Hé lộ chương trình trang bị vũ khí bí mật của Ukraine nhằm đối phó Nga
Việc tăng cường khả năng tự lực cánh sinh trong sản xuất vũ khí và thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước được coi là trọng tâm chính trong chiến lược hiện tại của Ukraine để đẩy lùi Nga.
Chương trình trang bị vũ khí của Ukraine
Mùa đông năm nay, sau tình trạng bế tắc kéo dài trên chiến tuyến, cuộc xung đột ở Ukraine đã chuyển sang giai đoạn mới với nhiều diễn biến mới. Trong những ngày gần đây, Kiev được cho là đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga. Hàng loạt video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy những đám cháy lớn bốc lên trên một kho nhiên liệu ở vùng Bryansk, cảng dầu mỏ gần St. Petersburg cùng nhiều mục tiêu và các thị trấn, thành phố khác của Nga, từ Oryol và Tula tới Belgorod.
Nhưng điều mà thế giới không thấy chính là cách các loại vũ khí được triển khai bởi các cuộc tấn công thường diễn ra vào đêm khuya từ các căn cứ bí mật ở Ukraine. Những căn cứ này được bảo vệ chặt chẽ tới mức, ngoài những binh sỹ vận hành, chỉ có một số kỹ sư dân sự được phép quan sát các vụ phóng, ghi chép và đo lường cẩn thận về cách thức hoạt động, cách quân đội sử dụng chúng hoặc bất cứ rủi ro nào có thể xảy ra.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine – ông Oleksandr Kamyshin, người giám sát ngành công nghiệp quốc phòng cho biết: “Chúng tôi không có thời gian thử nghiệm vũ khí trên trường bắn. Chúng tôi buộc phải thử nghiệm trong chiến đấu. Chúng tôi phải có mặt ở địa điểm chiến đấu, thực hiện các điều chỉnh và các cải tiến cần thiết”.
Những cuộc tấn công như vậy thường được thực hiện dưới sự giám sát của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine. Theo yêu cầu của Tổng thống Zelensky, Ukraine bắt đầu giảm bớt sự phụ thuộc vào vũ khí phương Tây bằng cách tự sản xuất thêm vũ khí của nước này. Ông Kamyshin cho biết, gần như tất cả các cuộc tấn công mà Kiev thực hiện thời gian gần đây nhằm vào các mục tiêu Nga đều không đến từ kho dự trữ của nước ngoài mà từ các nhà máy và xưởng sản xuất bí mật của Ukraine.
Khả năng của Ukraine trong việc sản xuất đủ vũ khí cho quân đội nước này được coi là trọng tâm chính trong chiến lược hiện tại để đánh bại Nga. Tổng thống Ukraine Zelensky nhấn mạnh rằng: “Đây chính là lối thoát”.
Nhưng để chiến lược này có hiệu quả, Ukraine cần phải vượt qua nhiều thách thức. Họ sẽ phải kết nối ngành công nghiệp vũ khí vốn đã lạc hậu với các thiết kế và năng lực vũ khí tiên tiến của các đối tác phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Trong chuyến thăm Nhà Trắng thời gian gần đây, ông Zelensky đã đề nghị Tổng thống Biden không chỉ viện trợ tài chính, quân sự mà còn cấp giấy phép để Ukraine sản xuất và sửa chữa vũ khí.
Đối với Ukraine, việc khôi phục lại ngành công nghiệp quốc phòng thậm chí còn khó khăn hơn. Từng là trung tâm sản xuất vũ khí của Liên Xô, ngành công nghiệp quân sự Ukraine có hàng trăm nhà máy và hàng chục nghìn công nhân luôn sẵn sàng làm việc. Nhưng ngành này đã bị suy yếu sau nhiều thập kỷ do tình trạng trì trệ và quản lý kém hiệu quả. Theo các chuyên gia trong ngành, sản lượng vũ khí của Ukraine trong năm đầu tiên của cuộc xung đột rất thấp. Trong số các cố vấn của Tổng thống Zelensky, có rất ít người coi ngành công nghiệp này là niềm hy vọng tốt nhất để đẩy lùi Nga trong cuộc xung đột tiêu hao.
Trước đó vào năm 2016, một trong những công ty hàng không vũ trụ hàng đầu của Ukraine đã trình làng một loại máy bay không người lái có tên Horlytsia hay Turtledove. Nó có tầm bắn khiêm tốn khoảng 100 km, có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tấn công, cả hai đều rất quan trọng trong một cuộc chiến pháo binh. Khi xung đột xảy ra, Ukraine chỉ có một số lượng rất nhỏ máy bay không người lái này. Đến năm 2023, chúng mới được thiết kế lại để bay xa hơn và đưa vào sản xuất hàng loạt, nhằm tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Cũng vào năm 2023, Ukraine đã đầu tư khoảng một tỷ USD vào chương trình máy bay không người lái trong nước và con số này dự kiến tăng hơn gấp đôi vào năm 2024. Khoảng 200 công ty ở Ukraine hiện đang sản xuất máy bay không người lái cho quân đội, từ các công ty khởi nghiệp đến các cơ sở lớn thời Liên Xô.
Trở ngại khi tiếp cận công nghệ vũ khí phương Tây
Ngoài việc tăng cường sản xuất vũ khí trong nước, Ukraine cũng kêu gọi các nhà sản xuất vũ khí phương Tây như Raytheon và Lockheed Martin cung cấp thêm trang thiết bị. Ông Oleksandr Kamyshin cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy cửa sau. Thay vì yêu cầu công nghệ tiên tiến nhất, chúng tôi tìm cách sửa đổi những loại vũ khí mà Mỹ không có kế hoạch sử dụng. Các kho hàng của Mỹ chứa rất nhiều thiết bị như vậy”. Chẳng hạn, các kỹ sư của Mỹ và Ukraine đã sửa đổi phiên bản cũ của tên lửa Sidewinder, được sản xuất lần đầu tiên vào những năm 1950, phóng từ trên không để tạo ra một vũ khí phòng không giá rẻ hoạt động từ mặt đất. Tên lửa sửa đổi này đã được dùng để bắn hạ máy bay không người lái tấn công của Nga.
Tuy vậy, Tổng thống Zelensky và các quan chức dưới quyền ông đều hiểu rằng, để đẩy lùi đối phương có ưu thế vượt trội về quân số và công nghệ tiên tiến, Ukraine vẫn cần tiếp cận vũ khí phương Tây, trong đó có các bản thiết kế mang tính bảo mật và hướng dẫn bảo trì vũ khí hạng nặng. Không công ty tư nhân nào ở Mỹ hoặc Châu Âu có thể chia sẻ những bí mật như vậy mà không có sự cho phép của chính phủ và ông Zelensky đã hối thúc Tổng thống Biden chấp nhận điều đó.
Theo luật pháp Mỹ, Tổng thống Biden có quyền cấp giấy phép giúp khởi động hoạt động sản xuất vũ khí trong nước của Ukraine mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, quyết định này sẽ cần phải trải qua quá trình phê duyệt phức tạp trong chính phủ Mỹ, nhưng điều quan trọng là Ukraine sẽ cần hàng tỷ USD viện trợ để hồi sinh ngành công nghiệp vũ khí của nước này.
Gần hai năm sau khi xung đột diễn ra, Nga vẫn giành thế chủ động và lợi thế của nước này trước Ukraine ngày càng gia tăng. Các chuyên gia cho rằng, Nga đang duy trì lợi thế đáng kể so với Ukraine trong một số lĩnh vực quan trọng và Kiev sẽ cần phải xây dựng được một hệ thống phòng thủ kiên cố nếu muốn chống lại các hoạt động tấn công của đối phương.
Các chuyên gia Michael Kofman và Dara Massicot thuộc Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định, nếu không có sự điều chỉnh lớn hoặc cam kết hỗ trợ mạnh mẽ hơn của phương Tây, kho vũ khí của Ukraine sẽ cạn kiệt theo thời gian và Ukraine sẽ buộc phải đàm phán với Nga từ một vị thế yếu. Trong trường hợp ngược lại, Kiev có thể xây dựng những lợi thế cần thiết để tiến hành các hoạt động tấn công quy mô lớn vào năm 2025, tạo ra một cơ hội khác để đẩy lùi Nga trên chiến trường.