HĐND tỉnh giám sát thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Sở LĐ - TB&XH

Ngày 16/9, HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tình hình triển khai và kết quả thực hiện Đề án 'Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016 - 2020'. Đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trường đoàn.

 Đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận tại buổi giám sát.

Đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận tại buổi giám sát.

Giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh đã mở được 424 lớp đào tạo nghề cho 12.316 người lao động, đạt 35,2% so với kế hoạch. Trong đó, 228 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 7.067 người; 196 lớp nghề phi nông nghiệp cho 5.249 người. 6 tháng đầu năm nay, các cơ sở trên địa bàn đã mở được 55 lớp, đào tạo cho 1.963 người. Kinh phí hỗ trợ cho đào tạo nghề là 45.636 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới 30.900 triệu đồng; ngân sách địa phương 14.736 triệu đồng. Số lao động học xong có việc làm và duy trì việc làm với thu nhập cao hơn trước đạt trên 85%.

Sau hơn 3 năm tiếp tục thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực nông thôn có sự chuyển biến tích cực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo hàng năm tăng bình quân 2,5%, cuối năm 2018 đạt 53,3%. Trong đó, lao động nông thôn được học nghề, truyền nghề đang hoạt động kinh tế đạt 33,5%. Các xã trên địa bàn tỉnh đều có tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm đảm bảo theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, kết quả đào tạo nghề chưa đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Một số nghề chưa phát huy được hiệu quả sau đào tạo, người lao động sau khi học nghề chưa duy trì được nghề lâu dài do thị trường tiêu thụ sản phẩm bất ổn định. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Mức kinh phí đào tạo nghề còn thấp, việc giải quyết vay vốn sau học nghề để phát triển sản xuất còn khó khăn.

Tại buổi giám sát, Sở LĐ-TB&XH tỉnh kiến nghị: Hàng năm dành một khoản kinh phí ngân sách cấp tỉnh thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn tham gia các chương trình trọng điểm; hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị dạy nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bổ sung chỉ tiêu giáo viên dạy nghề cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu. Chỉ đạo các địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm và dài hạn...

Kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, ngành trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xác định đây là một trong những đề án quan trọng, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các ngành hữu quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ ý nghĩa của công tác đào tạo nghề. Đồng thời, rà soát và xây dựng kế hoạch cụ thể đảm bảo hoạt động dạy nghề sát với nhu cầu thực tế tại địa phương, nhất là đối với ngành, nghề phi nông nghiệp. Đối với nghề nông nghiệp, cần chú trọng đào tạo theo chuỗi sản phẩm, đào tạo gắn với sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tăng cường thu hút đầu tư để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Đối với các kiến nghị đề xuất, kiến nghị, đồng chí đề nghị tổ thư ký tổng hợp thành báo cáo gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/133045/hdnd-tinh-giam-sat-thuc-hien-de-an-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-tai-so-ld-tbxh.htm