Hé lộ chi tiết tàu lặn 'tối mật' của Nga vừa cháy
Báo chí Nga mô tả con tàu lặn bị cháy khiến 14 lính hải quân nước này thiệt mạng là một tàu ngầm mini tối mật.
Bộ Quốc phòng Nga không thông tin chi tiết về con tàu, cách thức hỏa hoạn xảy ra hoặc liệu có ai còn sống hay không.
Tuy nhiên, theo báo chí Nga, tàu bị cháy là AS-12 Losharik, một tàu ngầm nhỏ chạy bằng hạt nhân được thiết kế chuyên biệt cho các nhiệm vụ nhạy cảm ở sâu trong lòng đại dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, hỏa hoạn xảy ra trong khi tàu đang khảo sát đáy biển thuộc lãnh hải Nga, và con tàu đã được đưa về cảng Severomorsk ở Bắc Cực, căn cứ chính của Hạm đội phương Bắc Nga.
"Theo số liệu ban đầu, 14 thủy thủ đã tử vong do ngạt khói", ông Shoigu nói thêm.
Trong cuộc họp với Bộ trưởng Shoigu được phát trên sóng truyền hình, Tổng thống Vladimir Putin xác nhận 2 trong số các nạn nhân từng được phong "Anh hùng Nga", danh hiệu cao quý nhất của nước này sau Thế chiến 2.
"Đây không phải là con tàu thông thường… Nó là một tàu nghiên cứu khoa học. Thủy thủ đoàn là những người có chuyên môn cao", ông nói. "Bảy trong số 14 người chết là các sĩ quan Hải quân mang hàm đại tá. Đây là một tổn thất lớn cho Hạm đội và cho quân đội nói chung".
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lửa đã được dập tắt nhờ "sự hy sinh của các thành viên thủy thủ đoàn" nhưng bộ này không tiết lộ có bao nhiêu người đang trên tàu lúc đó.
Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng nhất của Hải quân Nga kể từ năm 2008, khi 20 người bỏ mạng vì hệ thống cứu hỏa vô tình bị kích hoạt trong khi tàu ngầm chạy bằng hạt nhân Nerpa của Hạm đội Thái Bình Dương đang thực hiện thử nghiệm.
Trong vụ tai nạn hải quân đẫm máu nhất của Nga thời hậu Xô Viết, tàu ngầm hạt nhân Kursk phát nổ và chìm ngày 12/8/2000 khi đang tập trận ở Biển Barents khiến toàn bộ 118 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.
Thiết kế đặc biệt
Sự cố mới nhất xảy ra ở vùng lân cận Biển Barents. Các nhà chức trách ở Na Uy khẳng định họ đã kiểm tra nhưng không phát hiện mức độ phóng xạ bất thường.
Per Strand, Giám đốc Cơ quan An toàn hạt nhân và phóng xạ Na Uy, cho biết phía Nga đã thông báo với cơ quan này rằng một vụ nổ khí đốt đã xảy ra trên tàu ngầm, nhưng Moscow phủ nhận thông tin.
Theo ABC News, tàu ngầm bí mật bị cháy được cho là có thiết kế thân tàu bằng titanium đặc biệt. AS-12 được chế tạo và ra mắt một cách bí mật, nhưng một số chi tiết của dự án này đã được báo chí Nga đưa tin.
ABC News dẫn một báo cáo lưu trữ trên tờ Izvestia chỉ ra AS-12 được hạ thủy vào năm 2003. Nó được mô tả là tàu ngầm Nga tiên tiến nhất và bí mật nhất, được đặt theo tên của một nhân vật hoạt hình thời Liên Xô – một chú ngựa đồ chơi được làm từ những quả cầu nhỏ.
Cái tên này dường như xuất phát từ thiết kế độc đáo của thân trong tàu, được làm bằng những khối cầu titan có khả năng chịu áp lực cao ở độ sâu lớn. Tàu hoạt động nhờ một lò phản ứng hạt nhân và được chế tạo bí mật trong 15 năm.
Tuy nhiên, tất cả những thông tin kể trên chưa từng được xác nhận một cách độc lập.
Các sứ mệnh tối mật ở đáy Bắc Cực
Năm 2012, tàu tham gia vào hoạt động khảo sát nhằm chứng minh tuyên bố chủ quyền của Nga đối với vùng đáy biển Bắc Cực rộng lớn. Theo các tuyên bố chính thức, tàu thu thập các mẫu ở độ sâu 2.500m.
Các tàu ngầm thông thường chỉ có thể lặn ở độ sâu tối đa 600m.
Một số nhà quan sát đồn đoán AS-12 Losharik có thể lặn sâu tới 6.000m. Tàu được mang dưới thân tàu ngầm mẹ Orenburg (cũng chạy bằng hạt nhân).
Theo báo chí Nga, Losharik thuộc biên chế chính thức của Hạm đội phương Bắc, nhưng tàu vẫn trực tiếp nhận lệnh của Ban Khảo sát Đáy đại dương Bộ Quốc phòng Nga. Điều này chứng tỏ độ nhạy cảm cao của những sứ mệnh mà tàu đảm trách.
Hải quân Nga còn sử dụng các tàu lặn sâu lớp Priz và lớp Bester, có thân được làm bằng tiatnium, hoạt động ở độ sâu tới 1.000m và liên tục trong 120 giờ.