HĐBA thảo luận về tình hình khu vực Các Hồ Lớn tại châu Phi, Lebanon và Somalia
Theo Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, sáng 20/10, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã thảo luận định kỳ 6 tháng về tình hình khu vực Các Hồ Lớn tại châu Phi.
Cuộc họp do Bộ trưởng Ngoại giao Kenya Raychelle Omamo chủ trì, cùng sự tham gia của Quốc Vụ khanh phụ trách phát triển quốc tế Ireland Colm Brophy; Bộ trưởng Ngoại giao Angola Tete Antonio; Đại diện cấp cao của Tổng thống CHDC Congo Claude Ekolomba và đại diện của Burundi, Rwanda, Uganda.
Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về khu vực Các Hồ Lớn Huang Xia; Trợ lý Tổng Thư ký LHQ về châu Phi Martha Pobee; Tổng Thư ký Tổ chức khu vực Các Hồ Lớn Joao Caholo đã báo cáo tại cuộc họp.
Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ thông báo khu vực đang đạt nhiều thành tựu trong thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương nhằm giải quyết các thách thức chung, trong đó chủ yếu là trong lĩnh vực an ninh để đấu tranh với hoạt động khai thác và buôn bán trái phép tài nguyên của các nhóm vũ trang tại miền Đông CHDC Congo.
Các hoạt động này đang gây thách thức lớn về nhân đạo, kinh tế-xã hội cho các nước trong khu vực. Ông Huang Xia cho biết khả năng ứng phó với COVID-19 ở khu vực này đặc biệt hạn chế khi mới chỉ có 26 triệu trên tổng số 450 triệu người dân khu vực được tiêm chủng.
Còn Trợ lý Tổng Thư ký LHQ cho rằng thách thức lớn nhất là tình hình an ninh và nhân đạo ngày một xấu đi tại miền Đông CHDC Congo, đặc biệt là 2 tỉnh Ituri và Bắc Kivu - đang được đặt dưới tình trạng khẩn cấp.
Trước thách thức nói trên, ông Caholo chỉ ra 4 ưu tiên lớn nhất của hợp tác khu vực trong giai đoạn hiện nay, gồm có: Giải quyết bất ổn bắt nguồn từ miền Đông CHDC Congo; ứng phó với tác động của COVID-19; hỗ trợ bảo đảm ổn định an ninh và chính trị tại CH Trung Phi; thúc đẩy tăng cường xây dựng lòng tin và quan hệ giữa các nước khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, đề cao vai trò của hợp tác khu vực và hoan nghênh nỗ lực thúc đẩy quan hệ của các nước khu vực Các Hồ Lớn thời gian vừa qua.
Đại sứ Phạm Hải Anh chia sẻ quan ngại về tình hình nhân đạo, đặc biệt là do tác động của bất ổn tại miền Đông CHDC Congo, trong đó có việc 27 triệu người phải đối mặt với khủng hoảng an ninh lương thực.
Đại sứ nhấn mạnh cần nỗ lực tìm kiếm các giải pháp toàn diện và thực chất nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bất ổn và khẳng định ý nghĩa của sự hỗ trợ quốc tế đối với các nước ở khu vực, nhất là trên cơ sở Chiến lược của LHQ về củng cố hòa bình, ngăn ngừa và giải quyết xung đột tại khu vực Các Hồ Lớn ban hành cuối năm 2020.
Cũng tại cuộc họp, HĐBA đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch về vấn đề này. Tuyên bố do Kenya - nước Chủ tịch HĐBA tháng 10/2021 soạn thảo, với nội dung chính kêu gọi các bên tiếp tục thực hiện cam kết triển khai Khuôn khổ Hòa bình, an ninh và hợp tác cho CHDC Congo và khu vực (do 13 nước khu vực Các Hồ Lớn ký kết năm 2013 và được Liên minh châu Phi, Tổ chức Khu vực Các Hồ Lớn, Cộng đồng Phát triển Nam Phi và LHQ bảo trợ).
Tuyên bố Chủ tịch cũng đề cập các thách thức tại khu vực và nhu cầu tăng cường hợp tác giải quyết, đặc biệt là trong vấn đề quản lý tài nguyên thiên nhiên, xử lý các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia, cải thiện tình hình nhân đạo và ứng phó tác động của COVID-19.
Tuyên bố nhấn mạnh vai trò trung tâm của hợp tác khu vực và tầm quan trọng của hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và LHQ nhằm mục tiêu ổn định và phát triển.
Chiều cùng ngày, HĐBA LHQ đã họp nghe báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 1559 của HĐBA LHQ liên quan đến tình hình Lebanon.
Ngoài thông tin về việc thành lập chính phủ mới tại Lebanon, Phó Tổng Thư ký LHQ Khaled Khiari cho biết, Lebanon tiếp tục gặp nhiều thách thức, trong đó, kinh tế Lebanon đặc biệt khó khăn, tình hình xã hội bất ổn, tỉ lệ nghèo đói, thất nghiệp gia tăng và đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, chủ quyền, lãnh thổ của Lebanon tiếp tục bị xâm phạm. Ông Khiari cũng cho biết hầu như không có tiến bộ nào trong việc thực hiện Nghị quyết 1559 trong thời gian qua.
Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Trà hoan nghênh việc thành lập chính phủ mới tại Lebanon và hy vọng chính phủ mới sẽ nỗ lực thực hiện những cải cách cần thiết, đưa đất nước vượt qua tình trạng khủng hoảng hiện nay.
Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực quốc tế do Pháp và LHQ đi đầu nhằm hỗ trợ người dân Lebanon.
Đại diện của Việt Nam kêu gọi các cơ quan hữu quan của Lebanon có các nỗ lực để củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế, trong đó có việc thúc đẩy tiến độ điều tra vụ nổ tại Beirut vào tháng 8/2020, đồng thời, kêu gọi các bên ở Lebanon kiềm chế và tránh mọi hành động và phát ngôn làm gia tăng căng thẳng.
Nghị quyết 1559 được HĐBA thông qua năm 2004, khẳng định yêu cầu tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất và độc lập chính trị của Lebanon dưới cơ quan quyền lực duy nhất là Chính phủ Lebanon; giải tán và giải giáp tất cả các lực lượng có vũ trang ngoài nhà nước trên lãnh thổ Lebanon; kêu gọi tất cả các lực lượng nước ngoài còn lại rút khỏi Lebanon.
Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam nêu quan ngại về việc lãnh thổ của Lebanon tiếp tục bị vi phạm, ảnh hưởng đến sự ổn định của Lebanon và cả khu vực nói chung. Việt Nam kêu gọi các bên có liên quan tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Lebanon theo các nghị quyết 1559 và 1701 của HĐBA.
Cùng ngày, HĐBA LHQ đã nghe báo cáo của Ủy ban 751 của LHQ liên quan đến Somalia. Bà Geraldine Byrne Nason, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Ireland tại LHQ, Chủ tịch Ủy ban 751 cho biết, trong 4 tháng qua, Ủy ban đã tập trung vào việc hỗ trợ và tư vấn cho Chính phủ Somalia nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tư vấn kiểm soát nguồn thu tài chính, giám sát cấm vận vũ khí đối với lực lượng khủng bố Al-Shabaab và tư vấn các biện pháp quản lý vũ khí, đạn dược cho Chính phủ Somalia.
Ngoài ra, Nhóm chuyên gia của Ủy ban cũng đã đưa ra nhiều khuyến nghị cho Chính phủ Somalia, trong đó có việc tăng cường năng lực cho lực lượng an ninh và cảnh sát, khuyến khích Chính phủ Somalia có cách tiếp cận tích cực hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu và các tác động đến môi trường trong các khu vực bị xung đột, lũ lụt./.