Hé lộ bí mật sinh tồn của tổ tiên trong bức xạ Mặt Trời dữ dội
Một nghiên cứu mới hé lộ cách con người cổ đại thích nghi khi từ trường Trái Đất suy yếu mạnh 41.000 năm trước.

Người Homo sapiens ở châu Âu bắt đầu sử dụng quần áo may đo, "kem chống nắng" làm từ đất son và hang động để bảo vệ.
Lá chắn từ trường sụp đổ và bầu trời đầy sắc màu
Điều gì đã xảy ra khi lá chắn từ trường Trái Đất sụp đổ 41.000 năm trước? Một nghiên cứu mới cho thấy sự kiện kịch tính này, được gọi là “Laschamps Excursion”, có thể đã buộc con người cổ đại phải thích nghi bất ngờ, thay đổi cách họ sinh sống, tìm nơi trú ẩn và thậm chí bảo vệ làn da.
Trong thời gian đó, từ trường Trái Đất suy yếu chỉ còn một phần rất nhỏ so với mức bình thường, khiến nhiều bức xạ Mặt Trời nguy hiểm hơn tràn xuống bề mặt.
Sự thay đổi này có thể khiến ánh sáng Mặt Trời trở nên nguy hiểm hơn và bầu trời xuất hiện sắc màu lạ thường, với cực quang hiện ra không chỉ ở 2 cực mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.
“Bầu trời cách đây 41.000 năm có thể vừa ngoạn mục vừa đáng sợ. Khi chúng tôi nhận ra điều này, chúng tôi muốn biết liệu điều đó có thể ảnh hưởng tới người sống vào thời điểm đó hay không,” các tác giả nghiên cứu cho biết.

Hình ảnh cho thấy bức xạ mặt trời mạnh chiếu vào Trái đất.
Sự thích nghi của con người cổ
Nghiên cứu bắt đầu với một câu hỏi thú vị: điều gì xảy ra với sự sống trên Trái Đất khi từ trường gần như biến mất? Để tìm câu trả lời, các tác giả kết hợp mô hình khí hậu và bằng chứng khảo cổ.
Họ tập trung vào sự kiện Laschamps Excursion, một biến cố ngắn nhưng cực đoan cách đây khoảng 41.000 năm, khi từ trường Trái Đất suy yếu nghiêm trọng.
Thay vì cấu trúc như một thanh nam châm khổng lồ với cực Bắc và cực Nam, từ trường đã phân tán thành nhiều cực yếu rải rác khắp thế giới.
Ở thời điểm thấp nhất, cường độ từ trường giảm xuống dưới 10% so với mức hiện nay, khiến Trái Đất phơi nhiễm trước bức xạ vũ trụ và gió Mặt Trời. Thông thường, tầng từ quyển bảo vệ chúng ta khỏi tia cực tím (UV) và các hạt tích điện từ Mặt Trời.
Tuy nhiên, trong sự kiện Laschamps Excursion, lá chắn này đã sụp đổ. Hậu quả là cực quang vốn chỉ thấy ở vùng cực có thể đã nhảy múa trên bầu trời nhiều nơi, và bức xạ UV nguy hiểm xuyên xuống mặt đất nhiều hơn mức bình thường.
Điều này không chỉ là kịch bản khoa học viễn tưởng mà còn gây ra hệ quả thật sự nghiêm trọng. Lượng tia UV tăng có thể dẫn tới cháy nắng, tổn thương mắt, dị tật bẩm sinh và bệnh ngoài da. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi: liệu con người cổ đại đã nhận ra và thích ứng?
Hồ sơ khảo cổ cung cấp một số manh mối thú vị. Vào thời điểm đó, có bằng chứng về việc sử dụng hang sâu làm nơi trú ẩn, bôi chất màu từ đất son đỏ lên da, và có thể mặc quần áo bảo vệ nhiều hơn ở những vùng châu Âu chịu tác động mạnh nhất.
Tất cả những hành vi này có thể đã giúp bảo vệ cả người Homo sapiens và người Neanderthal trước sự gia tăng đột ngột của bức xạ Mặt Trời.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không khẳng định sự kiện Laschamps Excursion đã gây ra sự tuyệt chủng của người Neanderthal hay dẫn tới những thay đổi tiến hóa lớn.

Cực quang.
Ý nghĩa cho hiện tại và tương lai
Nghiên cứu này mở ra góc nhìn mới về cách các yếu tố vũ trụ có thể ảnh hưởng tới sự sống bên dưới bầu khí quyển, thậm chí định hình cách con người cổ từng sinh tồn.
Nó nhắc chúng ta rằng từ trường Trái Đất không phải bất biến. Trong quá khứ, nó đã nhiều lần đảo cực, suy yếu và dao động, và có thể sẽ tiếp diễn trong tương lai.
Hiểu được cách con người từng ứng phó với những biến động như vậy giúp các nhà khoa học dự đoán được tác động của các sự kiện tương tự đối với xã hội hiện đại, nhất là khi chúng ta phụ thuộc vào công nghệ vệ tinh, lưới điện và hạ tầng số, tất cả đều dễ tổn thương trước thời tiết vũ trụ.
Khi các nhà nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện mô hình và khảo sát thêm các địa điểm khảo cổ, họ hy vọng cộng đồng khoa học sẽ bắt đầu coi thời tiết vũ trụ như một phần quan trọng trong lịch sử môi trường Trái Đất.
Theo IE