HĐND thành phố Hà Nội: Chất vấn việc quản lý nhà nước về khai thác cát, sỏi lòng sông
Sáng nay (8-12), bước sang ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ mười tám HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, các đại biểu bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề (Nhóm vấn đề về tình hình và kết quả công tác quản lý nhà nước về khai thác cát, sỏi lòng sông; Nhóm vấn đề tình hình và kết quả thực hiện hai Quy tắc ứng xử) chưa chất vấn chuyên sâu thành chuyên đề trong nhiệm kỳ này, đồng thời cũng là những vấn đề được cử tri quan tâm. 4 giải pháp chính để khắc phục các tồn tại trong quản lý khai thác cát, sỏi
Mới nhất Cũ nhất Hình ảnh Video 0s Tự động cập nhật
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn buổi sáng, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi lòng sông cũng như những khó khăn trong việc xử lý vi phạm.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu kết luận.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 19 đại biểu đặt câu hỏi, trong đó có tới 60% không phải là đại biểu chuyên trách, mà là đại biểu từ các quận, huyện; 14 đồng chí đã trả lời, bao gồm Phó Chủ tịch UBND thành phố, đại diện các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các xã. HĐND thành phố đã chọn chủ đề đúng và trúng, đúng với yêu cầu của thành phố và trúng với tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Chủ tịch HĐND thành phố nhận định, Hà Nội đã quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm về khai thác cát, sỏi. Đến nay, đã có 32 văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, 20 văn bản đôn đốc các cơ sở... Thành phố đã xác định trách nhiệm và cụ thể hóa bằng hệ thống văn bản, đã có quyết định phân nhiệm cho từng cấp, ngành. Với quyết tâm đó, công tác khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông đã có nhiều kết quả như cấp phép 6/200 bến thủy nội địa, giải tỏa 36 bãi chứa không đủ điều kiện; các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 68 vụ, 148 đối tượng vi phạm, tạm giữ 84 phương tiện tàu, thuyền, khởi tố 2 vụ...
Ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, địa phương, tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, việc khai thác cát, sỏi lòng sông vẫn diễn biến phức tạp, do các lực lượng thực thi nhiệm vụ ở một số nơi chưa làm hết trách nhiệm.
Để khắc phục các tồn tại trong việc quản lý khai thác cát, sỏi, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu 4 giải pháp chính:
Thứ nhất, triển khai thực hiện Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ, rà soát lại các quyết định phân nhiệm cho rõ hơn, có chế tài xem xét trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm; rà soát lại các quy hoạch đã có, chất lượng thực hiện quy hoạch để có sự điều chỉnh, bổ sung những điểm chưa hợp lý... UBND thành phố cũng cần rà soát lại quy chế phối hợp với các tỉnh và trách nhiệm của các bên, có sự phối hợp chặt chẽ hơn.
Thứ hai, giao các quận, huyện rà soát lại các vi phạm hiện nay, phân loại những khó khăn và đề ra thời hạn giải quyết, gắn trách nhiệm của các địa phương trong việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại.
Thứ ba, nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của các quận, huyện về thiết bị, bộ máy tổ chức để bảo đảm hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này hiệu quả; sớm ban hành các cơ chế, quy chế, quy định phục vụ cho việc quản lý khoáng sản nói chung, trong đó có việc khai thác cát, sỏi nói riêng.
Thứ tư, các xã, quận, huyện tiếp tục công tác tuyên truyền đến người dân để chấp hành nghiêm các quy định.
Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị đưa các nội dung này vào Nghị quyết để HĐND khóa sau tái giám sát việc thực hiện.
Tiếp thu, giải trình một số vấn đề về quản lý khai thác cát được các đại biểu HĐND thành phố quan tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong thời gian dài, do sự chồng chéo, đan xen của các quy định đã dẫn đến việc các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở, buông lỏng quản lý để khai thác trái phép. “Điều này khiến Nhà nước thất thoát ngân sách, người dân bức xúc”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nói.
Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24-2-2020 của Chính phủ Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đã khắc phục tất cả tồn tại, bất cập, đan xen giữa các bộ, ngành, quy định tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ về quản lý khai thác cát, sỏi.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng tiếp thu, giải trình một số vấn đề về quản lý khai thác cát.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, để khắc phục các điểm khai thác trái phép tồn tại do lịch sử để lại, cần khoanh vùng, không để phát sinh; phân loại các cơ sở để xử lý triệt để. Thành phố cũng yêu cầu giữ nguyên hiện trạng các bãi tập kết hiện có, yêu cầu các bãi thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, bảo đảm môi trường; đồng thời, thành phố cũng tiến hành kiểm tra triệt để các bãi, nếu có vi phạm thì tiến hành xử lý nghiêm. Đối với các bến, bãi mới mở, thành phố kiên quyết đóng cửa hoặc điều chỉnh mục đích sử dụng.
Về các điểm mỏ của thành phố, đồng chí Nguyễn Quốc Hùng cho biết, từ khi có Luật Khoáng sản, tất cả các điểm mỏ phải tổ chức đấu thầu. Thành phố đã có quy hoạch, đánh giá và giao Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát, đánh giá 23 điểm mỏ đủ điều kiện khai thác, không ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc cho đấu giá khai thác cát, tránh việc Thủ đô trở thành “công trường khai thác cát”. Nếu thực hiện đấu giá khai thác cát thì phải công khai, minh bạch, xin ý kiến cộng đồng cư dân ở nơi đó, người dân ở khu vực điểm mỏ phải được hưởng quyền lợi từ hoạt động này.
Với những điểm mỏ hết hạn khai thác, Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định không tiếp tục cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác, nếu có thì phải tổ chức đấu thầu, chứ không gia hạn khai thác. Thành phố cũng giao trách nhiệm cho Công an thành phố xử lý việc khai thác cát trái phép dọc bờ sông.
“Hà Nội xử lý cương quyết tình trạng khai thác cát trái phép, không có trường hợp bảo kê khai thác trái phép”, Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông tiếp tục trả lời các nội dung liên quan đến phóng sự về tình hình khai thác cát sỏi trái phép, sai tọa độ, sai độ sâu, ảnh hưởng đến lòng sông.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại giấy phép khai thác cát sỏi lòng sông có quy định chỉ tiêu về trữ lượng, tọa độ, vị trí khai thác bảo đảm môi trường, khu vực mỏ sau khai thác; không ảnh hưởng đến bờ bãi sông và dòng chảy; sau khi giấy phép hết hạn, phải cải tạo, phục hồi môi trường. Vì vậy, việc khai thác cát, sỏi trái phép, sai vị trí tọa độ và độ sâu có thể ảnh hưởng biến dạng dòng sông, trách nhiệm trước hết thuộc về tổ chức, cá nhân được cấp phép.
Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng UBND quận, huyện, phường, xã tiếp tục quản lý, hậu kiểm đối với giấy phép khai thác, xử lý trường hợp vi phạm theo quy định.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về kế hoạch quản lý, khai thác các mỏ khoáng sản trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, Sở cùng các ngành đã lập đề án thăm dò đối với 23 điểm mỏ; lập đề án tổ chức thăm dò và báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND thành phố phê duyệt đề án thăm dò 23 điểm này; tổ chức đấu thầu chia làm 3 giai đoạn: 5 mỏ trong giai đoạn 1, 9 mỏ trong giai đoạn 2 và 9 mỏ còn lại trong giai đoạn 3.
UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt kết quả thăm dò; ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản với 5 mỏ trong giai đoạn 1.
Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành đã thẩm định giá để tổ chức đấu giá, đang trình UBND thành phố phê duyệt. Dự kiến trong quý I/2021 sẽ tổ chức đấu giá với 5 điểm mỏ để đưa vào hoạt động, tăng thu cho ngân sách.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Minh Sơn về việc cấp phép các bến thủy nội địa, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Vũ Văn Viện cho biết, theo số liệu của Sở, hiện có hơn 200 bến thủy nội địa đang hoạt động, trong đó, một số bến đò ngang đã hết thời hạn thuê đất nên đề nghị thành phố cho đấu giá đất để tiếp tục cấp phép. Trước đây, xã có thẩm quyền cấp phép cho các bến đò ngang sông nhưng theo quy định mới, xã không còn thẩm quyền này nên sắp tới, Sở sẽ có hướng dẫn huyện về các thủ tục cấp phép.
Về điều kiện cấp phép các bến thủy nội địa, có 2 điều kiện. Một là, phải có quy hoạch hoặc được cấp có quy hoạch đồng ý. Trước đây, thành phố chịu trách nhiệm quy hoạch, tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch có hiệu lực từ năm 2018, đối với quy hoạch chuyên ngành thì do Bộ chuyên ngành chịu trách nhiệm xây dựng. Hiện Bộ Giao thông - Vận tải đã xây dựng quy hoạch và đang tiến hành tập hợp ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hai là, chủ bãi phải có hợp đồng thuê đất, nhưng hiện nay có nhiều bến, bãi không có đơn vị nào đứng ra để được cấp quyền thuê đất. Hiện nay, Sở đang phối hợp với các quận, huyện để xử lý các vướng mắc này.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đã yêu cầu rà soát bổ sung phân cấp nhiệm vụ quản lý kinh tế - xã hội, sắp tới, các quy định về phân cấp quản lý bến thủy nội địa sẽ được làm rõ hơn.
Đại biểu Vũ Mạnh Hải (Tổ Thường Tín) cho biết, theo ý kiến của Sở NN&PTNN Hà Nội, có tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép và được phép nhưng khai thác sai vị trí, sai độ sâu, có thể gây biến dạng lòng sông, thay đổi dòng chảy, là nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, các đoạn kè gia cố bờ sông. Việc thực hiện kiểm tra, đo đạc trữ lượng cát, sỏi tại các điểm được cấp phép khai thác sau khi hết thời gian khai thác chưa được quan tâm dẫn đến việc khó đánh giá sản lượng khai thác thực tế của các doanh nghiệp, đánh giá tác động môi trường. Do đó đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết trách nhiệm của mình và biện pháp để tham mưu cho thành phố thực hiện quản lý khai thác cát, sỏi trong thời gian tới.
Đại biểu Duy Hoàng Dương (Tổ Hoài Đức) đề nghị lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội làm rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về vấn đề khai thác cát, sỏi; nguyên nhân của việc chưa có sự thống nhất trong quản lý, chồng chéo, chưa đồng bộ giữa các sở, ngành của thành phố và những biện pháp trong thời gian tới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý khai thác cát.
Đại biểu Lê Minh Sơn (Tổ Đông Anh) cho biết, hiện nay thành phố có 131/200 bến thủy hoạt động không phép hoặc giấy phép đã hết hạn nhưng vẫn tiếp tục hoạt động trong thời gian dài, chưa được xử lý dứt điểm. Đại biểu đề nghị Sở Giao thông - Vận tải cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của Sở và biện pháp cụ thể trong thời gian tới.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hải (Tổ Long Biên).
Đại biểu Đỗ Mạnh Hải (Tổ Long Biên) cho biết, UBND thành phố đã phê duyệt đề án thăm dò, đánh giá trữ lượng cát, sỏi tại 23 điểm mỏ nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành được 5 điểm. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải thích lý do chậm, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Minh Quân đặt vấn đề, đến nay UBND thành phố thành phố chưa có quy hoạch khoáng sản, bến thủy nội địa; đề nghị UBND thành phố cho biết nguyên nhân vì sao đến nay chưa có quy hoạch này?
Trả lời chất vấn các đại biểu về nội dung liên quan đến bãi chứa và trung chuyển vật liệu xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông nêu, qua kiểm tra, rà soát của Sở cùng các ngành thành phố, UBND 15 quận, huyện có điểm trung chuyển vật liệu xây dựng, Hà Nội hiện có 240 điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, trong đó có 43 điểm đã được cho thuê đất, hoạt động theo quy định và 197 điểm chưa có thủ tục thuê đất.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông.
UBND các quận, huyện, sở, ngành đã rà soát, giải tỏa 74 điểm, còn 123 điểm đang hoạt động chưa xử lý được. Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các sở, ngành, quận, huyện sẽ tiếp tục triển khai rà soát, đặc biệt với các tiêu chí cho thuê đất, cấp phép sử dụng bãi trung chuyển như: Không vi phạm hành lang đê điều, có phạm vi cách khu dân cư trên 50 mét, có đường vận chuyển thuận lợi và không chồng lấn với luồng chạy tàu thủy; kết hợp được với bến thủy nội địa...
Về nguồn gốc sử dụng đất của các điểm, qua kiểm tra rà soát cho thấy chủ yếu là đất công do UBND các phường, xã thị trấn quản lý và phần nhỏ là đất thổ cư, đất nông nghiệp của các hộ dân... Với các trường hợp sử dụng đất công, phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sang làm bãi trung chuyển, thời gian sử dụng hằng năm và bảo đảm các tiêu chí đã nêu trên.
Với các điểm là đất của các hộ dân, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị quận, huyện lập hồ sơ cho phép các hộ chuyển mục đích sử dụng đất. Sau phiên giải trình, Sở sẽ cùng các ngành, quận, huyện tiếp tục rà soát, lập phương án tổ chức đấu giá các điểm phù hợp với quy hoạch và các tiêu chí của UBND thành phố. Công việc này sẽ hoàn thành trong năm 2021.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã trả lời thêm câu hỏi của đại biểu về một số bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng cụ thể. Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, phần trả lời này chưa cặn kẽ, chưa làm rõ được vấn đề nên đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ trả lời đại biểu bằng văn bản.
Trả lời câu hỏi đại biểu về việc xử lý xe quá tải, quá khổ di chuyển trên các tuyến đê trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện nay, hệ thống đê điều của thành phố cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông. Xe quá tải chở vật liệu xây dựng trên các tuyến đê của sông Hồng, sông Đà, sông Đáy ở nhiều quận huyện như Bắc Từ Liêm, Ba Vì... đang khiến mặt đê xuống cấp nghiêm trọng, giảm khả năng chống lũ và gây mất an toàn giao thông.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ.
Các lực lượng chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế xe quá khổ, quá tải nhưng nhiều chủ phương tiện vẫn cố tình vi phạm, nhất là vào ban đêm. Sở NN&PTNT đã tham mưu thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ ngành Giao thông - Vận tải gắn đầy đủ các biển quy định tải trọng, tăng cường tuần tra ngăn chặn, xử lý xe lưu thông trên đê, tuần tra, phát hiện các trường hợp bơm hút cát trái phép; Công an thành phố tăng cường kiểm tra, ngăn chặn vi phạm, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị... trong việc hạn chế vi phạm pháp luật đê điều.
Sở NN&PTNT đề xuất các giải pháp trong thời gian tới bao gồm: Phối hợp với các quận, huyện thị xã nghiêm cấm xe quá tải đi trên đê; thực hiện quy chế phối hợp với các cấp, ngành, quận, huyện trong việc xử lý vi phạm pháp luật đê điều; rà soát, xây dựng thêm các mố hạn chế xe quá tải, quá khổ đi trên đê; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đề nghị thành phố nâng cấp, mở rộng đê, tăng tải trọng cho các xe được phép đi trên đê để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trả lời tổ đại biểu Ba Đình về việc kiểm soát tải trọng phương tiện hoạt động tại các tuyến đê, Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Trần Nhật Quang cho biết, thành phố hiện có 20 tuyến đê dọc sông vừa là đê ngăn lũ, vừa là đường giao thông. Với chức năng nhiệm vụ được giao, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thành phố đã đề xuất xây dựng nhiều kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tại quận, huyện, thị xã phối hợp tổ chức kiểm tra, xử lý. Qua tổng kiểm tra, đơn vị đã xử phạt 13 doanh nghiệp vi phạm từ đầu mối bốc xếp, xử phạt số tiền 70 triệu đồng đối với các trường hợp chở quá tải trọng ngay từ đầu nguồn; xử phạt 184 trường hợp mở bến thủy không phép với số tiền gần 1 tỷ đồng tại quận Long Biên và các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Phú Xuyên, Mê Linh, Sóc Sơn.
Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Trần Nhật Quang.
Thanh tra Sở cũng kiểm tra xử phạt hơn 19 nghìn trường hợp vi phạm trong hoạt động vận tải với số tiền hơn 70 tỷ đồng, trong đó có 3.000 trường hợp chở quá tải với số tiền hơn 35 tỷ đồng và áp dụng một số hình thức phạt bổ sung khác. Thực hiện công tác của Ban Chỉ đạo 197, hiện Thanh tra Sở đang phối hợp cùng các lực lượng của Công an thành phố thực hiện chuyên đề kiểm tra xử phạt các phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng chở quá tải trọng, rơi vãi vật liệu.
Bên cạnh đó, ông Trần Nhật Quang cũng cho biết, đơn vị cũng gặp phải nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm, như với mức xử phạt lớn thì sự chống đối của lái xe xảy ra thường xuyên, nhiều trường hợp khóa xe bỏ đi gây cản trở giao thông, Thanh tra Giao thông phải mất cả ngày để thuyết phục lái xe. Đồng thời, Thanh tra Sở cũng không có công cụ hỗ trợ, thẩm quyền tạm giữ phương tiện còn hạn chế, việc dừng kiểm tra phương tiện trọng tải lớn trên các tuyến đê có khổ đường hạn chế càng khó hơn; thiếu phương tiện để cưỡng chế các phương tiện trọng tải lớn, Thanh tra Sở quân số còn mỏng, địa bàn quản lý rộng khiến công tác gặp nhiều khó khăn…
Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiến nghị tăng cường chế tài xử lý hình sự trách nhiệm của chủ phương tiện, lái xe, đồng thời cho phép tạm giữ phương tiện, đặc biệt là các phương tiện chở quá tải trọng.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm giải trình về công tác quản lý bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn quận.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm.
Theo đó, tại Hoàng Mai có tuyến đê sông Hồng dài 8,4 km và 13 bãi tập kết vật liệu xây dựng ngoài bãi sông Hồng hình thành trước khi quận được thành lập. Hiện còn 7 bãi chưa có hợp đồng cho thuê đất. Nguồn gốc đất do các tổ chức cá nhân đã tự san lấp đất ao và ký hợp đồng thuê với các phường.
Sau kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố đã có văn bản hướng dẫn về việc xử lý với các phường cho thuê trái pháp luật trên địa bàn, chấp thuận cho các tổ chức được hoàn thiện các thủ tục đất đai, ký hợp đồng thuê đất với nhà nước theo quy định pháp luật.
Quận đã yêu cầu các doanh nghiệp giữ nguyên hiện trạng, thực hiện nộp tiền thuế đất, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về đất đai; yêu cầu lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ về công tác bảo vệ môi trường, phòng chống lụt bão. Ngoài ra, UBND quận Hoàng Mai cũng kiên quyết chỉ đạo giải tỏa 5 điểm bãi chứa vật liệu xây dựng mới phát sinh.
“Nhìn chung, các bãi chứa vật liệu xây dựng trên địa bàn quận phù hợp với các tiêu chí do UBND thành phố ban hành. Như vậy, quận đề nghị cần có giải pháp tháo gỡ về thủ tục đất đai trong thời gian đợi quy hoạch phân khu đô thị được phê duyệt. UBND quận báo cáo HĐND, UBND thành phố cho phép được rà soát, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuê theo thời hạn hằng năm với điều kiện khi nhà nước thu hồi, doanh nghiệp phải bàn giao ngay. Các doanh nghiệp cũng phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ đê điều, phòng chống lụt bão, bảo vệ môi trường”, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai kiến nghị.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Thị Tú Anh (tổ Đan Phượng) về tình trạng bãi tập kết cát sỏi chưa được cấp phép bến thủy nội địa, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng thừa nhận, do có địa bàn giáp ranh với các tỉnh Vĩnh phúc và Hòa Bình nên hoạt động khai thác cát trên địa bàn huyện diễn ra phức tạp. Trong thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nên đến nay, việc khai thác cát đã cơ bản được kiểm soát.
Về việc cấp phép các điểm trung chuyển vật liệu xây dựng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì nêu một số khó khăn mà huyện đang gặp phải. Đó là khi thực hiện trình tự các thủ tục để cấp phép, huyện phải trực tiếp xây dựng phương án đấu giá đất. Tuy nhiên, quá trình triển khai một số nội dung về đấu giá đất vẫn còn lúng túng. Huyện kiến nghị thành phố tiếp tục hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đấu giá đất. Ngoài ra, trong quá trình lập hồ sơ đấu giá đất, vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất giữa hai sở Giao thông Vận tải và Tài nguyên và Môi trường, gây khó khăn cho quá trình thực hiện nên huyện đề nghị các sở ban hành hướng dẫn cụ thể, thống nhất hơn.
Xem tiếp