Hé lộ cuộc chiến ngầm 'nóng' Facebook giữa các chiến dịch gây ảnh hưởng từ Nga và Pháp
NBC News đăng tải, hôm thứ Ba (15/12), mạng xã hội Facebook, công ty phân tích Graphika và chương trình Stanford Internet Observatory (Quan sát Internet Stanford) đã công bố một loạt các báo cáo về ba chiến dịch thông tin sai lệch nhằm vào châu Phi và Trung Đông.
Theo các báo cáo, hai trong số ba chiến dịch trên có mối liên hệ với Yevgeniy Prigozhin - nhà tư bản người Nga nổi tiếng thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Prigozhin từng bị chính phủ Mỹ trừng phạt sau khi một tổ chức do ông này tài trợ là Cơ quan Nghiên cứu Internet của Nga - vướng cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 và 2018.
"Mặc dù những người phía sau các chiến dịch cố gắng che giấu nhân thân và hoạt động, đội ngũ điều tra của chúng tôi đã tìm thấy các kết nối với những cá nhân có quan hệ với Cơ quan Nghiên cứu Internet (IRA) và các chiến dịch trước đó từng được ông Yevgeniy Prigozhin hỗ trợ tài chính", người đứng đầu bộ phận chính sách an ninh của Facebook là Nathaniel Gleicher cho hay.
Tuy nhiên, Facebook cũng lưu ý tới một hiện tượng chưa từng xảy ra: hai chiến dịch gây ảnh hưởng "đụng độ" với nhau.
"Mặc dù từng chứng kiến các chiến dịch gây ảnh hưởng nhắm tới cùng khu vực trong quá khứ, đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện ra hai chiến dịch – từ Pháp và Nga – có các liên hệ với nhau, bao gồm kết nối, bình luận và chỉ trích bên kia là giả dối….", ông Gleicher tiết lộ.
Theo Facebook, họ đã gỡ bỏ những trang liên quan tới các chiến dịch. Facebook và các công ty mạng xã hội khác đã có nhiều nỗ lực để hạn chế ảnh hưởng của các chiến dịch thông tin sai lệch tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Tuy nhiên, các chiến dịch vẫn tác động tới các khu vực khác trên thế giới.
Cụ thể, trong khi chiến dịch của ông Prigozhin - được cho là nhằm vào người dân Mỹ, dường như gặp phải khó khăn, các chiến dịch gần đây hướng tới châu Phi và Trung Đông lại tỏ ra hiệu quả hơn. Phụ trách chính trong báo cáo của Stanford là Sheby Grossman chỉ ra, những chiến dịch trên mang nhiều mục tiêu như thúc đẩy lợi ích cho chính phủ Nga và cả lợi ích của chính ông Prigozhin.
Tại quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi nội chiến là Libya, ba nhóm Facebook bắt đầu hoạt động từ đầu năm nay, đều đang phát đi những thông điệp thân Putin tới hơn 100.000 người theo dõi. Moscow từng bị Mỹ cáo buộc bán vũ khí cho lực lượng lính đánh thuê ủng hộ cho Quân đội Quốc gia Libya. Một chiến dịch có quy mô lớn hơn thậm chí còn lập ra một trang fanpage của Tổng thống Putin với ít nhất 27.000 tham gia.
Tại các nước nơi ông Prigozhin đã đầu tư các khoản tiền khổng lồ vào khai khoáng mỏ, các trang Facebook cung cấp thông tin thời sự hoặc giải trí tự tuyên bố là các trang địa phương nhưng thực chất phần lớn lại được điều hành từ Nga. Những trang này thường tập trung tuyên truyền lợi ích của việc tăng cường cơ hội hợp tác trong ngành công nghiệp mỏ với nước Nga.
Theo báo cáo của Stanford, tại Sudan, các trang Facebook tin tức được giới thiệu là do người Sudan lập ra nhưng thực chất do người Nga quản lý. Chúng một mặt chỉ trích tình trạng mất an ninh lương thực và lạm phát tại Sudan, mặt khác lại ca ngợi các công ty khai mỏ đến từ Nga – như một công ty đã cung cấp tài trợ COVID-19 cho Sudan…
Hiện Prigozhin chưa đưa ra bình luận chính thức nhưng trong một bài phỏng vấn với Reuters trước đây, ông từng chỉ trích Facebook là một công cụ của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA).
Báo cáo của Stanford cũng chỉ ra, tại Cộng hòa Trung Phi – quốc gia mà ông Prigozhin đã triển khai nhiều dự án mỏ và hậu cần từ năm 2017, các tài khoản giả mạo và bị xâm nhập trên Internet đã tìm cách thúc đẩy các thông điệp chính trị. Chúng cũng thuê các nhà báo không tên tuổi địa phương – một chiến thuật được cho là có liên hệ với hoạt động của IRA tại Mỹ và Anh hồi đầu năm nay. Ngày 27/12 sắp tới, Cộng hòa Trung Phi sẽ tổ chức bầu cử toàn quốc.
Theo công ty Graphika, trong một số trường hợp, các hoạt động lửa đảo tại Cộng hòa Trung Phi bị cáo buộc là có dính dáng với ông Prigozhin sẽ trở thành chủ đề tranh cãi trực tuyến với một chiến dịch Internet khác được điều hành từ Pháp và cũng nhằm vào quốc gia này. Hai nhóm Nga và Pháp dường như đã rơi vào một cuộc chiến trên Internet.
"Mỗi bên khiêu khích nhau bằng các video và meme (biểu tượng) chửi bới; đưa ra các cáo buộc sai trái nhằm vào nhắm vào nhau, sử dụng các bằng chứng giả tạo cho các cáo buộc của mình", báo cáo Graphika cho hay.
Trả lời phỏng vấn báo giới ngày 15/12, ông Gleicher của Facebook nói, mặc dù các chiến dịch gây ảnh hưởng trực tuyến của Nga từ lâu đã hướng tới châu Phi, nhưng việc tránh bị phát hiện đang ngày càng trở nên khó khăn hơn.
"Các chiến dịch quan tâm tới những vấn đề tranh luận công khai tại châu Phi. Họ vẫn luôn lấy khu vực này là mục tiêu. Chúng tôi biết họ vẫn tiếp tục cải tiến các kỹ thuật của mình và sẽ không ngừng nỗ lực", ông Gleicher chỉ ra.