Hãy trao nhau những túi quà sách
Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách được coi là chiếc chìa khóa vạn năng, mở ra lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người. Sách vừa là bạn, vừa là người thầy. Vài năm trở lại đây, không đợi đến hoạt động Ngày sách Việt Nam 21/4, mà nhiều người đã nói đến 'sự hồi sinh' của phong trào tặng sách, cùng gửi gắm kỳ vọng những nét đẹp văn hóa ấy cần được giữ gìn, phát huy.
Hãy trao nhau những túi quà sách
Một hoạt động văn hóa khiến tôi chú ý là truyền thông mấy ngày qua đã dùng mỹ từ “đặc biệt” để đóng ghim cho một lễ cưới. Quả thật không quá lời, khi họ đều là những người còn rất trẻ, trong một ngày quan trọng của cuộc đời lại tổ chức theo một cách tối giản nhất tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP. Hồ Chí Minh). Lễ cưới không có bàn, ghế, không tiệc tùng cũng như không có sân khấu hát hò và chỉ nhận quà là những quyển sách thiếu nhi. Tại đường sách, bạn bè tham dự trên tay cầm quyển sách mới có, cũ có đến tặng. Một buổi sáng, họ nhận được khoảng 1.000 quyển sách. Trong đó những người chưa từng gặp mặt cũng mang sách đến tặng và chúc mừng. Và tất cả món quà sách sẽ được họ gửi tới trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa.
Lâu nay, khi nghĩ đến một món quà tặng cho con trẻ, chúng ta vẫn thường chọn các loại đồ chơi, quần áo, bánh kẹo, thậm chí là tiền… còn sách, món quà mang ý nghĩa tinh thần vẫn chưa được lưu tâm. Theo số liệu từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch năm 2019, ở Việt Nam chỉ có 30% số người được khảo sát có đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, theo lượng sách xuất bản, mỗi người thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới/người/ năm nhưng trong đó, có một nửa là sách giáo khoa. Điều này cho thấy, thói quen đọc sách của người Việt Nam chưa được hình thành một cách vững chắc, chưa có thói quen và kỹ năng đọc sách phù hợp mà chủ yếu đọc theo ngẫu hứng.
Tỉnh đoàn Bình Thuận tặng “Tủ sách Kim Đồng” cho các trường học.
Cuộc sống hiện đại, công nghệ phát triển cho chúng ta nhiều lựa chọn, tiếp cận nhanh hơn với nguồn thông tin. Nhưng giữa mênh mông những điều đã đọc, có bao nhiêu kiến thức vận dụng được vào cuộc sống của chính người đọc. Bởi thế không có con đường nào có mức giá rẻ nhất nhưng lại tác động đến nhận thức của con người nhanh nhất ngoài sách. Tuy nhiên, chỉ khi tiếp xúc thường xuyên với sách, tham gia đọc sách lâu dần mới yêu sách.
Trong một vài hoạt động do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn phát động những năm qua, đã có những chương trình như “Tủ sách Kim Đồng – Chắp cánh ước mơ”, tủ sách pháp luật, tặng sách cho học sinh nghèo, đưa sách về cơ sở, ngày hội đọc sách… nhằm bổ sung nguồn sách cho các thư viện, trường học, xây dựng điểm đọc sách trên địa bàn toàn tỉnh. Nhưng chừng đó là chưa đủ khi sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, sự giáo dục về kỹ năng, quan tâm của nhà trường, gia đình, xã hội còn hạn chế.
Có những cuốn sách góp phần làm thay đổi nhận thức, lựa chọn của người đọc. Có những cuốn sách đôi khi được người nhận lưu giữ mãi và ấn tượng đến về sau. Thói quen cũng không thể hình thành ngày một, ngày hai mà phải được rèn luyện qua năm tháng, thậm chí bắt đầu từ tuổi ấu thơ, từ những ngày cắp sách đến trường. Vì thế, tại sao ngay từ bây giờ chúng ta không thay đổi cách nhìn nhận trong văn hóa tặng quà, nhất là tặng các em nhỏ. Hãy chọn lựa những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi. Hãy để sách làm bạn với trẻ, thay vì những thiết bị công nghệ. Đây cũng là cách góp phần nuôi dưỡng, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, hướng đến xây dựng và phát triển xã hội học tập.
Thùy Linh
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/hay-trao-nhau-nhung-tui-qua-sach-143703.html