Hé lộ lí do chuyên gia hạt nhân Liên Xô bị cấm lái xe, đi máy bay
Lệnh cấm các chuyên gia hạt nhân Liên Xô điều khiển xe hơi vừa được Rosatom giải mật nhân dịp kỉ niệm 75 năm thành lập ngành công nghiệp nguyên tử Nga.
Các nhà khoa học và kỹ sư tham gia chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô từng bị cấm điều khiển xe hơi, theo lệnh cấm năm 1948 được giải mật bởi công ty Rosatom (Nga).
Cụ thể, tất cả các thành viên thuộc Ban Điều hành chính đều bị cấm lái xe hơi, bất kể chức vụ, kể cả đã có bằng lái.
Văn bản trên được ký bởi ông Vladimir Vannikov - người đứng đầu Ban Điều hành chính đầu tiên.
Cơ quan này thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, là bộ phận được giao nhiệm vụ phụ trách các dự án hạt nhân nguyên tử.
Lệnh của ông Vannikov cũng nhấn mạnh tài xế của các chuyên gia hạt nhân Nga không được trao quyền điều khiển xe hơi cho những người này, “bất kể chức vụ, kể cả đã có bằng lái xe”.
Không chỉ bị cấm điều khiển xe hơi, các kỹ sư hạt nhân thời đó còn bị cấm di chuyển bằng máy bay. Thay vào đó, họ được “cung cấp” hẳn một toa riêng trên xe lửa.
Theo Sputnik, lệnh cấm được đưa ra sau hai vụ tai nạn xe hơi liên quan đến hai nhân viên thuộc Phòng thí nghiệm số hai.
Trong đó, nhà khoa học Igor Panasyuk (không có giấy phép lái xe) đã bị thương nặng. Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm số hai, ông Lev Artsimovich, may mắn không bị thương khi yêu cầu tài xế để mình tự điều khiển xe hơi.
Việc Ủy ban Đặc biệt thuộc Hội đồng Bộ trưởng được giao nhiệm vụ điều tra hai vụ tai nạn nói trên cho thấy Liên Xô rất coi trọng sự sống còn của các chuyên gia hạt nhân nước này.
Phòng thí nghiệm số hai nay được gọi là Viện Kurchatov, một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu trên thế giới và là phòng thí nghiệm liên ngành lớn nhất ở Nga.
Lệnh cấm được giải mật là một phần của một bộ tài liệu được công bố bởi Rosatom trước lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành công nghiệp nguyên tử Nga.