HĐND Thành phố Hà Nội đề nghị rà soát nhu cầu vốn các dự án giáo dục, y tế, di tích
Chiều 8/4, HĐND Thành phố Hà Nội đã nghe báo cáo tổng hợp thảo luận tại tổ, biểu quyết thông qua các nghị quyết chuyên đề.
Theo đề xuất của HĐND TP Hà Nội, cần bổ sung vốn so với Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 là 20.440,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích.
Các đại biểu HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố cần làm rõ khả năng cân đối của ngân sách các cấp để đáp ứng nhu cầu vốn của Kế hoạch. Đề nghị làm rõ tính khả thi từ nguồn ngân sách cấp huyện để bố trí cho các dự án thuộc 3 lĩnh vực này là rất lớn, đặc biệt chú ý đến khả năng tăng thu của ngân sách các huyện xa trung tâm, còn khó khăn khi phải bố trí vốn tự cân đối từ ngân sách cấp huyện.
Có ý kiến cho rằng, đối với các huyện khó khăn, đề nghị ngân sách Thành phố ưu tiên hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư; huyện có nhiều dự án di tích cần xem xét mức hỗ trợ cho phù hợp để đảm bảo cân đối và giải pháp khả thi. Còn đối với các huyện đang thực hiện đề án lên quận và huyện có nguồn thu tốt, đề nghị ngoài việc tự cân đối, cần quan tâm hỗ trợ cho các huyện khó khăn.
Về chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền phê duyệt của HĐND Thành phố, các đại biểu HĐND Thành phố cơ bản thống nhất với báo cáo thẩm tra số 13/BC-KTNS ngày 07/4/2022 của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND Thành phố. Các đại biểu thống nhất cao đối với danh mục các dự án chưa đảm bảo tiến độ thời gian; 09 dự án giao thông chưa đảm bảo nguồn vốn đầu tư; và cho rằng các dự án sẽ được xem xét vào các kỳ họp HĐND Thành phố trong thời gian tới khi đầy đủ thủ tục và trình tự.
Về nội dung liên quan đến biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội, hầu hết các đại biểu thống nhất với các giải pháp UBND Thành phố đề xuất nhằm nâng cao quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai nói chung và cải cách hành chính trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị UBND Thành phố rà soát lại tên Nghị quyết theo hướng tập trung vào các dự án chậm triển khai, chưa triển khai dự án trên địa bàn Thành phố; Đánh giá rõ hơn kết quả thực tế trong công tác thanh tra các dự án vi phạm, số lượng dự án đã khắc phục, số dự án chưa có chuyển biến, số dự án vướng mắc trong các quy định, cần thời gian rà soát tháo gỡ… Làm rõ tính hiệu lực, hiệu quả của thực hiện kết luận thanh tra.
Đánh giá và làm rõ việc lập thẩm định, phê duyệt một số đề án quy hoạch trên địa bàn Thành phố còn chậm, trong đó, có một số quy hoạch phân khu, quy hoạch các huyện là lực cản trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội các địa phương; là nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ triển khai dự án.
Liên quan đến các giải pháp thúc đẩy các dự án chậm triển khai, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, UBND thành phố đã và đang chỉ đạo các sở ngành thành phố và UBND cấp huyện tổ chức rà soát, kiểm tra, làm rõ các dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn thành phố, do đó, số lượng các dự án sẽ còn có biến động. Trên cơ sở hồ sơ, pháp lý có liên quan của từng dự án, thời gian tới, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện công khai thông tin về các danh mục dự án để người dân biết, giám sát.
Đối với các ý kiến liên quan đến giải pháp, tổ chức thực hiện, UBND thành phố xin tiếp thu, sau khi HĐND thành phố thông qua Nghị quyết chuyên đề về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện từng khâu, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ để giải quyết dứt điểm;....định kỳ, UBND thành phố có báo cáo với HĐND thành phố về kết quả, tiến độ thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố.
Liên quan đến các ý kiến về các dự án đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn khẳng định, ngay sau kỳ họp, UBND thành phố sẽ hoàn thiện và chính thức ban hành Kế hoạch để các đơn vị triển khai thực hiện. Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, UBND thành phố sẽ rà soát đảm bảo nguồn cân đối của ngân sách của cấp huyện đáp ứng yêu cầu các dự án được triển khai đồng bộ, hoàn thành theo tiến độ, tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; chỉ triển khai đầu tư xây dựng và bố trí vốn ngân sách thành phố hỗ trợ cho từng dự án cụ thể khi đã đảm bảo thủ tục và đảm bảo nguồn vốn đối ứng của các huyện.
Đặc biệt, UBND thành phố sẽ kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương về quy chuẩn, tiêu chuẩn trường quốc gia với quận nội thành: Diện tích đất, chiều cao, tỷ lệ học sinh/diện tích đất… để triển khai các dự án đạt hiệu quả, bảo đảm chiều sâu, dài hạn./.