HĐND tỉnh giám sát chuyên đề tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Kế hoạch và Đầu tư
ĐBP - Tiếp tục Chương trình giám sát việc triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020, ngày 25/3 đoàn giám sát HĐND tỉnh do đồng chí Lò Văn Muôn, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn làm việc với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Sở Kế hoạch – Đầu tư. Tham gia đoàn giám sát có các đồng chí: Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Đồng chí Lò Văn Muôn, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Giai đoạn 2016 – 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh và giúp các huyện, xã thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Sở đã thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án để thực hiện một số tiêu chí NTM, như: Thủy lợi, liên kết sản xuất nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng… Hàng năm, Sở xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra 1 lần/năm; đồng thời, thường xuyên lồng ghép kiểm tra theo các chương trình, dự án chung mục tiêu. Đến nay, toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 18,26% kế hoạch nghị quyết); 18 xã đạt 15 – 18 tiêu chí (đạt 111,43% kế hoạch); 40 xã đạt 5-9 tiêu chí. Số tiêu chí bình quân đạt 11,9 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh chưa có xã đạt NTM nâng cao, kiểu mẫu; 7 thôn bản được công nhận thôn, bản NTM. Thực hiện Đề án xây dựng NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Đề án 29 xã biên giới), toàn tỉnh có 6 xã biên giới được công nhận đạt chuẩn NTM.
Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành danh mục, loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù thuộc các chương trình MTQG, giai đoạn 2016 – 2020 tỉnh Điện Biên theo quy định tại Nghị định 161/2016/NĐ-CP; hướng dẫn thực hiện lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công trình hạn 5 năm 2016 – 2020 theo Nghị định 136 của Chính phủ; hướng dẫn quy trình, hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm C quy mô nhỏ thuộc các chương trình MTQG; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án thuộc Chương trình MTQG, giai đoạn 2016 – 2020; tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư công hàng năm Chương trình xây dựng NTM, phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư hàng năm Chương trình xây dựng NTM… Tổng nguồn vốn huy động và phân bổ thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 là 9.309,804 tỷ đồng. Trong đó: Vốn ngân sách trung ương là 1.447,8 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 41,784 tỷ đồng; vốn lồng ghép 7.535,818 tỷ đồng; vốn tín dụng 148 tỷ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp và nhân dân là 136,402 tỷ đồng.
Thành viên đoàn giám sát đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ một số nội dung về: Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chương trình; Đề án 29 xã biên giới được ưu tiên hơn các xã nội địa những gì? Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện NTM tại các xã biên giới, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, thôn bản NTM? Danh mục, hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Doanh nghiệp vào xây dựng NTM? Những vướng mắc trong phân cấp quản lý vốn, quản lý dự án; kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng NTM... Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, đoàn giám sát yêu cầu làm rõ các dự án đầu tư từ nguồn vốn doanh nghiệp đóng góp; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong sử dụng nguồn vốn NTM và vốn lồng ghép tại các huyện, xã; đánh giá về tiến độ thực hiện và kết quả hỗ trợ xây dựng NTM kiểu mẫu; việc xử lý khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các công trình, dự án NTM theo cơ chế đặc thù; nguồn vốn dành cho Đề án 29 xã biên giới…
Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Lò Văn Muôn đánh giá cao những đóng góp của 2 sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện Chương trình NTM. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” là cơ quan thường trực Chương trình NTM và cơ quan quản lý là nước về nông nghiệp, nông thôn giúp tỉnh hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM; tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với nông thôn mới nhằm tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân; hỗ trợ, xây dựng thêm nhiều chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh trong ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương xây dựng NTM; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng vốn Chương trình xây dựng NTM ở địa phương; tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.