Hé lộ 'giáo trình lừa đảo' của cộng đồng khởi nghiệp bằng 'thần dược' giữa Hà Nội
'Giáo trình' tư vấn bán thực phẩm chức năng của cộng đồng khởi nghiệp FAA là một mớ hỗn tạp cóp nhặt trên mạng, thiếu hụt kiến thức nhưng lại thừa mưu mẹo theo kiểu bệnh nhân nói 'có' thì phán ra sao còn 'không' thì 'chẩn bệnh' thế nào.
Đánh vào tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương"
Những ngày vừa qua, lực lượng chức năng quận Thanh Xuân (Hà Nội) đang xác minh, truy nhóm người trẻ hoạt động tư vấn, bán loại thực phẩm chức năng "Xương khớp Ông Bồng" có nhiều biểu hiện sai phạm mà báo chí đã phản ánh.
Qua tìm hiểu, nhóm người này do Nguyễn Thanh Phong (SN 1983, quê Phú Thọ) lập ra từ hơn 2 năm nay, hoạt động chính tại Hà Nội và có 1 chi nhánh rất mạnh ở Thanh Hóa, doanh thu trung bình trên 3 tỉ đồng/tháng.
Nhằm bóc trần sự thật về lớp học khởi nghiệp bằng "thần dược", phóng viên từng đến thử việc tại 1 trong 6 sàn của FAA tại địa chỉ tầng 23 tòa nhà Golden West (số 2 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Qua quan sát, nhóm này chuyên tuyển dụng những sinh viên mới ra trường, sinh viên đi làm thêm để dạy dỗ cách "lừa dối" nhằm bán loại thuốc mang tên "Xương khớp Ông Bồng".
Sau khi tuyển dụng, nhóm người này sẽ giao cho các bạn trẻ việc ngồi gọi điện thoại tư vấn khách hàng để bán thuốc. Đáng nói hơn là việc mặc dù nhóm này không có chuyên môn nhưng lại mặc quần áo blue trắng đóng giả là bác sĩ để quay quảng cáo về loại thực phẩm này hòng "lừa bịp" người bệnh.
Tại đây, sau 2 ngày được yêu cầu quan sát cách các "đồng nghiệp" làm việc, phóng viên nhận ra cái gọi là cộng đồng khởi nghiệp này chẳng qua chỉ là nơi chiêu dụ, huấn luyện những người trẻ tuổi cách tiếp cận và lừa dối người bệnh qua điện thoại, hòng bán ra những liều "thần dược" rởm mang tên "Xương khớp Ông Bồng" với giá "cắt cổ".
Đến ngày thứ 3, phóng viên được trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng tên Mai Loan (SN 1995) đưa cho một bộ giáo trình dạng hỏi – đáp gồm 5 trang giấy A4 với nội dung về bệnh xương khớp đề nghị học thuộc. Tất cả quy trình đều đã được hướng dẫn chi tiết từ cách chào hỏi, tư vấn bệnh lý cho đến nghệ thuật xử lý chốt đơn.
Điều đáng nói, trên từng dòng trên kịch bản, nhận thấy rõ ràng đó chỉ là một mớ kiến thức hỗn tạp cóp nhặt trên mạng, cụt lủn và thiếu hụt kiến thức nhưng lại thừa mưu mẹo theo kiểu khách nói "có" thì phán ra sao, khách đáp "không" thì "chẩn bệnh" thế nào.
Cụ thể, với câu hỏi: "Anh/chị có bị nhức mỏi cổ, tê bì đầu ngón tay không?", bộ giáo trình đưa luôn đáp án cho các "bác sĩ online" như sau:
- Không: Cũng may là chèn ép chưa lan đến đầu ngón tay.
- Có: Tê râm ran như kim châm, kiến bò hay tê buốt cả ngón tay? Như vậy là bị chèn ép vào dây thần kinh cảm giác, để lâu sẽ gây tổn thương dẫn đến tê liệt. Thậm chí bên trung tâm đang phải điều trị cho một số bệnh nhân để nặng quá, buộc phải đi phẫu thuật mới đi lại được.
Phương pháp tư vấn bệnh cũng chẳng khá khẩm hơn, mọi thứ đều nhằm mục đích xoáy sâu vào nỗi sợ bệnh tật của người bệnh. "Dìm" thuốc tây và các phương pháp hỗ trợ điều trị xương khớp khác để dụ người nghe sử dụng Bồng Cốt Đan.
Nội dung xuyên suốt toàn bộ kịch bản là "vẽ" cho bệnh nhân thấy bức tranh xấu nếu không điều trị sớm thì tình trạng bệnh của họ sẽ phát triển như thế nào.
Rồi sau đó khi bệnh nhân còn đang trong trạng thái tâm lý lo lắng, hoang mang thì ngay lập tức những lời khuyên chân thành được tung ra: "Phương pháp nhà Ông Bồng chúng tôi hoàn toàn khác. Chúng tôi không mon men giảm đau nhức thông thường mà đi sâu vào căn nguyên gốc rễ bệnh tình để giúp anh/chị từ bên trong mô xương khớp…".
Sau khi đã "dọn đường" cho bộ "sản phẩm nhà mình", việc mấu chốt mà nhân viên phải làm là tập trung giới thiệu các liệu trình; đồng thời không bao giờ được quên buông ra một câu mang tính chất "được ăn cả, ngã về không" để hù dọa bệnh nhân: "Tôi hỏi thật, với mong muốn cải thiện của anh/chị, thì anh/chị mong muốn được cấp cắt cho bài cơ bản để vừa dùng vừa theo dõi hay muốn cấp cắt cho bài đặc trị để nhanh cải thiện phục hồi?"
Cuối cùng khi những bệnh nhân nhẹ dạ cả tin đã "sập bẫy" mua "thần dược", các nhân viên chỉ việc diễn nốt phân đoạn chốt hạ đơn hàng. "Tôi mới ký duyệt hồ sơ cho anh/chị trên giấy tờ thôi. 5-10 phút nữa sẽ có các cháu trợ lý của tôi gọi lại hoàn thiện hồ sơ cho anh/chị, để lưu lên hệ thống bệnh nhân của trung tâm, sau này còn tiện chăm sóc trong quá trình dùng".
Có thể nói, kịch bản đã đánh vào tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương" của bệnh nhân. Một đội ngũ những người trẻ vì học theo "giáo trình ấy" mà trở thành những kẻ bịp bợm trắng trợn.
Vẫn rầm rộ hoạt động tư vấn, bán hàng
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 4/10, hệ thống các sàn kinh doanh, tư vấn, chăm sóc khách hàng và điểm kho đóng hàng của Cộng đồng khởi nghiệp FAA Enterprise tại Hà Nội vẫn tiếp tục hoạt động.
Cụ thể, tại địa điểm khảo sát đầu tiên là tòa nhà Comatce Tower (61 Ngụy Như Kon Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội), nơi có tới 3 sàn kinh doanh của Cộng đồng khởi nghiệp FAA, mọi thứ dường như không có quá nhiều thay đổi.
Bên ngoài căn phòng số 1102 (nơi phóng viên từng được nhận vào thử việc), vẫn là cảnh cửa đóng then cài quen thuộc và có không có khác biệt nào so với các căn hộ của cư dân xung quanh.
Tuy nhiên, khi gõ cửa, ở bên trong vẫn là lố nhố những gương mặt trẻ măng đang ngồi dán mắt vào máy tính hoặc bốc điện thoại tư vấn bán thuốc. Trước sự xuất hiện của người lạ, các nhân viên tại đây ngay lập tức đứng dậy quây kín lối vào, cửa chỉ mở hé và không cho bất cứ ai tiếp cận.
Tương tự, tại phòng B11-23, tầng 23 Tòa nhà Golden West (số 2 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân, Hà Nội) - nơi được FAA gọi là phòng marketing - bên trong vẫn huyên náo khiến cả khu vực hành lang vắng vẻ trở nên ồn ã.
Để không ai chú ý, toàn bộ các sàn kinh doanh của FAA không đặt tại các khu quy hoạch làm văn phòng. Chúng được ngụy trang trong các khu nhà chung cư, không biển chỉ dẫn, không logo đơn vị và nằm xen kẽ với nhà dân, có độ bảo mật, quản lý tòa nhà 24/24, khó lên và khó xuống.
Còn tại địa chỉ tầng 3, tòa nhà Viettel Post (số 18, ngõ 30, Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), nơi được xác định là tổng kho chứa "thần dược" mang tên "Xương khớp Ông Bồng", các nhân viên rất trẻ vẫn tất bật với công việc phân loại, đóng gói, ghi địa chỉ giao hàng cho khách...
Trên nền sàn nhà, trên kệ bàn là la liệt các lọ sản phẩm dán nhãn Bồng Cốt Đan. Còn trên tường vẫn là các khẩu hiệu hô hào quen thuộc phóng viên từng được nhìn thấy tại phòng bán hàng và phòng Marketing.
Không chỉ vậy, các "bác sĩ online" của cộng đồng FAA dường như cũng chẳng hề nao núng và tiếp tục mạo danh và nói dối một cách trắng trợn.
Trong vai người có thân nhân đang sử dụng bộ sản phẩm "Xương khớp Ông Bồng" tỏ ra lo lắng trước thông tin báo chí phản ánh, phóng viên được kết nối với một người nữ xưng tên Lê Thúy, tự nhận là Phó Giám đốc Trung tâm Xương khớp ông Bồng.
Qua điện thoại, bà Thúy trấn an: "Không có vấn đề gì đâu, anh phải nên nhớ các trang mạng phức tạp lắm, nếu mọi thứ là có thật thì làm sao tôi có thể ngồi đây trả lời cho anh được, đúng chưa?...".
Để tăng sức thuyết phục, bà Thúy nói, bây giờ bất cứ ai cũng có thể bị bêu rếu trên mạng xã hội, còn trung tâm của bà thì làm ăn chuẩn chỉnh, thuốc được công nhận. Sau đó, người này yêu cầu chúng tôi cung cấp thêm thông tin như số điện thoại, tên họ đầy đủ, địa chỉ cụ thể của người thân đang bị bệnh để tra cứu trên hồ sơ lưu tại trung tâm.
Cuối cùng, vị "phó giám đốc trung tâm" khẳng định chắc nịch, trung tâm vẫn hoạt động bình thường và an ủi bệnh nhân cứ yên tâm điều trị, không nên tin "chúng nó" phao tin đồn nhảm, thất thiệt...
Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.