Hãy yêu thích người hướng nội vì họ biết đối nhân xử thế tinh tế
Người hướng nội không thích nói trước làm sau, chỉ thích dùng hành động để chứng minh bản thân
Người hướng nội ít được yêu thích có thể vì 2 nguyên nhân:
Một, tính cách hướng nội cho người khác cảm giác không có sức sống, thiếu sự lạc quan vui vẻ, ít cạnh tranh sôi nổi. Hai, đi đi về về một mình, dễ bị hiểu lầm có vấn đề trong tâm lý.
Thật ra, tính cách hướng nội và việc bị người khác ghét bỏ không có quan hệ mật thiết với nhau.
Vấn đề lớn nhất của người hướng nội là không dễ dàng hòa nhập với đám đông một cách vui vẻ, vì họ ít cười nói, ít thể hiện sự hài hước, thiếu đi sự nhiệt tình trong giao lưu, tạo cảm giác khó gần.
Song thật ra, người hướng nội mặc dù bề ngoài không quá hoạt bát, ít sự chủ động, nhưng cũng không có nghĩa là họ xa rời tập thể, chỉ là trong lòng khó mở lời, chấp nhận là sự tồn tại lu mờ.
Nhưng một khi tiếp xúc lâu dài, bạn sẽ phát hiện họ sở hữu rất nhiều ưu điểm. Ví dụ như lý trí trong đối nhân xử thế, âm thầm cho đi, biết nghĩ cho người khác…
Hướng nội không hề xấu. Do đó, đừng vì mua vui cho người khác mà thay đổi chính mình. Khi đó, bạn chẳng phải là bạn, mất đi giới hạn và nguyên tắc của bản thân. Ít nói cũng được, ít mối quan hệ cũng chẳng sao, chỉ cần dùng cái tâm và nhân cách tốt đẹp để đối xử với người khác, mọi sự cho đi đều có kết quả xứng đáng.
Bạn cho rằng tính cách hướng nội không tốt để một người có thể sống trọn vẹn, nhưng có lẽ bạn không hiểu nhiều về họ.
Người hướng nội đa phần có 15 đặc điểm sau:
1. Thích hoài niệm, trí tưởng tượng phong phú. Thích một mình và tư duy độc lập, giỏi lắng nghe và cho đi sự tôn trọng tối thiểu.
2. Không thích cầu cứu hay làm phiền người khác, thà rằng bản thân đi đường vòng cũng không chủ động nhờ vả.
3. Coi trọng thể diện. Thà rằng chịu thiệt cũng không muốn bị người khác khinh thường.
4. Không giỏi ăn nói, không giỏi kết giao bạn mới. Song người hướng nội không xem đây là điều trái với lẽ tự nhiên. Họ chấp nhận vòng tròn xã hội đơn giản và thấy vui với điều đó.
5. Người hướng nội không thích nói trước làm sau, chỉ thích dùng hành động để chứng minh bản thân. Cho dù thành tích xuất sắc đến mấy cũng không khoe khoang phù phiếm, thích bản thân được khen là người khiêm tốn.
6. Rất dễ tự ti, dễ bỏ qua ưu điểm của bản thân, nhưng lại quá mức tập trung và khuyết điểm để từ đó nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, chối bỏ chính mình.
7. Đa phần đều là người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, mong muốn mọi thứ phải trọn vẹn và tốt đẹp nhất có thể.
8. Rất hay ngại ngùng xấu hổ, không giỏi thể hiện tình cảm, thường đứng ở vị trí bị động trong tình yêu, hưởng thụ cảm xúc ngọt ngào và hạnh phúc khi được yêu.
9. Khi gặp tổn thương, người hướng nội thường trốn vào một góc khóc thầm, không muốn cho ai biết đến, chỉ có bản thân tự chữa lành, những lời an ủi động viên đều vô tác dụng.
10. Ít bạn bè nhưng chất lượng. Khi đã kết giao với ai thì cho đi hết mình, ít có sự tính toán hay giả tạo. Bởi lẽ họ không có quá nhiều sự lựa chọn trong các mối quan hệ, họ biết trân quý những gì đang có và cố gắng gìn giữ.
11. Rất để ý đến cách nghĩ và ánh mắt của người khác về mình. Gặp vấn đề thì do dự, thiếu sự quyết đoán, đôi lúc còn đánh mất bản thân chỉ vì đánh giá của người đời.
12. Thích hoang tưởng, suy nghĩ phức tạp, nhiều lúc xa rời thực tế, chìm ngập trong thế giới không thực. Thích cuộc sống bình lặng và nhàn hạ, không thích tranh đấu với đời vì bản thân đã quá mệt mỏi với những suy nghĩ trong đầu.
13. Không thích chào hỏi. Không phải họ không nhiệt tình, sống lạnh lùng, mà là họ không giỏi bắt chuyện hay mở lời. Tuy nhiên, bạn cũng có thể cảm nhận phần tình cảm từ đôi mắt của họ. Nụ cười nhẹ, cái gật đầu, ánh mắt tập trung vào bạn… là cách chào hỏi thân tình của người hướng nội.
14. Một số người hướng ngoại bình thường ít nói cười tụ tập, nhưng một khi phát sinh vấn đề lại trốn tránh. Nhưng một bộ phận người hướng nội lại khác, mặc dù bình thường ít tiếp xúc, nhưng đầy trách nhiệm và nguyên tắc khi vấn đề ập đến. Họ chủ động đứng ra bảo vệ bạn, cho dù vấn đề không hề liên quan đến mình.
15. Cực kỳ nhạy cảm. Người hướng nội sợ người khác nói bản thân không thể hòa nhập vào cuộc sống và môi trường làm việc, bị người đời xếp vào nhóm “lạc loài”.
Thật ra, người hướng nội không phải không thích nói chuyện, mà họ lựa chọn người để nói cùng. Họ nhạy cảm trong cách nhìn nhận vấn đề, đôi khi tiêu cực hóa nhiều chuyện, nhưng cũng dễ dàng nắm bắt lòng người, tinh tế trong đối nhân xử thế.
Nguồn: Zhihu