HĐND TP Hà Nội thông qua 6 mức chi đặc thù cho người phòng, chống dịch Covid-19
Theo đó, mức chi chế độ bồi dưỡng chống dịch cao nhất từ 200.000 đồng/người/ngày đến 300.000 đồng/người/ngày.
Chiều 23/6, kỳ họp thứ Nhất HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã bế mạc sau một ngày làm việc. Phát biểu bế mạc kỳ họp,Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm, kỳ họp thứ Nhất HĐND Thành phố khóa XVI - kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công tốt đẹp.
Chủ tịch HĐND Thành phố cho rằng, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, HĐND Thành phố đã thực hiện ngay các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, xem xét thông qua các nghị quyết chuyên đề nhằm bảo đảm sự vận hành thông suốt của chính quyền các cấp, đó là: Nghị quyết về số lượng Ủy viên các Ban HĐND Thành phố; Nghị quyết về Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ trong năm 2021 của HĐND Thành phố; Nghị quyết điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách quận, thị xã, phường khi áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị; Nghị quyết về một số cơ chế chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.
6 mức chi đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19
Cũng trong chương trình kỳ họp chiều nay, với 100% số đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
6 mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội gồm: Chi chế độ hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đối với người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly; chế độ bồi dưỡng và chế độ hỗ trợ tiền ăn đối với người tham gia phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ thêm cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; chế độ đối với người phải kéo dài thời gian cách ly tại cơ sở y tế, khu cách ly tập trung; hỗ trợ cho cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, xử lý các đối tượng nhập cảnh trái phép trên địa bàn thành phố phải thực hiện cách ly tập trung.
Cụ thể: UBND các cấp có trách nhiệm bố trí ngân sách để bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với mức chi tối đa không quá 80.000 đồng/người/ngày.
Về chế độ bồi dưỡng và chế độ hỗ trợ tiền ăn đối với 8 đối tượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được hưởng chế độ bồi dưỡng chống dịch 150.000 đồng/người/ngày. Riêng với học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo hệ trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19 do thành phố huy động được hưởng chế độ bồi dưỡng chống dịch từ 200.000 đồng/người/ngày đến 300.000 đồng/người/ngày.
Về lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo hệ trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong thời gian phải ở lại nơi tình nguyện 40.000 đồng/người/ngày.
Đối với hỗ trợ thêm cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19; đối tượng được quy định tại Điều 2, Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ được mức hỗ trợ thêm 70% mức chi chế độ phụ cấp, bồi dưỡng cho từng đối tượng tương ứng khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7 Điều 2, Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ, về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Còn đối với những đối tượng đã nêu trên, mức hỗ trợ thêm bằng 70% mức chi bồi dưỡng chống dịch quy định tại Nghị quyết này.
Về hỗ trợ chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, các đối tượng là tiếp xúc của tiếp xúc gần (F2); người có triệu chứng bệnh và có liên quan đến ca bệnh xác định; người đi, đến, ở, về từ vùng có dịch hoặc bệnh nhân mắc Covid-19; người trong khu vực có ổ dịch Covid-19 được khoanh vùng, phong tỏa; người ở khu vực có nguy cơ cao theo chỉ định của cơ quan y tế... sẽ được hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế (ngoài phần chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế nếu có).
Về chế độ đối với người phải kéo dài thời gian cách ly tại cơ sở y tế, khu cách ly tập trung, sẽ được hỗ trợ chi phí tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày; các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung với tổng chi phí là 40.000 đồng/người/ngày.
Đối với việc hỗ trợ cho cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, xử lý các đối tượng nhập cảnh trái phép trên địa bàn thành phố phải thực hiện cách ly tập trung, nội dung và mức hỗ trợ gồm: Chi phí vận chuyển, áp tải đối tượng đến các cơ sở cách ly tập trung và thực hiện bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý sau khi kết thúc thời gian cách ly tập trung tại Việt Nam; chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; chi phí tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày; các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung với tổng chi phí là 40.000 đồng/người/ngày./.