Hãy xem lại mình trước khi phán xét
Vừa qua, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RFS) lại một lần nữa điên cuồng, ảo tưởng khi tự ý đưa ra bảng đánh giá chỉ số tự do báo chí thế giới, ngang nhiên vô lối xếp Việt Nam đứng thứ 178/180 nước vì 'đã truy quét, săn lùng các nhà báo, nhà bình luận hoạt động độc lập'.
Nhìn vào “bảng xếp hạng” cực kỳ vô duyên của RFS, chúng ta dễ dàng nhận thấy, các quốc gia theo chế độ xã hội chủ nghĩa luôn là mục tiêu săm soi, đào bới của chúng, khi xếp Việt Nam thứ đứng 178, Trung Quốc thứ 179 và cuối cùng là Triều Tiên thứ 180. RFS cũng chỉ là một tổ chức phi chính phủ, tự phong, tự sướng, không phải là tổ chức hợp pháp được Liên hợp quốc thành lập, không trực thuộc Liên hợp quốc. Tổ chức này do nhà báo người Pháp Robert Ménard thành lập năm 1985. Vậy RFS lấy tư cách gì để xưng tên, dám ngông nghênh phán xét nền báo chí của các quốc gia khác.
Xin thưa, RFS không là gì cả trong thế giới này. Có chăng, RFS cũng chỉ là một công cụ do các nước tư bản chủ nghĩa thành lập ra để đả phá, nói xấu, hạ bệ các quốc gia theo chế độ xã hội chủ nghĩa và các quốc gia không chịu tuân theo sự chỉ đạo của chúng mà thôi. Thực chất, RFS cũng chỉ là tay sai vặt, chỉ đâu đánh đó, chuyên xía mũi vào công việc nội bộ của Việt Nam theo lệnh của các ông chủ - các nhà tài phiệt tư bản để kiếm miếng cơm, manh áo. Mặc dù tự xưng là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, vậy thử hỏi, RFS lấy tiền đâu để nuôi đội ngũ nhân viên của mình, lấy tiền đâu để tiến hành các cuộc khảo sát vô bổ, tốn kém về tự do báo chí của cả thế giới này? Nếu như tiền đó không phải móc từ hầu bao của các nhà tài phiệt xứ tư bản? Bởi theo số liệu do RFS công bố, thì 57% ngân sách của RFS đến từ bán đấu giá, bán lịch và bán sách ảnh; 24% có nguồn gốc từ các cơ quan, công ty, quỹ hỗ trợ và giới truyền thông đại chúng, như Sanofi-aventis, Benetton, Zeta Group, Center for a Free Cuba, National Endowment for Democracy và Foundation de France; 9% là hỗ trợ từ Văn phòng Thủ tướng Pháp, Bộ Ngoại giao Pháp và Cộng đồng Pháp ngữ; 9% có nguồn gốc từ phí hội viên và tiền quyên góp. Phận làm thuê thì phải năng nổ, ăn cơm chúa thì phải múa tối ngày là đúng thôi! Đối với Việt Nam, RFS cũng chỉ là một tổ chức vô lại, chuyên đâm bị thóc, chọc bị gạo và không được thừa nhận. Do đó, cho dù RFS có bắc loa kêu gào suốt ngày đêm thì cái bảng xếp hạng, đánh giá vớ vẩn kia cũng vô giá trị, không một mảy may được quan tâm, để ý. Khi cần, Việt Nam sẽ lên tiếng trao đổi trực tiếp với các ông chủ của RFS chứ không phải tổ chức đánh thuê như RFS.
Từ trước tới nay, RFS nổi tiếng là chuyên can thiệp, chĩa mũi một cách trắng trợn vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền khác, trong đó có Việt Nam. Vậy thì dựa vào tiêu chí nào để RFS tự cho mình cái quyền phán xét nền báo chí của một quốc gia, hay cũng chỉ là thầy bói xem voi, chỉ nghe hơi nồi chõ từ những cái loa rè như BBC tiếng Việt, RFI tiếng Việt, Việt Tân, VOA tiếng Việt hoặc từ những cái miệng bốc mùi của đám “rận chủ”, vong quốc nô, bọn phản động trong và ngoài nước? Chỉ cần nghe qua cái lý do vô cùng lãng xẹt mà RFS đưa ra khi đánh giá về tự do báo chí của Việt Nam là “truy quét, săn lùng các nhà báo, nhà bình luận hoạt động độc lập” là đủ thấy sự vô lối của chúng.
Xin thưa, ở Việt Nam hiện nay có hàng chục ngàn nhà báo, vậy thì các nhà báo mà RFS nêu ra ở đây là ai? Đừng có nói rằng đó là những “nhà báo” trở cờ, phản động, âm mưu lật đổ chế độ như Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Thúy Hạnh,... Đối với những “nhà báo” này thì cần phải truy tố, xét xử nghiêm minh để làm trong sạch nền báo chí cách mạng Việt Nam. Việt Nam có Hội Nhà báo là thành viên của UBMTTQVN chứ không có hội nhà báo Việt Nam độc lập. Các nhà báo khi hành nghề, tác nghiệp phải có thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cấp, phải có giấy giới thiệu do cơ quan chủ quản cấp, tức là một nhà báo phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và tôn chỉ, mục đích hoạt động của tờ báo nơi mình làm việc. Vì vậy, ở Việt Nam không có cái gọi là “nhà báo, nhà bình luận hoạt động độc lập” như RFS lầm tưởng, ngộ nhận, tự phong!
Việt Nam có tự do báo chí không? Câu trả lời là có, thậm chí còn trên mức tự do theo như tiêu chí của các quốc gia phương Tây. Hiện cả nước có 815 cơ quan báo chí với 41 ngàn người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó trên 19 ngàn người được cấp thẻ nhà báo (năm 2022). Về mặt pháp lý, Việt Nam đã ban hành Luật Báo chí, điều đó có nghĩa các nhà báo khi hành nghề ở Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, không thể cho mình cái quyền đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật để tác oai, tác quái.
Ở Việt Nam, các nhà báo khi tác nghiệp được cả cơ quan chủ quản lẫn nơi đến tác nghiệp hết sức tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù nghề báo được coi là một trong những nghề nguy hiểm nhất, song đối với Việt Nam, thì an ninh của các nhà báo, an ninh cho hoạt động của các nhà báo lại được bảo đảm cực kỳ tốt. Rất hiếm khi xảy ra chuyện nhà báo ở Việt Nam bị tấn công khi tác nghiệp, bị xâm hại tính mạng khi đang hành nghề, có chăng cũng chỉ là những hành động bộc phát tức thời như la ó, phản đối hay hành vi cản trở trái phép mà thôi. Hãy thử nhìn ra thế giới để xem các nhà báo hành nghề có an toàn không. Theo thống kê của Liên đoàn Nhà báo quốc tế (IFJ), trong năm 2022, đã có 67 nhà báo, nhân viên truyền thông thiệt mạng khi đang hành nghề. Điều đó cho thấy, không ở đâu mà nhà báo lại được tạo điều kiện, được bảo đảm an ninh tốt như ở Việt Nam. Câu chuyện đó đã biến RFS như thành kẻ ăn trộm, luôn rình mò, dòm ngó Việt Nam để tâng công, báo công với các ông chủ của mình bằng cái “bảng đánh giá tự do báo chí thế giới” vớ vẩn hằng năm.
Người Việt Nam thường nói với nhau rằng, hãy nhìn lại mình trước khi phán xét người khác. Hy vọng, RFS sẽ hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu nói này và đừng bao giờ có những hành động ngông cuồng, dại dột, vô lối như đã làm.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/144924/hay-xem-lai-minh-truoc-khi-phan-xet