Hé lộ bí mật của 1% người giàu Mỹ: 'Bơm' hàng triệu USD vào trường học của con
MỸ- Tại các trường Ivy League, cứ 6 sinh viên thì có 1 người xuất thân từ các gia đình thuộc nhóm 1% giàu nhất nước này.
Một nghiên cứu mới được công bố bởi Opportunity Insights, một nhóm các nhà kinh tế học tại Đại học Harvard nghiên cứu về bất bình đẳng, cho thấy việc những đứa trẻ nhà giàu vào được các trường đại học ưu tú không chỉ nhờ điểm số cao hơn hay lớp học khó hơn, theo The New York Times.
Họ có điểm SAT cao hơn, hồ sơ ấn tượng và cũng nộp đơn thường xuyên hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi xem xét tất cả những yếu tố đó, khả năng trúng tuyển của những học sinh này vẫn cao hơn.
Ví dụ, nếu 2 người nộp đơn có cùng điểm SAT hoặc ACT, một người từ gia đình thuộc top 1% có khả năng được chấp nhận cao hơn 34% so với mức trung bình. Nếu thuộc top 0,1%, họ có khả năng được nhận cao hơn gấp đôi.
‘Bơm’ hàng triệu USD để các thế hệ sau dễ vào trường
Les Wexner, tỷ phú điều hành “đế chế” nội y Victoria's Secret, không theo học Đại học Harvard. Ông tốt nghiệp Đại học Bang Ohio năm 1959 nhưng bắt đầu quyên góp cho Harvard từ năm 1989 và trao tặng cho trường đại học hàng đầu quốc gia này từ 1,5 triệu đến 2,1 triệu USD trong suốt giai đoạn 2003- 2012.
Năm 2013, quỹ từ thiện của Wexner đã tăng số tiền quyên góp đáng kể, lên 8,5 triệu USD. Đó cũng là năm đứa con đầu lòng trong số 4 đứa con của ông bắt đầu vào học năm nhất Harvard.
Quỹ của ông đã trao 26 triệu USD cho Harvard vào năm 2014, 7 triệu USD vào năm 2015 và 14,5 triệu USD vào năm 2016. Ba đứa con khác của Wexner đã đăng ký và theo học tại đây vào các năm 2014, 2015 và 2017.
Sự hào phóng của tỷ phú Wexner là minh chứng cho một hành vi phổ biến của giới thượng lưu. Các tỷ phú Mỹ không phải vi phạm pháp luật để giúp con cái họ vào được những trường đại học tốt nhất, thay vào đó, họ thường sử dụng di sản và tiền bạc của mình để gây ảnh hưởng. Việc này trải qua nhiều thế hệ.
Năm 1998, ông trùm bất động sản Charles Kushner, tốt nghiệp Đại học New York, đã cam kết tài trợ 2,5 triệu USD cho Harvard trước khi con trai ông được nhận vào trường đại học này. Vụ việc của nhà Kushner lần đầu tiên được đưa tin bởi nhà báo Daniel Golden, người đã viết cuốn sách “Giá nhập học” kể về cách người giàu “mua” cho con họ được nhận vào các trường học ưu tú nhất đất nước.
Khó để biết mức độ giàu có và sự hào phóng của các tỷ phú đã giúp con cháu họ nhận được thư nhập học ở mức độ nào, nhưng đây chắc chắn là một yếu tố quan trọng.
Có rất nhiều ví dụ về việc con cái của các tỷ phú theo học tại những trường ưu tú giống như cha mẹ và thậm chí cả ông bà của họ. Tỷ phú quỹ phòng hộ Stephen Mandel có mối quan hệ gần một thế kỷ từ trường cũ của ông, Đại học Dartmouth.
Ông tốt nghiệp trường Dartmouth năm 1978, làm chủ tịch Hội đồng Quản trị và là đồng chủ tịch của Chiến dịch Trải nghiệm Dartmouth trị giá 1,3 tỷ USD. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi 2 trong số 3 đứa con của ông đã đến đó học.
Ông trùm bất động sản ở Thung lũng Silicon John Arrillaga tốt nghiệp Đại học Stanford năm 1960. Con gái ông cũng theo học tại đây. Khoản quyên góp của Arrillaga là 100 triệu USD, 151 triệu USD lần lượt vào năm 2006 và 2013.
Trường phụ thuộc vào ‘quà hào phóng’ để hỗ trợ sinh viên
Tỷ phú Henry Caruso, người sáng lập Dollar Rent-A-Car, bỏ học tại Đại học Nam California (USC) để phục vụ trong Hải quân trong Thế chiến thứ hai. Tất cả 4 người con của ông đều đã theo học tại đây.
Theo hồ sơ công khai, Caruso bắt đầu quyên góp cho USC vào năm 1992 với món quà trị giá 2.500 USD. Năm 2006, ông đã trao 1 triệu USD cho Cộng đồng Công giáo USC và năm 2015 ông cam kết 25 triệu USD. Năm 2018, cùng năm ông trở thành chủ tịch Hội đồng Quản trị USC và trao khoảng 2 triệu USD. Cùng năm đó, con gái út Gianna bắt đầu học tại trường đại học.
Trong một tuyên bố với Forbes, USC cho biết họ "phụ thuộc vào những món quà hào phóng của các nhà tài trợ để hỗ trợ sinh viên, nhưng Văn phòng Tuyển sinh không xem xét việc đóng góp của gia đình khi xem xét người nộp đơn".
Mặt khác, di sản gia đình sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến người nộp đơn. Người phát ngôn cho biết: “Chúng tôi tự hào đào tạo nhiều thế hệ Trojan và trong bất kỳ năm nào, số lượng tuyển sinh kế thừa chiếm 13% -19% trong mỗi lớp mới nhập học”.
Gia tộc Perelman gắn bó chặt chẽ với Đại học Pennsylvania, cả về nguồn tài trợ lẫn tuyển sinh. Nhà đầu tư quá cố Ray Perelman đã quyên góp ít nhất 250 triệu USD cho trường đại học, trong đó có 225 triệu USD cho trường y vào năm 2011. Nhiều con và cháu của Ray đã theo học tại Penn, bao gồm cả con trai ông là Ron Perelman- cũng là một tỷ phú. Nhiều tòa nhà và cơ sở giáo dục của trường được đặt theo tên thành viên gia đình này.
Các trường học như Harvard, nơi tự hào có nhiều cựu sinh viên tỷ phú, thừa nhận rằng các sinh viên kế cận và con cái của các nhà tài trợ giàu có có lợi thế hơn phần còn lại của các ứng viên.
Theo một tuyên bố từ Harvard, con cái của sinh viên tốt nghiệp Harvard, ứng viên có cha mẹ là nhà tài trợ và con cái của giảng viên và nhân viên, chiếm 29% số sinh viên được nhận vào trường.
Theo Mandee Heller Adler, người sáng lập International College Counselors và là người đã tư vấn cho các tỷ phú, triệu phú về cách con cái họ có thể vào đại học, sự giàu có là một trong nhiều yếu tố có sức ảnh hưởng
Tuy vậy, Adler cũng cho biết bà đã làm việc với những gia đình giàu có có con cái bị từ chối vì điểm thi hoặc điểm thấp. Bà phản đối lập luận rằng cứ gia đình giàu có thì con có thể theo học trường ưu tú. “Trường học cần tiền thật nhưng họ có thể không cần tiền của bạn. Họ không bán chỗ cho người trả giá cao nhất”.
Tháng 10/2018, Harvard đã phải hầu tòa án liên bang trước những cáo buộc rằng trường đại học này phân biệt đối xử với những ứng viên người Mỹ gốc Á và trường sử dụng hạn ngạch chủng tộc để tạo ra một tầng lớp đa dạng.
Kahlenberg của Century Foundation, người cũng từng là nhân chứng chuyên môn trong phiên tòa năm 2018, cho biết: “Hối lộ trắng trợn mà chúng ta thấy xuất hiện trong bản cáo trạng là một phiên bản thô thiển hơn của những gì diễn ra hàng ngày tại các trường đại học chọn lọc”.
“Các trường đại học lợi dụng thực tế là họ có một nguồn tài nguyên khan hiếm, một thứ có giá trị mà mọi người mong muốn, để kêu gọi các nhà tài trợ bỏ tiền để tiếp cận nguồn tài nguyên đó”.