Hé lộ khách hàng tiềm năng mua tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga

Hiện nay có nhiều nước quan tâm tới dòng máy bay tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga. Trong số các khách hàng tiềm năng có thể kể đến Trung Quốc, Iran, Ấn Độ và Algeria.

Sau khi người đứng đầu tập đoàn Rosoboronexport Alexander Mikheev tiết lộ Nga đã có hợp đồng xuất khẩu Su-57 đầu tiên, người ta bắt đầu đồn đoán xem nước nào có thể là khách hàng tiềm năng.

Algeria là khách hàng tiềm năng được truyền thông nhắc đến nhiều nhất.

Máy bay Su-57. Ảnh: Wikipedia

Máy bay Su-57. Ảnh: Wikipedia

Nhà phân tích quân sự người Algeria Kad-Ghani cho rằng, Algeria là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua Su-57 của Nga, tương tự việc Rabat cũng là khách hàng đầu tiên mua MiG-25 nhiều năm trước.

“Algeria lại làm nên lịch sử! Khách hàng đầu tiên mua MiG-25 và giờ khách hàng đầu tiên của Su-57”, ông Kad-Ghani viết trên X nhưng không tiết lộ thông tin có nguồn gốc từ đâu.

Nhiều hãng truyền thông cũng nhận định Không quân Algeria sẽ vận hành Su-57 trong tương lai nhưng cũng nhấn mạnh đây chỉ là suy đoán chứ chưa có xác nhận chính thức nào từ Rabat.

Danh sách khách hàng tiềm năng

Algeria được coi là một trong những khách hàng tiềm năng của Su-57 kể từ năm 2020, sau khi Tổng tham mưu trưởng Quân đội Algeria khi đó là Said Chengriha có cuộc gặp với Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga Dmitry Shugayev.

Có thông tin cho hay, ông Chengriha đã nhận được một mô hình Su-57 và cuộc thảo luận khi đó tập trung vào khả năng Algeria mua mẫu máy bay này. Thời điểm đó, có tin đồn cho rằng Nga sẽ bán 14 máy bay chiến đấu Su-57 trị giá 2 tỷ USD cho Không quân Algeria.

Những tin đồn này sau đó lắng xuống và chỉ xuất hiện trở lại sau thông báo gần đây của Nga về việc bán Su-57 cho khách hàng nước ngoài nhưng không tiết lộ chi tiết giá trị hợp đồng và số lượng máy bay.

Ban đầu, một số chuyên gia suy đoán, Trung Quốc có thể là khách hàng mua Su-57. Mặc dù Nga công bố về hợp đồng xuất khẩu Su-57 tại một triển lãm hàng không ở Trung Quốc, nhưng khó có khả năng Bắc Kinh là bên mua vì Chengdu J-20 của nước này cũng có chức năng tương tự. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tập trung nguồn lực vào các dự án trong nước như “White Emperor” thế hệ 6.

Hiện chỉ có 3 quốc gia đã tự phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc. Có thể khẳng định chắc chắn rằng Mỹ sẽ không mua Su-57, còn Trung Quốc đã có Chengdu J-20 Mighty Dragon.

Trước đây, khi năng lực hàng không vũ trụ của Trung Quốc chưa đạt đến trình độ như hiện nay, nước này thường nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đã giảm sự phụ thuộc vào Nga. Hơn nữa, ở một số khía cạnh, J-20 của Trung Quốc được cho là có lợi thế hơn so với Su-57 của Nga. Do đó, khả năng Bắc Kinh mua máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Nga trở nên không hợp lý.

Tạp chí National Interest cho rằng Algeria là quốc gia có nhiều khả năng mua Su-57 nhất cùng với Iran và Ấn Độ, nhưng nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là suy đoán.

Lý do mọi sự đồn đoán dồn vào Algeria

Về lý do vì sao Algeria được cho là khách hàng có khả năng cao nhất mua Su-57, có thể xét đến các yếu tố như địa chính trị, quân sự, kinh tế và công nghệ.

Algeria có lịch sử hợp tác quân sự lâu dài với Nga, từ thời Chiến tranh Lạnh. Lực lượng không quân của Rabat chủ yếu sử dụng các thiết bị của Nga, bao gồm máy bay chiến đấu Su-30 và MiG-29. Điều này có nghĩa là Algeria có cơ sở hạ tầng và chuyên môn để tích hợp máy bay thế hệ 5 của Nga.

Không giống như Ấn Độ ngày càng đa dạng hóa hoạt động mua sắm quốc phòng thông qua các thỏa thuận với phương Tây, cho đến nay, Algeria vẫn là khách hàng trung thành của Nga.

Về mặt kinh tế, Algeria ổn định hơn so với Iran nhờ doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Mặc dù không có ngân sách khổng lồ như Ấn Độ, Algeria vẫn có thể mua số lượng hạn chế các máy bay chiến đấu tiên tiến như Su-57.

Ngược lại, Iran phải đối mặt với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt, khiến năng lực tài chính và khả năng tiếp cận thiết bị nước ngoài bị hạn chế.

Về mặt địa chính trị, Algeria có lý do chính đáng để mua Su-57. Algeria ở trong một khu vực căng thẳng, nơi năng lực quân sự đóng vai trò quan trọng. Algeria cũng đang tìm cách duy trì ưu thế ở Bắc Phi, đặc biệt là trước Ma Rốc, quốc gia đã củng cố mối quan hệ quốc phòng với Mỹ và Israel.

Su-57, với các tính năng tàng hình và khả năng chiến đấu tiên tiến, có thể mang lại cho Algeria một lợi thế đáng kể.

Ngược lại, Ấn Độ muốn cân bằng giữa Nga và phương Tây, ít có khả năng mua Su-57, đặc biệt là trong bối cảnh có những chỉ trích về việc máy bay này không thực sự tiên tiến như quảng bá.

Về mặt công nghệ, Algeria có nền tảng tốt hơn để tích hợp Su-57 so với Iran. Máy bay chiến đấu của Nga đòi hỏi cơ sở hạ tầng và hoạt động bảo trì tiêu chuẩn mà Algeria đã có sẵn với phi đội hiện tại. Iran, mặc dù cũng rất quan tâm tới Su-57, nhưng lại bị tụt hậu về mặt kỹ thuật, khiến việc triển khai một loại máy bay hiện đại như vậy trở nên phức tạp.

Sự kết hợp giữa các mối quan hệ lịch sử, năng lực kinh tế, nhu cầu chiến lược và sự sẵn sàng về mặt kỹ thuật khiến Algeria trở thành quốc gia vận hành Su-57 hợp lý nhất trong số 3 quốc gia kể trên.

Su-57 là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ năm của Nga do Cục thiết kế Sukhoi phát triển. Máy bay dài 19,8 mét, sải cánh 14 mét và chiều cao 4,74 mét. Trọng lượng cất cánh tối đa đạt 35 tấn.

Su-57 được trang bị 2 động cơ Item-117 và trong tương lai sẽ là động cơ Item-30 tiên tiến. Các động cơ này cho phép Su-57 đạt tốc độ khoảng 2.450 km/h và phạm vi hoạt động liên tục lên tới 3.500 km.

Su-57 có đặc tính tàng hình nhờ lớp phủ đặc biệt và thiết kế giúp giảm thiểu tín hiệu radar. Hệ thống điện tử hàng không của máy bay bao gồm Sh121 tiên tiến với radar N036 Belka, kết hợp công nghệ mảng quét điện tử chủ động (AESA), cho phép theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu trên không và trên mặt đất.

Su-57 có thể mang nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa không đối không R-77M và R-74M, tên lửa không đối đất Kh-59MK2, Kh-31 và Kh-35, cũng như bom dẫn đường chính xác với nhiều cỡ nòng khác nhau. Hầu hết vũ khí được cất giữ trong các khoang bên trong để duy trì khả năng tàng hình, chúng có thể được gắn ở các giá treo bên ngoài khi cần thiết.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Bulgarian Military

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/he-lo-khach-hang-tiem-nang-mua-tiem-kich-tang-hinh-su-57-cua-nga-post1137882.vov