Hé lộ lý do khiến tàu lửa va chạm ô tô làm 5 người thương vong tại Đồng Nai

Dù các barrier trên đường Phạm Văn Thuận đã được kéo xuống, còi báo hiệu cũng khởi động, nhân viên gác chắn đã thổi còi liên tục cảnh báo nhưng xe bán tải vẫn lao qua đường ray và bị tàu hỏa quẹt ngang khiến 5 người thương vong. Theo cơ quan chức năng lỗi thuộc về người lái xe không tuân theo biển cảnh báo và thiếu quan sát xung quanh.

Ngày 31/7, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị đang chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành phố cùng các đơn vị liên quan kiểm tra về hạ tầng giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).

Đường dân sinh đoạn xảy ra vụ tai nạn giữa tàu hỏa với ô tô bán tải tối 28/7 không có gác chắn

Đường dân sinh đoạn xảy ra vụ tai nạn giữa tàu hỏa với ô tô bán tải tối 28/7 không có gác chắn

Theo đó, đoàn tiến hành kiểm tra tại các đường ngang giao với đường sắt, các lối đi tự mở cắt ngang đường sắt vào khu dân cư, hộ dân trên địa bàn thành phố Biên Hòa và các khu vực dân cư khác. Qua đó, ghi nhận các tồn tại, bất cập về hạ tầng giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, đề xuất phương án xử lý. Đồng thời kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt của các địa phương theo các kiến nghị của ngành đường sắt; các kiến nghị của địa phương đối với ngành đường sắt.

Các cơ quan chức năng kiểm tra điểm giao cắt đường bộ - đường sắt tại TP Biên Hòa

Các cơ quan chức năng kiểm tra điểm giao cắt đường bộ - đường sắt tại TP Biên Hòa

Trước đó, khoảng 20h40 ngày 28/7, tại Km 1696+458 (điểm giao cắt giữa đường sắt và đường Phạm Văn Thuận, thành phố Biên Hòa) đã xảy ra va chạm giữa tàu hỏa SNT5 với xe bán tải biển số 60C-597.05 làm 2 người chết tại chỗ, 3 người bị thương.

Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn được cơ quan chức năng xác định là do tài xế xe bán tải thiếu chú ý quan sát khi tàu hỏa đi qua. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, tài xế xe ô tô bán tải không có nồng độ cồn trong máu.

Vị trí đường ngang Km1696+458 là nơi giao cắt giữa đường sắt, đường Phạm Văn Thuận và 3 đường khu dân cư khác. Tuy nhiên, chỉ có 2 barrier được bố trí trên đường Phạm Văn Thuận và 1 barrier đường khu dân cư (lối vào 2 hẻm 1613 và 1615, khu phố 3, phường Thống Nhất). Tại 2 đường khu dân cư còn lại (hẻm 1334 và đường khu dân cư thuộc khu phố 3, phường Tân Tiến) không có barrier, nhưng có biển cảnh báo cắm đầy đủ tại các trục đường bộ chính vào đường ngang. Do đó, khi nhân viên chốt gác hạ tất cả barrier xuống thì vẫn còn 2 vị trí từ hẻm cụt có thể đi vào phạm vi đường sắt và nguy cơ TNGT là rất lớn.

Trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn, các barrier trên đường Phạm Văn Thuận đã được kéo xuống, còi báo hiệu cũng khởi động. Khi thấy xe bán tải biển số 60C-597.05 đi từ đường khu dân cư cặp đường ray ra đường Phạm Văn Thuận, nhân viên gác chắn đã thổi còi liên tục cảnh báo. Tuy nhiên, tài xế vẫn tiếp tục điều khiển xe bán tải đi ra đường Phạm Văn Thuận và dẫn tới việc bị tàu hỏa quẹt ngang.

Phòng Thanh tra - an toàn III (Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) đánh giá, đây là tai nạn rất nghiêm trọng; lỗi thuộc về người lái xe không tuân theo biển cảnh báo “Chú ý tàu hỏa” và thiếu quan sát xung quanh. Đáng chú ý, tại vị trí hẻm 1334 và đường khu dân cư (khu phố 3, phường Tân Tiến), vào giữa năm 2022, Cục Đường sắt Việt Nam đã có thông báo về công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn Đồng Nai, trong đó nêu rõ đề nghị địa phương phải tự gác phòng vệ tại 2 vị trí này, vì có chiều rộng đường lớn hơn 3m đi thẳng vào đường ngang.

Sau khi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng này, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Ban ATGT tỉnh về khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông. Khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ TNGT và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

UBND tỉnh cũng giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện các tồn tại, bất cập về hạ tầng giao thông tại vị trí xảy ra TNGT và rà soát, tổng hợp các tồn tại, bất cập về hạ tầng giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Qua đó sớm xử lý các tồn tại nếu thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương và kiến nghị với ngành đường sắt nếu thuộc trách nhiệm của ngành đường sắt.

Mạnh Thắng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/he-lo-ly-do-khien-tau-lua-va-cham-o-to-lam-5-nguoi-thuong-vong-tai-dong-nai-post1659600.tpo