Hé lộ danh sách 900 dự án trong tầm ngắm của Thanh tra Chính phủ
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kế hoạch triển khai đợt thanh tra chuyên đề quy mô lớn trên phạm vi cả nước, với 898 dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Mục tiêu là xác định rõ các nguyên nhân khiến dự án chậm triển khai, gặp trở ngại về pháp lý hoặc tiềm ẩn rủi ro thất thoát tài sản công.
Theo kế hoạch, đợt thanh tra sẽ tập trung vào các dự án có quy mô lớn, thời gian kéo dài nhiều năm và xuất hiện dấu hiệu bất cập trong thủ tục đầu tư, quản lý đất đai hoặc tiến độ triển khai. Cơ quan thanh tra sẽ tiến hành rà soát toàn diện các khâu từ lập, thẩm định, phê duyệt dự án đến lựa chọn nhà đầu tư, giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất… nhằm xác định cụ thể nguyên nhân ách tắc và đề xuất biện pháp khắc phục.
Trong tổng số gần 900 dự án thuộc diện thanh tra năm 2025, nhóm dự án bất động sản nhà ở chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm khoảng 63% với các loại hình như khu đô thị, khu dân cư và căn hộ. Các nhóm lĩnh vực còn lại bao gồm: hạ tầng giao thông (120 dự án), khu công nghiệp và logistics (70), công trình công cộng (55), trụ sở hành chính (35), nông nghiệp - môi trường (30), và công nghiệp - thương mại (25).
Có 145 dự án sẽ do Thanh tra Chính phủ trực tiếp thực hiện, chủ yếu là các dự án trọng điểm thuộc sự quản lý của bộ, ngành trung ương hoặc những địa phương lớn. Trong khi đó, 3 dự án được giao cho Thanh tra Bộ Quốc phòng và 750 dự án còn lại do thanh tra cấp tỉnh, thành phố đảm trách.
TP. Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng dự án nằm trong diện thanh tra nhiều nhất với tổng cộng 114 dự án – trong đó, 20 dự án do Thanh tra Chính phủ phụ trách và 94 dự án do địa phương thanh tra. Các dự án này chủ yếu rơi vào tình trạng chậm triển khai, vướng mắc về thủ tục pháp lý hoặc bị người dân khiếu kiện liên quan đến vấn đề đất đai. Một số dự án đáng chú ý có thể kể đến như: Khu dân cư Investco Green City, tổ hợp cao ốc Riviera Point, dự án khu cao tầng của CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt tại quận 7 (cũ) và dự án nhà ở kết hợp khách sạn tại số 1 Bis - 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 (cũ).
Ngoài TP. Hồ Chí Minh, một số tỉnh thành cũng có số lượng lớn dự án nằm trong diện thanh tra gồm: An Giang (92 dự án), Đồng Nai (85), Khánh Hòa (83), Ninh Bình (46), Lâm Đồng (30), Bắc Ninh (27), Vĩnh Long (13), và TP Đà Nẵng (11). Nhiều tỉnh khác tuy số lượng dự án không lớn nhưng vẫn thuộc diện rà soát, như Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên...
Riêng đối với nhóm bộ, ngành trung ương và các tập đoàn lớn, Thanh tra Chính phủ sẽ trực tiếp thanh tra 145 dự án có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên. Trong số này, Bộ Xây dựng có 8 dự án, Bộ Công Thương 6, Bộ Tài chính 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo 5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường 4 dự án. Ngoài ra còn có 12 dự án do các tập đoàn, tổng công ty lớn quản lý.
Đợt thanh tra sẽ chính thức bắt đầu trong tháng 7/2025. Các cơ quan thanh tra phải hoàn tất và ban hành kết luận trước ngày 25/9 đối với các dự án do Thanh tra Chính phủ thực hiện, và trước ngày 15/9 đối với phần việc của thanh tra địa phương. Kết quả tổng hợp sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 10.
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, đây là một trong những đợt thanh tra quy mô lớn nhất trong nhiều năm qua. Hoạt động này kỳ vọng sẽ chỉ ra các điểm nghẽn về pháp lý, tài chính hoặc quản trị, từ đó đề xuất giải pháp cụ thể để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tránh gây lãng phí tài nguyên, đất đai và nguồn lực xã hội.
Nhiều dự án lớn tại các bộ ngành và địa phương đã được đưa vào danh sách thanh tra. Cụ thể:
Tại Bộ Xây dựng: Dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 1, tuyến Cát Linh – Hà Đông, tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (Km45+100 đến Km108+500)…
Bộ Công Thương: Nhà máy nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang, nhà máy nhiệt điện Na Dương II, thủy điện Đa Nhim mở rộng, nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2…
Tại Hà Nội: Các khu đô thị lớn như Tây Nam hồ Linh Đàm, Vân Canh, Đặng Xá II (HUD và Viglacera), dự án Usilk City (Sông Đà Thăng Long), khu đô thị Cienco 5…
TP. Hồ Chí Minh: Các dự án lớn như BT bốn tuyến đường chính tại Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2 (Đại Quang Minh), mở rộng xa lộ Hà Nội (CII), khu dân cư Investco Green City, cao ốc Riviera Point, BOT cầu Phú Mỹ, bệnh viện Hoa Lâm Shangri-la, nhà máy xử lý chất thải của Tasco...
Tại Đà Nẵng: Khu đô thị sinh thái Quan Nam – Thủy Tú (Trung Nam), khu nghỉ dưỡng Nam Hội An...
Cần Thơ: Khu đô thị mới phường Thường Thạnh (Hoàng Quân), khu đô thị cồn Khương...
An Giang: Nhà máy điện mặt trời Sao Mai, nhà máy túi xách TBS, khu đô thị thị trấn Núi Sập 1...
Khánh Hòa: Hàng loạt dự án nghỉ dưỡng, khu đô thị lớn như Bình Sơn – Ninh Chữ, SunBay Park, Oceanus, Panaroma Nha Trang, A&B Saigon Tower, Riviera Point, Mường Thanh, Lotte Nha Trang...
Đồng Nai: Các dự án của Amata Long Thành, Long Tân (DIG), Lộc Ninh 3, Phú Mỹ, Tín Nghĩa, Long Thành Riverside…
Tây Ninh: Nhà ở xã hội Thành phố Vàng (liên quan HQC), khu đô thị dịch vụ Phước Đông (SIP)…
Quảng Ninh: Dự án FLC Hạ Long…
Hà Tĩnh: Mỏ Thạch Khê, hệ thống nước Vũng Áng, khách sạn Human City…
Các tỉnh khác: Lâm Đồng (Đambri), Lào Cai (Minh Sơn, Bitextco), Quảng Trị (AMI Savannakhet), Kosy tại Lào Cai và Thái Nguyên…