'Hãy tiêm vaccine khi có thể!'
Không ít người Mỹ đã mắc COVID-19 và qua đời vì từ chối hoặc chần chừ không tiêm vaccine, để lại nỗi đau và sự hối hận cho những người thân còn sống.
Mỹ là quốc gia đã làm khá tốt trong việc giảm số ca nhiễm mới từ mức khoảng 300.000 ca mỗi ngày vào đầu năm nay xuống còn chưa tới 30.000 ca mỗi ngày trong hơn 1 tháng qua. Trong đó, một trong những chiến lược quan trọng là tiêm chủng toàn dân.
Một số mẫu chuyện về hậu quả nặng nề của việc chần chừ hoặc lựa chọn không tiêm vaccine ngừa COVID-19 được đài CNN đăng ngày 17-6 cho thấy vaccine giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng khi đại dịch vẫn chưa hoàn toàn biến mất.
Dù giới chức Mỹ đã chuẩn bị sẵn nguồn cung vaccine dồi dào, thậm chí là dư thừa, và đang tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiêm chủng, không phải người dân nào cũng sẵn sàng tiêm vaccine.
Người khỏe mạnh vẫn có thể nhiễm COVID-19 nếu không tiêm vaccine
Tháng trước, anh Mike Lewis Jr. ở bang Florida (Mỹ) đã chết lặng khi nghe tin cha mình là ông Mike Lewis, 58 tuổi, đã qua đời chỉ sau bốn ngày kể từ khi bị phát hiện nhiễm COVID-19.
Ông Mike Lewis được điều trị tại một bệnh viện ở TP St. Petersburg (bang Florida). Ban đầu, bác sĩ gọi cho anh Mike Lewis Jr. để báo tin vui là cha anh đã vượt qua cửa tử sau lần ngừng tim ngày hôm trước.
Tuy nhiên, cuộc điện thoại đột ngột bị ngắt. Bác sĩ phải vào phòng bệnh ngay lập tức vì ông Mike Lewis một lần nữa ngừng tim, để lại anh Mike Lewis Jr. với những tiếng “bíp bíp” kéo dài và sự hoảng sợ. Nửa giờ sau, bác sĩ gọi lại và thông báo ông Mike Lewis đã tử vong.
Anh Mike Lewis Jr. lưu ý rằng cha mình là một người có lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục và uống các thực phẩm chức năng giúp tăng cường sức khỏe.
Sai lầm quyết định nhất, cũng có thể là duy nhất, của ông Mike Lewis là trì hoãn việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 vì quá tự tin vào sức khỏe của bản thân và không coi tiêm chủng là ưu tiên.
Sự ra đi của người cha như một lời cảnh tỉnh dành cho anh Mike Lewis Jr. và gia đình. Anh này và vợ giờ đã đặt lịch đi tiêm chủng.
Anh Mike Lewis Jr. nhấn mạnh anh buộc phải “làm những gì cần thiết để đảm bảo vượt qua những thời điểm này”, vượt qua nỗi đau mất cha và bảo vệ bản thân và gia đình trước đại dịch COVID-19.
Chần chừ vì lo ngại tác dụng phụ của vaccine để rồi không còn cơ hội
Bà Michele Preissler ở TP Pasadena, bang Maryland (Mỹ) cũng chịu nỗi đau mất người thân vì COVID-19. Chồng bà Michele là ông Darryl đã qua đời ngày 22-5, sau gần một tháng chống chọi với COVID-19.
Ông Darryl nhiều khả năng đã nhiễm bệnh sau khi dự một đám cưới của người quen vào tháng 4. Một tuần sau, ông Darryl bắt đầu cảm thấy không khỏe.
Bà Michele mô tả những gì mà chồng mình chịu đựng trong một tháng cuối đời như một “chuyến tàu lượn siêu tốc dưới địa ngục”. Đã có lúc bà nhận thấy hy vọng nhen nhóm khi tình trạng của chồng được cải thiện nhưng sau đó, bệnh tình lại xấu đi.
Bà Michele được các bác sĩ thông báo rằng có lúc ông Darryl đã tự thở trong 3-5 phút mà không cần máy móc hỗ trợ trước khi bất tỉnh, dù vẫn duy trì nhịp tim. Khoảng 24 giờ sau đó, ông Darryl đã tử vong.
Bà Michele làm việc trong lĩnh vực y tế và đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Còn ông Darryl là một nhà thầu xây dựng, có bệnh lý nền về khớp và được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch. Ông Darryl lo ngại về các nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình chữa bệnh nên đã không tiêm vaccine.
Bà Michele nói rằng sự ra đi của chồng là một điều bà “không bao giờ muốn hồi tưởng lại” và cầu mong không một ai phải chịu đựng nỗi đau tương tự. Bà Michele cũng hối hận vì không đưa ông Darryl đi tiêm vaccine, khiến hai người không bao giờ còn cơ hội cùng đón lễ kỷ niệm 30 năm ngày cưới - điều mà cặp vợ chồng này đã lên kế hoạch cho cuối năm nay.
1 người phản đối vaccine chỉ có thể sống nhờ lá phổi của người khác
Khác với ông Mike Jewis hay ông Darryl, ông Josh Garza, 43 tuổi, ở bang Texas (Mỹ) không chọn vaccine vì là người phản đối tiêm chủng. Dù vậy, ông Garza may mắn hơn khi nhiễm COVID-19 nhưng không tử vong.
Ông Garza có bệnh lý nền tiểu đường và huyết áp cao, nằm trong nhóm được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhưng lại tin rằng bản thân sẽ được an toàn nếu tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Vaccine chưa bao giờ là lựa chọn của người đàn ông này.
Nhưng đầu năm nay, ông Garza đã nhiễm COVID-19 và được điều trị tại Bệnh viện Giám lý Houston. Phổi của ông này bị tổn thương nặng tới mức không thể phục hồi và sự hỗ trợ của máy móc có lúc cũng trở nên vô dụng.
Thứ đã cứu sống ông Garza là một ca phẫu thuật ghép hai lá phổi được tiến hành hồi tháng 4, sau khi ông này trải qua cảm giác cận kề cái chết.
Sau khi bình phục, ông Garza nhớ như in hình ảnh những bệnh nhân tử vong vì COVID-19 đưa qua cửa phòng bệnh để tới nhà xác và rất biết ơn vì bản thân còn sống.
Ông Garza nghĩ lại và vô cùng giận bản thân. Ông này nói rằng nếu được chọn lại, ông sẽ chọn vaccine vì bản thân không muốn một lần nữa trải qua “điều tồi tệ nhất” trong cuộc đời.
Ông Garza đã trở về với gia đình và tích cực kêu gọi mọi người “hãy nghĩ về gia đình”, lắng nghe câu chuyện của ông và lựa chọn đúng đắn để không phải chịu ảnh hưởng nặng nề do COVID-19.
Theo hãng tin Bloomberg, Mỹ đã triển khai hơn 312.915.000 mũi vaccine ngừa COVID-19 giúp 52,7% dân số nước này được tiêm ít nhất một mũi vaccine, bao gồm 44,1% dân số đã được chủng ngừa đầy đủ.
Theo chuyên trang thống kê worldometers.info, tính tới tối 17-6, Mỹ đã phát hiện gần 34.366.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó 616.150 trường hợp đã tử vong.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/hay-tiem-vaccine-khi-co-the-993634.html