhau khi còn bên nhau vì không biết ngày mai ai sẽ thế nào trong cuộc chiến sinh tử với ngọn lửa…

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH rút kinh nghiệm sau mỗi lần chữa cháy.

Gần 9 tháng được đứng chân trong hàng ngũ của những người lính cứu hỏa thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng là khoảng thời gian đem lại niềm vinh dự, sự tự hào cho chiến sĩ Lò Văn Thiết. Bởi sau mỗi lần tham gia chữa cháy là một lần Thiết được đóng góp công sức của mình để giúp đỡ, cứu tính mạng cũng như tài sản cho nhân dân. Và vụ cháy kiot ở chợ Mường Thanh xảy ra sáng sớm ngày 6/6, chiến sĩ Lò Văn Thiết cũng có mặt trong đội hình tham gia chữa cháy. Ngay khi có chuông báo động cháy, Thiết cùng đồng đội nhanh chóng có mặt tại hiện trường nhưng phải mất gần 3 giờ sau đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Sau nhiều giờ đối diện với giặc lửa, anh em ai cũng mệt mỏi, nhưng khi về đơn vị, cán bộ, chiến sĩ vẫn chưa thể nghỉ ngơi vì còn dọn dẹp, sắp xếp lại các phương tiện chữa cháy chủ động chuẩn bị khi có cháy hay các sự việc xảy ra cần ứng cứu kịp thời.

Chiến sĩ Lò Văn Thiết chia sẻ: “Cháy các gian hàng gần chợ Mường Thanh, đám cháy rất lớn, trong khi đó bên trên lại còn đường điện hạ thế chưa được ngắt khiến cho việc tiếp cận hiện trường để hỗ trợ di chuyển đồ đạc, tài sản giúp người dân gặp khó khăn. Các gian hàng trong chợ đều được lắp ghép tạm bợ, có nguy cơ sập xuống bất cứ lúc nào nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để chữa cháy nhanh nhất”.

Dù không tham gia chữa cháy tại chợ Mường Thanh hôm đó nhưng khi nghe người đồng đội của mình chia sẻ về câu chuyện trong quá trình chữa cháy, chiến sĩ Vừ A Chí cũng tiếp lời. Được biết, Chí sinh ra và lớn lên ở bản Hồ Chim 1, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà và nhập ngũ vào cùng thời điểm với Thiết (tháng 9/2021).

Trò chuyện với chúng tôi, Chí tâm sự: Trước khi tham gia nghĩa vụ quân sự, em cũng xem trên mạng, đọc sách, báo và được biết về sự hy sinh, vất vả của người lính cứu hỏa cũng như công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro khi chữa cháy nhưng em chưa thể hình dung được mức độ nguy hiểm, gian khổ như thế nào. Cho đến khi trở thành chiến sĩ phòng cháy, trực tiếp tham gia chữa cháy, em mới cảm nhận được sự gian khổ của nghề này. Nhiều đám cháy xảy ra trong đêm tối, ánh sáng hạn chế, phải cứu hộ, cứu nạn trong không gian hẹp, nhiều khói lửa là thử thách rất lớn với người lính phòng cháy. Những lúc ấy, dù được trang bị mặt nạ phòng độc thế nhưng việc thở bằng không khí trong bình cùng với hơi nóng trong đám cháy khiến cho chúng em khô rát hết cổ. Chưa nói đến nguy cơ đổ sập từ tường, mái nhà, chỉ thêm việc bị nước, hơi thở làm mờ kính, không thể quan sát được lại càng khó khăn và nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, sau mỗi lần tham gia chữa cháy, chúng em nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình và quan tâm của người dân cùng với sự động viên của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nên chúng em đều nêu cao tinh thần quyết tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ và giữ đảm bảo an toàn về tài sản cũng như tính mạng mọi người, mọi nhà.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tham gia chữa cháy giúp 1 nhà dân trên địa bàn xã Pom Lót, huyện Điện Biên.

Đã mấy ngày trôi qua kể từ khi xảy ra vụ cháy 9 kiot ở chợ Mường Thanh song chúng tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh đường dây điện hạ thế bị chập, cháy nổ và phát ra những tia lửa điện ngay trên những kiot bị cháy. Trong tình huống ấy, nếu những người lính cứu hỏa tiếp cận vào hiện trường sẽ phải đối diện với sự nguy hiểm từ lửa cháy ở mặt đất và cả đường điện trên đầu. Vậy nên, khả năng phán đoán, nhận định của người chỉ huy sẽ quyết định đến quá trình dập tắt đám cháy cũng như đảm bảo sự an toàn về tài sản, tính mạng của người dân và lực lượng tham gia chữa cháy.

Thượng tá Thiều Xuân Vương, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) cho biết: “Đối với các vụ cháy, lực lượng phòng cháy chữa cháy luôn ứng trực 24/24 giờ và đảm bảo đầy đủ từ lực lượng đến phương tiện. Khi triển khai lực lượng tiếp cận hiện trường các vụ cháy, chúng tôi đều phải đánh giá, nhận định mức độ nguy hiểm của vụ việc, đồng thời bàn bạc, thống nhất phương án nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, nguy cơ có thể xảy ra; qua đó bảo vệ tính mạng cho nạn nhân và lực lượng ứng cứu. Đơn cử như khi xảy ra cháy có liên quan đến điện, chúng tôi đều thông báo để ngành điện cắt điện và chỉ khi điện được ngắt thì lực lượng chữa cháy mới tiếp cận hiện trường. Hoặc là đối với các vụ cháy liên quan đến xăng dầu, chúng tôi cũng phải có phương án, vận dụng linh hoạt các phương tiện, thiết bị để chữa cháy, đâu phải cứ cháy là dùng nước để dập lửa. Nếu dùng nước, xăng, dầu nhẹ hơn sẽ nổi lên và khiến đám cháy càng lan rộng, mức độ ảnh hưởng càng lớn. Vậy nên, việc chữa cháy nhanh hay chậm đều phải là do chiến thuật…”.

Trong câu chuyện với Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), chúng tôi đã hiểu ra được nhiều vấn đề cốt lõi trong công tác PCCC và CNCH. Anh bày tỏ: “Là người lính cứu hỏa cần phải có sức khỏe và tinh thần trách nhiệm. Đồng thời phải có kiến thức và thuần thục các kỹ năng về PCCC để vận dụng sáng tạo các phương tiện, thiết bị, dụng cụ tổ chức chữa cháy. Tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn đối diện với rất nhiều nguy hiểm, khả năng rủi ro cao. Chính vì vậy, tôi thường nói với anh em là hãy thương nhau đi; vì có thể hôm nay chúng ta ngồi với nhau nhưng ngày mai sẽ không về được nữa. Với nghề của mình, người ta chạy ra thì mình lại phải chạy vào nên dù nguy hiểm nhưng anh em mình phải trách nhiệm với nghề nghiệp để bảo vệ sự an toàn về tài sản cũng như tính mạng của nhân dân”.

Thật không quá khi nói, mỗi vụ cháy, mỗi vụ tai nạn là một “cuộc chiến” mà mỗi cuộc chiến ấy đều diễn ra không theo một “kịch bản” nào. Để giành chiến thắng trong cuộc chiến ấy đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và hơn cả là tinh thần trách nhiệm, hết mình vì nhân dân. Những chiến sĩ cứu hỏa còn phải vượt qua nhiều thử thách nguy hiểm, chạy đua với thời gian để kịp thời cứu người, cứu tài sản, giảm thiểu thiệt hại trong các vụ chiến đấu với “giặc lửa”.

Bài, ảnh: Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/197415/%E2%80%9Chay-thuong-nhau-khi-con-co-the%E2%80%9D