Hé lộ cách xây dựng những 'cánh diều' khổng lồ trong sa mạc

Trong các sa mạc từ Saudi Arabia đến Kazakhstan, các kiến trúc khổng lồ hình cánh diều có thể được nhận ra khi nhìn từ trên cao xuống.

 Kiến trúc khổng lồ trên sa mạc có hình gần giống cánh diều, gồm 2 đường dây dẫn vào một khu vực ở giữa. Ảnh: O. Barge/CNRS.

Kiến trúc khổng lồ trên sa mạc có hình gần giống cánh diều, gồm 2 đường dây dẫn vào một khu vực ở giữa. Ảnh: O. Barge/CNRS.

Được xây từ thời tiền sử, các kiến trúc cánh diều có kích thước khổng lồ, kéo dài hàng cây số. Đến nay, giới khảo cổ hầu hết thống nhất rằng những "cánh diều sa mạc" này là trận địa dùng để bẫy và giết các đàn động vật hoang dã. Nhưng bằng cách nào những người thợ săn cổ đại đã lên kế hoạch và xây những kiến trúc khổng lồ này vẫn còn là bí ẩn.

Toàn cảnh "cánh diều sa mạc" chỉ có thể nhìn thấy từ trên không. “Ngay cả với những kỹ thuật chụp ảnh cảnh quan ngày nay, chúng ta vẫn khó ghi lại được bản đồ của kiến trúc này", Rémy Crassard, nhà khảo cổ học tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp, cho biết.

Vào năm 2015, Crassard và các đồng nghiệp tìm thấy 2 tảng đá nguyên khối khắc bản vẽ những cánh diều sa mạc ở Jordan và Saudi Arabia. Bây giờ, phân tích cho thấy bản vẽ được khắc lên đá từ 7.000-9.000 năm trước. Đây là những bản vẽ kiến trúc quy mô lớn lâu đời nhất trong lịch sử loài người, nhóm nghiên cứu viết trên tạp chí Plos One.

Các phát hiện này cho thấy các kiến trúc khổng lồ trên sa mạc đã được lên kế hoạch cẩn thận, và cho thấy con người đã có thể hình dung và phác thảo một kiến trúc lớn trên một bề mặt nhỏ, Crassard cho biết.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm được bản vẽ khắc trên đá tương ứng với những "cánh diều sa mạc" có thật, còn lại trong địa hình khu vực.

 Tảng đá được phát hiện ở Jibal al-Khashabiyeh, Jordan và mô hình 3D cho thấy bản vẽ kiến trúc được khắc trên đá. Ảnh: Plos One; O. Barge/CNRS.

Tảng đá được phát hiện ở Jibal al-Khashabiyeh, Jordan và mô hình 3D cho thấy bản vẽ kiến trúc được khắc trên đá. Ảnh: Plos One; O. Barge/CNRS.

Bản vẽ thể hiện các đường và hố như kiến trúc trong thực tế. 2 tường đá, tạo thành một con đường ở giữa, hội tụ về một cấu trúc khép kín có tường đá bao quanh. Tường bao cứ chạy một đoạn lại có một hố đào sẵn.

Các đàn động vật như linh dương đã bị lùa theo con đường do 2 tường đá tạo thành, đi vào cấu trúc khép kín. Bên trong, thợ sẵn sẽ tấn công động vật và những con tìm đường bỏ trốn sẽ bị rơi xuống hố.

“So sánh bản vẽ với các hình ảnh chụp từ trên không và vệ tinh, có thể thấy nó thể hiện những cánh diều trong khu vực này", Mohammad Tarawneh, nhà khảo cổ học tại Đại học Al-Hussein Bin Talal (Jordan), và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. Thậm chí, bản vẽ được thể hiện đúng tỷ lệ.

Vẫn chưa rõ những bản vẽ khắc trên đá này là bản thiết kế để xây dựng cánh diều, hay là bản đồ cho thợ săn. Cũng có thể chúng mang tính kỷ niệm, vì những "cánh diều sa mạc" là một phần quan trọng trong bản sắc văn hóa của các dân tộc cổ đại, Wael Abu-Azizeh, nhà khảo cổ học tại Viện Cận Đông (Pháp), cho biết.

Hoàng Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/he-lo-cach-xay-dung-nhung-canh-dieu-khong-lo-trong-sa-mac-post1433398.html