HĐND thành phố Hà Nội tăng cường giám sát, khảo sát lĩnh vực văn hóa - xã hội: Bảo đảm đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm
Quan tâm đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo, thành phố Hà Nội dành khoảng 49.200 tỷ đồng đầu tư cho y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa. Để nguồn lực đầu tư bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, thời gian qua, HĐND thành phố Hà Nội đã tăng cường giám sát, khảo sát lĩnh vực này, đề xuất, kiến nghị những giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Hơn 16 nghìn tỷ đồng thực hiện 854 dự án
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội cho biết, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, các chương trình công tác của Thành ủy trong lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa, đến nay, ngân sách thành phố đã bố trí hơn 16 nghìn tỷ đồng để thực hiện 854 dự án (gồm các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách thành phố và hỗ trợ cấp huyện).
Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, việc triển khai kế hoạch đang gặp một số khó khăn, vướng mắc ở cấp quận, huyện, thị xã. Năng lực tư vấn dự án tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ dự án; việc kêu gọi xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo di tích chưa được như mong muốn. Một số quận, quỹ đất dành cho trường học hạn chế nên gặp khó khăn trong việc đáp ứng đạt tiêu chí trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Một số trạm y tế chưa có bác sĩ đủ tiêu chuẩn theo quy định; việc thu hút nhân lực (nhất là lực lượng bác sĩ) về làm việc ở tuyến y tế cơ sở còn hạn chế...
Lãnh đạo một số huyện, thị xã: Thạch Thất, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Sơn Tây… cho rằng, việc sử dụng ngân sách huyện đối ứng chưa bảo đảm đủ trách nhiệm để hoàn thành dự án do nguồn thu đấu giá đất hạn chế; có đơn vị mới bố trí đối ứng dưới 30%. Vì thế, để sớm hoàn thành mục tiêu, các huyện, thị xã đề xuất ngân sách thành phố bổ sung kinh phí hỗ trợ mục tiêu cho cấp huyện; đồng thời điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, tăng kinh phí hạng mục xây lắp, thiết bị trong cơ cấu tổng mức đầu tư.
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Để nguồn lực đầu tư bảo đảm hiệu quả, Thường trực HĐND thành phố đã khảo sát các dự án xây dựng, sửa chữa trường học công lập và nhận định còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, có 22 đơn vị (8 quận và 14 huyện) sau khi rà soát tăng quy mô, tổng mức đầu tư của 72 dự án. Trong đó, 16 đơn vị đề nghị thành phố bổ sung khoảng 4.702 tỷ đồng thực hiện 56 dự án (không bao gồm kế hoạch đã dự kiến trước đó hơn 1.490 tỷ đồng); 6 đơn vị rà soát 16 dự án tăng quy mô nhưng không đề nghị bổ sung vốn.
Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga, việc điều chỉnh tăng quy môn vốn, dẫn đến các dự án chậm được phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa xác định được nguồn vốn từ đâu. Đây là những khó khăn ở một số huyện trong điều kiện nguồn thu ngân sách thấp, thiếu vốn đối ứng.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình cho biết, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đang được đặc biệt quan tâm, bởi dân số cơ học tăng nhanh, nhu cầu học tập của học sinh lớn, trong khi đó hạ tầng, trường lớp không đáp ứng được.
Đơn cử như quận Đống Đa, dân số cơ học tăng nhanh, song quy hoạch đất dành cho giáo dục còn thiếu nhiều so với nhu cầu, diện tích đất nhiều trường không lớn, sát nhà dân nên việc mở rộng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục khu vực ngoài công lập còn nhiều hạn chế; vẫn còn thiếu 4 trường tiểu học và 6 trường trung học cơ sở.
Còn tại quận Hoàng Mai, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Võ Xuân Trọng cho biết, nếu như năm 2004 quận có 18,7 vạn dân thì đến năm 2023 là trên 70 vạn dân. Trung bình mỗi năm, quận tăng 4.000 học sinh, cơ sở vật chất của một số trường không đáp ứng được, trong khi quận thiếu quỹ đất để mở rộng trường học công lập.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên nhận định, đối với lĩnh vực giáo dục, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng vẫn còn nhiều tồn tại do thiếu quỹ đất, kinh phí. Để tháo gỡ khó khăn, sau đợt khảo sát, HĐND thành phố sẽ đề nghị UBND các cấp ưu tiên quỹ đất để quy hoạch, đầu tư xây dựng các trường học công lập; thu hồi những dự án “treo”, chậm triển khai để xây dựng các trường phổ thông.
Thời gian tới, HĐND thành phố sẽ tiếp tục giám sát, khảo sát, đồng thời đề nghị các địa phương rà soát, có kế hoạch chuẩn hóa các địa điểm theo quy hoạch, có được bức tranh tổng thể về nhu cầu trường học và kiến nghị đầu tư nguồn lực đúng trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.