HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện một số dự án đầu tư công
– Chiều 11/9, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh do đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh về tình hình thực hiện một số dự án đầu tư công do ban làm chủ đầu tư.
Trong chương trình, đoàn đã giám sát tình hình thực hiện một số dự án do Ban làm chủ đầu tư, gồm: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tránh ĐT.226 (đoạn qua thị trấn Bình Gia, Văn Mịch) và khu tái định cư, dân cư thị trấn Bình Gia; dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 3 trung tâm y tế tuyến huyện; dự án Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh; dự án cải tạo, nâng cấp Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn (phòng học, kí túc xá).
Trong 4 dự án đoàn giám sát lựa chọn có 3 dự án nhóm B do HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; 1 dự án nhóm C do UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.
Qua giám sát cho thấy, các dự án được giám sát cơ bản đều có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định; các khâu trình, thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cơ bản được thực hiện theo đúng trình tự quy định, tuy nhiên, tiến độ thực hiện nhiều dự án còn chậm (3/4 dự án) so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể, Dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 3 trung tâm y tế tuyến huyện rất chậm, dự án được HĐND tỉnh phê duyệt từ tháng 8/2022, đến cuối tháng 5/2023 mới có 1 công trình khởi công và 2 công trình còn lại khởi công trong tháng 6/2023, đến nay chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về môi trường.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tránh ĐT.226 (đoạn qua thị trấn Bình Gia, Văn Mịch) và Khu tái định cư, dân cư thị trấn Bình Gia được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 11/2021, trong đó thời gian chuẩn bị đầu tư là năm 2021 -2022, nhưng đến nay chưa hoàn thành hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán, chưa hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa hoàn thiện hồ sơ về chuyển mục đích sử dụng rừng… hồ sơ thiết kế phải chỉnh sửa nhiều lần.
Dự án Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 18/6/2021; ngày 15/6/2021 chuyển chủ đầu tư về Ban quản lý dự án đầu tư; UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ tháng 2/2022; khởi công ngày 28/8/2022. Theo kê hoạch, năm 2024 dự án hoàn thành, tuy nhiên đến nay công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, chưa có mặt bằng thi công nhà lớp học 3 tầng…
Nguyên nhân chậm tiến độ được xác định bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó chủ yếu do công tác quản lý hồ sơ địa chính chưa được chặt chẽ dẫn đến khó khăn trong xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất làm căn cứ để bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; công tác vận động, tuyên truyền của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với UBND các huyện, thành phố để giải phóng mặt bằng chưa được chặt chẽ; việc giá cả các loại vật tư, vật liệu chính biến động bất thường, quy định về thời gian thực hiện các gói thầu khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình tương đối ngắn ảnh hưởng đến chất lượng khảo sát, thiết kế; các đơn vị sử dụng công trình kiến nghị điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục, do vậy phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh, bổ sung, xin ý kiến làm kéo dài thời gian thực hiện…
Tại cuộc giám sát, các đại biểu tập trung vào làm rõ thêm về nguyên nhân việc chậm tiến độ của các dự án, đồng thời đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, đề xuất ý kiến với đoàn giám sát…
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đề nghị: UBND tỉnh cần tổ chức hiệu quả các dự án do HĐND tỉnh phê duyệt. Đối với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh, cần tiếp tục tăng cường công tác nắm bắt, chỉ đạo điều hành, quản lý dự án; giám sát chặt chẽ việc thực hiện của các nhà thầu thi công, các đơn vị liên quan; kịp thời phát hiện, xử lý ngay những vướng mắc phát sinh. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư đối với tiến độ, chất lượng công trình trong suốt quá trình thi công, đảm bảo tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật thi công của dự án; tham mưu, xử lý nghiêm đối với các nhà thầu, tư vấn không đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, đơn vị thụ hưởng công trình cần thực hiện tốt công tác phối hợp với chủ đầu tư, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Đối với các nhà thầu thi công, cần thực hiện nghiêm túc cam kết với chủ đầu tư về tiến độ thi công, chất lượng công trình; đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Đồng thời huy động nhân lực, thiết bị, tăng ca, kíp thi công, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ bảo đảm hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo tiến độ được phê duyệt.