Hé lộ bí ẩn không gian lớn nhất từ trước đến nay
Einstein Probe phát hiện vụ nổ vũ trụ kỳ lạ EP240408a, không giống bất kỳ sự kiện nào từng biết, lý thuyết sao lùn trắng bị lỗ đen xé toạc hé lộ góc nhìn chưa từng có, mở ra trang mới khám phá vũ trụ.
Các nhà thiên văn học vừa công bố một phát hiện chấn động, một vụ nổ vũ trụ hoàn toàn mới lạ, chưa từng được ghi nhận trước đây. Sự kiện bí ẩn mang tên EP240408a được kính viễn vọng không gian tia X Einstein Probe "bắt" được vào ngày 8/4/2024, đang làm đau đầu giới khoa học, đặt ra những câu hỏi lớn về giới hạn hiểu biết của chúng ta đối với vũ trụ.
Ban đầu, các nhà khoa học nhận định EP240408a có thể là một vụ nổ tia gamma (gamma-ray burst) thông thường – những vụ nổ năng lượng cao nhất vũ trụ, thường liên quan đến sự sụp đổ của các ngôi sao khổng lồ hoặc sự va chạm của các sao neutron. Tuy nhiên, càng đi sâu phân tích, các nhà thiên văn càng nhận ra EP240408a "không giống ai".
Các quan sát đa bước sóng, từ tia cực tím đến tia gamma, tia X, hồng ngoại, quang học và sóng vô tuyến, đã vẽ nên một bức tranh vô cùng dị biệt về vụ nổ này. EP240408a không tuân theo bất kỳ mô hình nào của các vụ nổ vũ trụ đã biết.

Ảnh minh họa. (NDTV)
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Astrophysical Journal Letters đã đưa ra giả thuyết hàng đầu, khơi gợi sự tò mò của cộng đồng khoa học. Theo đó, EP240408a có thể là dấu chấm hết bi thảm của một sao lùn trắng – tàn tích của một ngôi sao đã chết – khi nó bị xé toạc bởi lực hấp dẫn khổng lồ của một lỗ đen cỡ trung bình. Sự kiện hủy diệt này đã phóng ra một luồng vật chất cực mạnh, hay còn gọi là "tia" (jet), hướng thẳng về Trái Đất. Góc độ đặc biệt này đã cho phép các nhà khoa học có được một cái nhìn chưa từng có về khoảnh khắc cuối cùng đầy bạo lực của một ngôi sao.
Brendan O'Connor, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Vũ trụ học và Vật lý thiên văn McWilliams thuộc Đại học Carnegie Mellon, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh: "EP240408a có một vài đặc điểm tương đồng với nhiều loại hiện tượng vũ trụ khác nhau, nhưng nó lại không hoàn toàn khớp với bất kỳ loại nào".
Các "quá độ năng lượng cao" (high-energy transients), như EP240408a, là những vụ bùng phát bức xạ năng lượng cao diễn ra trong thời gian ngắn, được phát hiện từ bên trong hoặc bên ngoài thiên hà của chúng ta. Phần lớn trong số chúng được xác định là các vụ nổ tia gamma. Tuy nhiên, EP240408a lại sở hữu những đặc tính khác biệt, không giống bất kỳ "quá độ năng lượng cao" nào đã từng biết.
Ngoài Einstein Probe, các đài quan sát khác như Neutron star Interior Composition Explorer (NICER) và Neil Gehrels Swift Observatory cũng tham gia vào việc theo dõi EP240408a. Dữ liệu từ các đài quan sát này cho thấy một nguồn tia X đang mờ dần với đặc điểm chưa từng thấy, độ sáng và thời gian tồn tại nằm ở mức trung gian, khác biệt so với các sự kiện quá độ tia X đã được quan sát trước đây. Đây được xem là một manh mối quan trọng hé lộ nguồn gốc bí ẩn của EP240408a.
Tuy nhiên, một yếu tố càng làm tăng thêm sự bí ẩn cho EP240408a là việc nó "im lặng" trong dải tần số vô tuyến. Đài quan sát thiên văn vô tuyến Very Large Array (VLA) của Mỹ đã tiến hành quan sát nguồn này vào các thời điểm 11 ngày, 158 ngày và 258 ngày sau khi EP240408a được phát hiện, nhưng không ghi nhận bất kỳ phát xạ vô tuyến nào.
"Thông thường, khi chúng ta quan sát thấy một nguồn tia X sáng và kéo dài như vậy, chúng ta sẽ kỳ vọng thấy một tín hiệu vô tuyến cực kỳ mạnh mẽ đi kèm. Nhưng ở đây, chúng ta hoàn toàn không thấy gì, điều này thực sự rất kỳ lạ", O'Connor giải thích.
Sự thiếu vắng tín hiệu vô tuyến, kết hợp với các đặc điểm khác thường khác, đã biến EP240408a trở thành một bí ẩn vũ trụ thực sự, thách thức các nhà khoa học tìm ra lời giải đáp. Theo nhiều nhận định, đây là một trong số những bí ẩn không gian lớn nhất hiện nay.