HĐND huyện Bình Chánh giám sát môi trường tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước
Nhằm giải đáp các phản ánh của người dân, HĐND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (thuộc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam VWS).
Tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, đoàn công tác của HĐND huyện Bình Chánh đã trực tiếp làm việc và kiểm tra khu chôn lấp rác, nhà máy xử lý nước rỉ rác, nhà máy phát điện từ khí gas thu hồi từ khu chôn lấp…
Nhiều kiến nghị cần tháo gỡ
Trả lời trực tuyến với đoàn kiểm tra, ông David Dương - Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VWS cho biết, sẵn sàng đón tiếp các đoàn cơ quan chức năng đến tham quan và tìm hiểu quy trình vận hành tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Đây là động lực để công ty, tập thể cán bộ công nhân viên cố gắng làm tốt hơn nữa việc bảo vệ môi trường cho thành phố và địa phương.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, đại diện VWS cho biết, hiện công ty đang có những khó khăn, trong đó có nhiều sự việc đã tồn tại thời gian dài nhưng tới nay vẫn chưa được tháo gỡ.
Cụ thể, hệ thống phân loại và sản xuất phân compost đã được xây dựng hoàn tất từ năm 2010, nhưng đến nay công tác phân loại tái chế và chế biến phân compost vẫn chưa được vận hành. Lý do là vì Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã không thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng ký với VWS là giao rác phân loại tại nguồn và rác hữu cơ.
Hiện tại, nhà máy phân loại tái chế đang bị “trùm mền” hoàn toàn không hoạt động từ năm 2010. Vì vậy, chi phí bảo trì bảo dưỡng hệ thống máy móc và nhà xưởng tăng cao hơn rất nhiều.
Các xe vận chuyển rác đầu tư không đồng bộ, nhiều xe vận chuyển đã quá cũ, vận chuyển quá tải quy định dẫn đến tình trạng làm rơi vãi rác và nước rỉ rác trên đường vận chuyển, gây ra mùi hôi, từ đó dẫn đến sự ngộ nhận của người dân là mùi hôi do Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước gây ra.
Ngoài ra, ở khu vực này, bên cạnh Khu Liên hợp xử lý chất thải và Nghĩa trang Đa Phước còn có nhiều công ty khác đang hoạt động trong lĩnh vực xử lý bùn, phân hầm cầu... cũng làm phát sinh mùi và gây ô nhiễm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới dân cư và môi trường xung quanh. Đặc biệt, vành đai cây xanh cách ly có diện tích 322 ha được Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP.HCM ký kết với VWS từ năm 2006 đến nay nhưng vẫn chưa được triển khai.
VWS mong muốn HĐND huyện Bình Chánh và các đơn vị chức năng của TP.HCM cần có biện pháp hỗ trợ, nhằm tháo gỡ những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải cũng như hỗ trợ để dự án đốt rác phát điện được triển khai sớm.
Tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường
Ông Ngô Nguyên Hồng – Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh đánh giá, Công ty VWS thực hiện đầy đủ các báo cáo, quyết định, giấy phép xả thải; thực hiện tiếp nhận và xử lý rác đúng quy định.
Ông Ngô Thanh Sơn – Phó chủ tịch HĐND xã Đa Phước cho biết: VWS nhiều năm liền đã tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động trên địa bàn xã. Ông Sơn kiến nghị HĐND TP.HCM sớm mở rộng dự án QL50 để đảm bảo an toàn giao thông; đồng thời đề nghị Công ty VWS hỗ trợ công việc vệ sinh các phương tiện vận chuyển trước và sau khi tiếp nhận rác về bãi.
Trong khi đó, bà Trương Thoại Linh – Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Chánh nhìn nhận, thời gian qua, Công ty VWS đã làm rất tốt những vấn đề liên quan đến môi trường… “Đặc biệt, Công ty VWS đã cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Chánh tổ chức rất nhiều chương trình về an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người dân khó khăn trên địa bàn huyện”, bà Thoại Linh cho biết.
Thay mặt đoàn công tác, bà Nguyễn Hồng Phượng – Phó ban Kinh tế xã hội huyện Bình Chánh ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của Công ty VWS trong việc khắc phục những sự cố về môi trường trong thời gian qua. Theo bà Phượng, gần đây hầu như không ghi nhận những phản ánh về tình trạng mùi hôi tại đây. Đó là tín hiệu rất tích cực để công ty có thêm những giải pháp bảo vệ môi trường tốt hơn trong tương lai.
“Lần đầu tiên đến bãi rác nhưng tôi thấy rất yên tâm bởi quy trình cũng như hệ thống xử lý rác tại đây. Đồng thời nhìn nhận được những nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp để xử lý rác hiệu quả, an toàn. Từ đó, đoàn giám sát sẽ có những phản ánh đến người dân một cách chính xác nhất”, bà Hồng Phượng nói và gửi gắm: thời gian tới, VWS cần quan tâm hơn nữa các giải pháp bảo vệ môi trường; cải tiến công nghệ xử lý rác và công nghệ đốt rác phát điện sớm được thực hiện.
Hiện Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước tiếp nhận trung bình hơn 6.000 tấn rác/ngày. Nhằm thực hiện chủ trương đổi mới công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt tại TP.HCM để giảm tỷ lệ chôn lấp, VWS đã phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện dự án “Chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt, công suất 3.000 tấn/ngày, sử dụng phương pháp đốt phát điện” theo công nghệ của nhật. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 420-750 triệu USD.