HĐND tỉnh Bắc Giang sẽ giám sát việc quản lý tiền công đức, tài trợ cho các di tích và lễ hội

Ngày 30/5, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tổ chức phiên họp thường kỳ thứ 26. Đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì.

Cùng dự có các đồng chí: Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, một số sở, ban, ngành.

 Đồng chí Lâm Thị Hương Thành chủ trì phiên họp.

Đồng chí Lâm Thị Hương Thành chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu đã xem xét và thống nhất dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021- 2026.

Theo đó, Kỳ họp thứ 18 diễn ra trong 1,5 ngày, bắt đầu từ sáng 11/7/2024 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ nghe các báo cáo, thông báo; thảo luận tại hội trường về tình hình KT-XH và dự thảo các nghị quyết trình kỳ họp.

Kết luận nội dung này, đồng chí Lâm Thị Hương Thành đề nghị các đơn vị chuyên môn chuẩn bị tốt tài liệu; phối hợp chặt chẽ với các ban của HĐND tỉnh bảo đảm nội dung các báo cáo, dự thảo nghị quyết.

Phiên họp cũng xem xét, thông qua Chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2025. Theo đó, HĐND tỉnh thống nhất lựa chọn chuyên đề: “Giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội tại một số di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh”.

Được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 di tích, trong đó có 734 di tích được xếp hạng. Việc quản lý gắn với công tác tổ chức lễ hội tại các di tích đã dần đi vào nền nếp và ổn định.

Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri và các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy việc quản lý tiền công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội và di tích vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, việc HĐND tỉnh giám sát để đánh giá công tác triển khai của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan và ban quản lý, cá nhân có thẩm quyền quản lý, trông coi di tích trong việc thu, chi tiền tài trợ, công đức đối với di tích là hết sức cần thiết. Qua giám sát nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế để có kiến nghị tháo gỡ, khắc phục việc quản lý thu chi tiền công đức, tài trợ di tích.

Tại phiên họp, đồng chí Phan Thế Tuấn và lãnh đạo Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an tỉnh và các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Y tế giải trình việc thực hiện các kiến nghị nêu trong Báo cáo số 65/BC-ĐGS ngày 8/4/2022 của Đoàn giám sát Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh về “Kết quả giám sát việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, tham gia tố tụng, giám định, định giá của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo yêu cầu của cơ quan tố tụng giai đoạn 2020-2022”.

Báo cáo làm rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ, cử người tham gia tố tụng cũng như trong giám định tư pháp và định giá tài sản.

 Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu tại phiên họp.

Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu tại phiên họp.

Kết luận nội dung này, đồng chí Lâm Thị Hương Thành đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị sau giám sát của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại cần khắc phục như: Việc yêu cầu và thực hiện yêu cầu của cơ quan tố tụng và cơ quan cung cấp tài liệu, chứng cứ vẫn còn trường hợp chưa đúng, thực hiện chậm; chế độ, chính sách thu hút cán bộ làm công tác giám định tư pháp chưa có; việc định giá còn gặp khó khăn trong một số lĩnh vực vì không có căn cứ xác định… Những tồn tại trên ảnh hưởng đến quá trình giải quyết các vụ việc nhất là trong công tác xét xử của tòa án.

Để khắc phục, đồng chí Lâm Thị Hương Thành đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, TP rà soát, đánh giá rút kinh nghiệm những hạn chế mà đoàn giám sát đã chỉ ra. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong công tác này. Khắc phục hạn chế yếu kém, chậm, muộn trong việc cung cấp tư liệu, tài liệu.

Đối với các sở, ngành, xác định rõ trách nhiệm, khắc phục yếu kém; cần phải vận dụng linh hoạt, tránh máy móc ảnh hưởng đến kết quả giám định; đưa ra giải pháp để xác định được những căn cứ, chứng cứ pháp lý.

Tăng cường tập huấn những nội dung còn thiếu, yếu. Phối hợp chặt chẽ, đưa ra những yêu cầu đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định và tham gia các hoạt động tố tụng.

Tin, ảnh: Trung Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/hdnd-tinh-bac-giang-se-giam-sat-viec-quan-ly-tien-cong-duc-tai-tro-cho-cac-di-tich-va-le-hoi-142101.bbg