Hé lộ cuộc gọi 'giải cứu' thiết bị y tế của Bí thư Thăng
Bí thư Thăng gọi điện cho Bộ trưởng Tiến và thiết bị y tế bị kẹt ở Hải quan 3 tháng được 'giải cứu'.
Xin giấy phép, hơn 3 tháng không hồi âm
“Với chúng tôi, những con số nghiên cứu mà chúng tôi thu thập được là quý hơn vàng và việc để chiếc máy pQCT về chậm 3 tháng là chúng ta đã đánh mất đi rất rất nhiều vàng”, BS. Lại Văn Thái, thành viên Nhóm nghiên cứu cơ - xương thuộc Đại học Tôn Đức Thắng bắt đầu câu chuyện khi nói về chiếc máy pQCT.
GS.TS. Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết: Ngày 22/12/2015, Trường đã ký hợp đồng với đối tác Đức đặt mua chiếc máy pQCT (periphecal Quantitative Computer Tomography) phục vụ cho công tác nghiên cứu về loãng xương tại Việt Nam. Chiếc máy trị giá hàng tỷ đồng này hiện trong khu vực mới chỉ có ở Singapore và Thái Lan sở hữu.
Chiếc máy sau đó nhanh chóng được nhập khẩu về Việt Nam bằng đường Hàng không vào ngày 3/1 (chỉ sau khi ký hợp đồng 11 ngày); Nhưng “kẹt” ở Hải quan vì chờ duy nhất tờ giấy phép của Bộ Y tế. Đơn vị nhập khẩu đã làm thủ tục xin giấy phép, nhưng đợi hơn 3 tháng mà Bộ Y tế vẫn không hồi âm.
Ngày 14/3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đến thăm, làm việc với Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Khi nghe lãnh đạo nhà trường báo cáo về những trục trặc trong việc nhập khẩu chiếc máy pQCT, Bí thư Đinh La Thăng đã điện ngay cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Ngày 25/3, (tức là 11 ngày sau), chiếc máy pQCT đã được thông quan đưa về Trường Đại học Tôn Đức Thắng và nhanh chóng được đưa vào phục vụ việc nghiên cứu.
pQCT là thiết bị gì?
Trường Đại học Tôn Đức Thắng là đơn vị đầu tiên nhập máy pQCT Stratec X 2000 cho Phòng thí nghiệm của Nhóm nghiên cứu cơ - xương thuộc trường. Nhóm nghiên cứu này đang thực hiện một Dự án nghiên cứu qui mô lớn với trên 4.000 người từ các tỉnh, thành khác nhau trên cả nước. Các số liệu thu thập được sẽ dùng để xây dựng giá trị tham chiếu đánh giá sức khỏe xương thông qua các chỉ số cấu trúc lớp vỏ và bè xương. Từ các thông số đó sẽ xác định ảnh hưởng của cấu trúc xương, độ chịu lực của xương đo bằng pQCT với nguy cơ gãy xương và so sánh với các phương pháp trước đây.
BS. Lại Văn Thái, thành viên của Nhóm nghiên cứu cơ - xương thuộc Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, từ khi đưa chiếc máy pQCT về nhóm đã bắt tay vào nghiên cứu ngay. Chỉ sau hơn 1 tháng, nhóm đã tiến hành nghiên cứu hơn 200 người tình nguyện và cho những thông số tuyệt vời.
Các dữ liệu nghiên cứu không chỉ giúp ích cho việc đánh giá chính xác nguy cơ gãy xương do loãng xương mà còn giúp đánh giá sức khỏe cho các bệnh lý mãn tính gắn liền với tổn thương xương như bệnh thận mãn tính, đái tháo đường. Kết quả phân tích dữ liệu sẽ cung cấp thông tin quan trọng cho các giới chức y tế để hoạch định những chương trình phòng, chống gãy xương do loãng xương cho người Việt Nam, góp phần làm thay đổi phương thức chẩn đoán, điều trị tốt hơn cho người bệnh.
Theo BS. Thái, mỗi tuần nhóm tiến hành nghiên cứu với 60 người. Do vậy việc chiếc máy pQCT bị "kẹt lại" 3 tháng khiến nhóm bị chậm nghiên cứu với 600 người, tức là gần 1/4 chặng đường mà nhóm thực hiện.
“Chị Tiến à, tôi đang làm việc với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nghe mấy anh nói từ tháng 12/2015 làm thủ tục nhập một thiết bị y tế mà đến nay vẫn nằm ở cảng, chị trao đổi với thày Danh, Hiệu trưởng nhé”. Sau khi nghe Hiệu trưởng Lê Vinh Danh trình bày, Bộ trưởng Tiến cho biết, vấn đề này đã giao cho Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến phụ trách và sẽ cho kiểm tra. Khoảng một phút sau, khi Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến gọi lại và ông Thăng nói: “Tôi nghe chị Tiến nói anh phụ trách cấp Giấy phép nhập thiết bị y tế của Đại học Tôn Đức Thắng. Anh coi xử lý chứ ai lại để máy nằm ở cảng mấy tháng trời như thế?”.
(Cuộc điện thoại của Bí thư Đinh La Thăng
với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến)