'Hé lộ' lý do cha đẻ của Chat GPT bị sa thải

Từ vị thế là gương mặt đại diện cho cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo toàn cầu, Sam Altman đã bị đẩy khỏi công ty do mình sáng lập ra.

Sam Altman bị chính Hội đồng Quản trị Công ty do mình sáng lập sa thải

Sam Altman bị chính Hội đồng Quản trị Công ty do mình sáng lập sa thải

Chỉ một ngày sau khi phát biểu tại APEC 2023, nhà sáng lập OpenAI (công ty mẹ của ChatGPT) đã bị sa thải bởi Hội đồng Quản trị của mình. Lý giải về quyết định gây sốc toàn bộ ngành công nghệ thế giới này, Open AI cho biết Hội đồng Quản trị “không còn tin tưởng” vào khả năng lãnh đạo của Altman vì “ông ấy không thường xuyên thẳng thắn trong giao tiếp với Hội đồng Quản trị”.

Cú sốc nối tiếp xảy ra vài giờ sau đó, khi Greg Brockman, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty và một người đồng sáng lập khác, cũng đã từ chức để đáp lại việc Altman bị sa thải.

Dấu hỏi lớn xung quanh

Vụ sa thải này càng gây ngạc nhiên khi Sam Altman dường như đang ở “đỉnh cao quyền lực”. Là người mở đầu cho kỷ nguyên ứng dụng AI vào cuộc sống, Sam được các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu và các nguyên thủ quốc gia săn đón để gặp mặt, từ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ngày 6/11 vừa qua, Sam cũng vừa ra mắt một bộ công cụ AI mới.

Bởi vậy, nhận định về vụ sa thải này, một lãnh đạo công ty khởi nghiệp cho rằng việc Sam Altman và Greg Brockman ra đi không khác nào Larry Page và Sergey Brin bị đuổi khỏi Google trong những năm đầu thành lập.

Thực tế, nội bộ công ty cũng phải choáng ngợp trước thông tin này. Greg Brockman đã tweet rằng ông và Sam Altman đã không biết chuyện gì đang xảy ra cho đến vài phút trước khi bị sa thải.

Theo trang tin tức Axios, tập đoàn Microsoft – người nắm 49% cổ phần của Open AI – đã chứng kiến giá cổ phiếu bốc hơi 2% sau thông tin. Nhiều nhà đầu tư cho rằng mất đi những bộ óc thiên tài, Microsoft sẽ gặp nguy trong tham vọng đạt được các bước tiến đột phá về ứng dụng AI cho bộ công cụ Office nổi tiếng.

Vụ việc này đặt ra những câu hỏi lớn: nguyên nhân nào dẫn đến vụ sa thải bất ngờ; nó có ý nghĩa gì đối với công ty vốn đang đi đầu trong lĩnh vực; hay ý nghĩa của vụ việc đối với tương lai của công nghệ AI.

Nói tới nguyên nhân, Hội đồng quản trị Open AI vẫn chưa đưa ra lời giải thích chi tiết cho quyết định của mình. Kịch bản hàng đầu được nhà báo Kara Swisher ở New York đưa ra, rằng phần còn lại của Hội đồng quản trị - do nhà khoa học trưởng Ilya Sutskever tập hợp - đã bất đồng với Altman về sự cân bằng giữa khả năng thương mại hóa và việc phát hành an toàn các mô hình AI.

Open AI được thành lập như một tổ chức phi lợi nhuận vào năm 2015 bởi Sam Altman, Greg Brockman và chính Ilya Sutskever, một nhà nghiên cứu AI lỗi lạc. Nhưng vào năm 2019, trong lúc cần tài chính để đào tạo các mô hình đòi hỏi nhiều sức mạnh máy tính hơn bao giờ hết, Sam Altman đã dẫn đầu việc thành lập một công ty “có lợi nhuận giới hạn” bên trong tổ chức phi lợi nhuận và huy động được 1 tỷ USD từ Microsoft.

Theo các nhà nghiên cứu, việc ra mắt Chat GPT chỉ là một bước trong nỗ lực của Sam Altman nhằm biến một phòng nghiên cứu nhỏ bé thành một công ty kinh doanh hàng đầu bằng các sản phẩm. Điều này dường như đi ngược lại tiêu chí ban đầu của công ty, rằng họ phát triển AI để phục vụ toàn thể nhân loại.

Tác động khó lường đối với ngành AI toàn cầu

Vậy việc Sam Altman bị sa thải có ý nghĩa gì đối với Open AI? Theo giới phân tích, trước mắt đó là sự hỗn loạn. Ngoài ông Brockman, ba kỹ sư cấp cao khác của công ty cũng đã ra đi. Những thành viên chủ chốt khác có thể nối tiếp nếu việc “lật đổ” hoàn toàn xuất phát từ sự bất đồng chiến lược.

Vụ việc gây ảnh hưởng lớn tới triển vọng phát triển của Open AI trong tương lai

Vụ việc gây ảnh hưởng lớn tới triển vọng phát triển của Open AI trong tương lai

Hậu quả về tài chính cũng hiển hiện. Một nhà đầu tư của Open AI đã từng gọi Sam Altman là “người duy nhất không thể thay thế” tại công ty khởi nghiệp này bởi khả năng tuyển dụng và gây quỹ hàng đầu của ông. “Sam là người gây quỹ vĩ đại nhất mọi thời đại… sau Elon Musk”, nhà đầu tư này nói với Economist vào tháng 8.

Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng không phải Sam Altman, vấn đề nhức nhối hơn của công ty là sự ra đi của Brockman, người được coi là bộ óc kỹ thuật của công ty khởi nghiệp.

Sự vắng mặt của Sam không còn quan trọng bởi Open AI giờ đây đã quá nổi tiếng và có sự hậu thuẫn của Microsoft. Công ty hiện đang đàm phán để huy động vốn gần 90 tỷ USD, giúp Công ty chuẩn bị trở thành một trong những công ty công nghệ tư nhân có giá trị nhất trên thế giới. Nhưng với các rạn nứt mới nhất, hoạt động này có thể sẽ bị ngưng trệ.

Dù vậy, tác động đối với ngành rộng lớn hơn là ít rõ ràng hơn, theo các chuyên gia. Việc Sam Altman đưa các sản phẩm như Chat GPT ra thế giới đã mang lại lợi thế cho Open AI. Một vấn đề có thể nảy sinh là các công ty đang xây dựng sản phẩm dựa trên công nghệ của Open AI sẽ phải cân nhắc trước khi gắn bó quá chặt chẽ.

Cũng không loại trừ khả năng Sam Altman và các cộng sự thân tín sẽ thành lập một công ty đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Open AI. Với uy tín cá nhân của mình, một số quỹ khởi nghiệp lớn đã cam kết sẽ hỗ trợ Sam Altman phát triển các sản phẩm mới sau này. Điều này có nghĩa, ngành công nghiệp AI có thể mở ra một cuộc chiến mới về giá trị, giữa một bên là nâng cao đời sống cho con người, với một bên là phát triển các sản phẩm lấy lợi nhuận làm trọng tâm.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/he-lo-ly-do-cha-de-cua-chat-gpt-bi-sa-thai-699739.html