Hé lộ hành trình di cư voi răng mấu Kỷ Băng hà

Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện hóa thạch của ba con voi răng mấu (mastodon) sống trong Kỷ Băng hà tại dãy núi Andes của Peru, mở ra nhiều câu hỏi về hành trình di cư của loài động vật khổng lồ này.

Cuộc khai quật, bắt đầu từ năm 2019, đã phát hiện những hóa thạch có niên đại từ 11.000 đến 12.000 năm tại thung lũng gần thị trấn Chambara, cách thủ đô Lima khoảng 300 km về phía Đông.

Nhà cổ sinh vật học Ivan Meza cho biết, trong ba mẫu hóa thạch này, có một mẫu gần như hoàn chỉnh, có thể là hóa thạch voi răng mấu trong trạng thái tốt nhất từng được tìm thấy ở Peru.

Ông Meza cho hay: "Nếu tìm thấy sọ và mọi dấu hiệu cho thấy ngà của chúng vẫn còn, đây sẽ là phát hiện có giá trị khoa học cả về quy mô quốc gia và toàn cầu.”

Voi răng mấu (Mastodon) là một loài động vật có vú lớn đã tuyệt chủng, thuộc họ Elephantidae, gần gũi với voi hiện đại và voi ma mút. Chúng sinh sống chủ yếu trong thời kỳ Kỷ Băng Hà và là một trong những loài động vật biểu tượng của thời kỳ này.

Voi mastodon là một phần quan trọng trong nghiên cứu về sự phát triển của các loài động vật lớn và mối quan hệ của chúng với môi trường cũng như con người trong thời kỳ Kỷ Băng Hà.

Voi răng mấu có nhiều điểm tương đồng với voi ma mút (mammoth) - một loài động vật cũng đã tuyệt chủng, nhưng có đầu phẳng hơn và ngà thẳng hơn. Các nhà khoa học hiện đang hy vọng tìm thấy thêm nhiều hóa thạch khác trong khu vực này để giải đáp câu hỏi về thời gian và cách thức di cư của voi răng mấu.

Các nhà khảo cổ học ở Anh phát hiện hóa thạch xương của voi ma mút 200.000 năm trước - Ảnh: Báo Lao động.

Các nhà khảo cổ học ở Anh phát hiện hóa thạch xương của voi ma mút 200.000 năm trước - Ảnh: Báo Lao động.

Ông Meza cho biết: "Chúng tôi chỉ mới khám phá một khu vực rất nhỏ, chưa đến một ha. Đến nay, chúng tôi đã phát hiện ba mẫu vật và khả năng còn nhiều mẫu khác, thậm chí từ các loài động vật khác."

Theo các chuyên gia, voi răng mấu có thể đã di cư từ Bắc Mỹ xuống Nam Mỹ để tìm kiếm nguồn thức ăn và nước uống khi điều kiện khí hậu thay đổi.

Nhà nghiên cứu Oscar Diaz giải thích: "Theo thời gian, dãy núi Andes cao lên và mực nước biển rút xuống. Khu vực này trở nên khô cằn và để lại nhiều hồ trong thung lũng Mantaro." Ông cho rằng những hồ này có thể đã cung cấp nguồn nước cần thiết cho loài voi răng mấu.

Peru từ lâu đã nổi tiếng với các di chỉ khảo cổ phong phú. Vào tháng 4 vừa qua, một nhóm nhà cổ sinh vật học đã công bố phát hiện hóa thạch hộp sọ của một loài cá heo sông có niên đại khoảng 16 triệu năm trước, được coi là hộp sọ cá heo lớn nhất từng được tìm thấy tại lưu vực sông Amazon, Peru.

Kỷ Băng Hà là một giai đoạn trong lịch sử địa chất của Trái Đất, diễn ra khoảng từ 2,4 triệu năm trước đến khoảng 11.700 năm trước. Đây là thời kỳ mà nhiệt độ toàn cầu giảm mạnh, dẫn đến sự hình thành của các băng hà lớn ở hai cực và một số vùng núi cao.

Giai đoạn này được chia thành nhiều chu kỳ băng hà và giữa các chu kỳ này là các giai đoạn ấm hơn, được gọi là giữa các kỷ ấm. Kỷ Băng Hà đã kết thúc vào khoảng 11.700 năm trước, khi Trái Đất bắt đầu nóng lên, dẫn đến sự tan băng và hình thành các khí hậu hiện tại.

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/he-lo-hanh-trinh-di-cu-voi-rang-mau-ky-bang-ha-267840.htm