'Hé lộ' lý do kinh tế Mỹ 'hạ cánh mềm'
Nền kinh tế Mỹ đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh, trong khi lạm phát giảm mạnh từ năm 2022, dù các số liệu mới công bố cao hơn dự kiến. Đâu là lý do cho điều đó?
Trong số các nước G7, Mỹ là nền kinh tế lớn duy nhất quay trở lại xu hướng tăng trưởng trước đại dịch. Kể từ cuối năm 2019, tăng trưởng thực tế của Mỹ vào khoảng hơn 2%. Trong cùng thời gian đó, khu vực đồng euro chỉ tăng trưởng 3%, Nhật Bản chỉ tăng 1% và Anh "dậm chân tại chỗ"...
Tín hiệu tích cực
Xét trong 6 thập kỷ qua, FED đã 11 chu kỳ tăng lãi suất để chống lạm phát. Chỉ một chu kỳ duy nhất kinh tế Mỹ không suy thoái, vào năm 1944. Nhưng lần này, FED có vẻ đã thành công một lần nữa, khi nền kinh tế Mỹ đã có một cuộc "hạ cánh mềm", theo nhận định của GS Alan Blinder của Đại học Princeton.
Thành công hiện tại thậm chí còn được coi là lớn nhất lịch sử, bởi nền kinh tế Mỹ hiện không giảm tốc mà tăng trưởng liên tục. Ngày 26/2, khảo sát hàng quý của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia với các nhà kinh tế hàng đầu cho thấy dự báo tăng trưởng Mỹ là 2,2% trong năm 2024. Trong khi 3 tháng trước, các chuyên gia chỉ dự báo con số này là 1,3%.
Dù động lực kinh tế mạnh mẽ hơn, các nhà kinh tế vẫn cho rằng lạm phát sẽ giảm. Họ dự đoán lạm phát của Mỹ sẽ giảm xuống mức 2,1%/năm vào cuối năm 2024 – mức gần tới mục tiêu 2% của FED.
Không chỉ có các nhà kinh tế lạc quan, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lập kỷ lục mới. Doanh thu của các doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm nay. Người dân bình thường cũng ngày càng lạc quan hơn, thể hiện qua thái độ sẵn sàng chi tiêu bất chấp những lo ngại về tài chính.
Lý giải thành công của Mỹ
Theo các nhà kinh tế học, lời giải của thành công này đến từ việc tập trung vào các nhu cầu. Mọi yếu tố của nó - tiêu dùng, đầu tư, ngoại thương - đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm ngoái và có thể sẽ tiếp tục là động lực trong năm nay. The Economist chỉ ra 3 yếu tố: các vùng đệm, chất xúc tác tài chính và xuất khẩu đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Tỷ lệ thất nghiệp đã không tăng mạnh sau khi FED tăng mạnh lãi suất với mục tiêu giảm lạm phát. Theo các chuyên gia, đó là bởi cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều được hỗ trợ bởi một số chính sách.
Thứ nhất là gói kích thích khổng lồ được chính quyền Trump và Biden đưa ra ở đỉnh điểm của đại dịch Covid-19. Vào năm 2020 và 2021, thâm hụt ngân sách của nước này trung bình là 14% GDP – hơn gấp đôi mức trung bình của Eurozone là 6%. Đổi lại, chính sách này lại kích thích tiêu dùng của người dân Mỹ.
Ngoài ra, xu hướng tiết kiệm hơn của người Mỹ như một hệ quả tâm lý sau giai đoạn đại dịch cũng hỗ trợ nền kinh tế. FED San Francisco ước tính rằng số tiền tiết kiệm dư thừa của các hộ gia đình là 2,1 nghìn tỷ USD vào tháng 8/2021. Họ dự báo số tiền tiết kiệm này sẽ được sử dụng hết trong vài tháng. Tuy nhiên đến cuối năm 2023, người Mỹ vẫn còn khoảng 400 tỷ USD tiết kiệm - đủ để chi tiêu trong nửa đầu năm nay.
Thứ hai là việc cho vay với lãi suất cố định, theo The Economist. Tại Mỹ, người mua nhà có thể nhận mức lãi suất cố định tới 30 năm, nhưng với điều kiện họ phải ở lại căn nhà đó. Điều đó có nghĩa nhiều người Mỹ không cảm nhận được tác động của lãi suất cao hơn.
Bên cạnh sức mua, chính sách tài khóa cũng được coi là một động cơ kinh tế và có thể vẫn đang tăng tốc dù thâm hụt Mỹ đang rất lớn. Ba gói chi tiêu lớn đã được Quốc hội thông qua – liên quan tới cơ sở hạ tầng, công nghệ sạch và chất bán dẫn - đang khuyến khích các công ty tư nhân và chính quyền các bang chi tiêu mạnh tay.
Tổng cộng, đầu tư vào sản xuất đã tăng thêm khoảng 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm ngoái. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng chậm hơn nhưng dường như cũng đang tăng lên, với việc chính quyền tiểu bang và địa phương tận dụng nguồn tài trợ của liên bang để xây dựng đường cao tốc, lưới điện, sân bay, v.v.
“Những chính sách này đang bắt đầu được phản ánh trong dữ liệu kinh tế. Nó trì trì hoãn thời điểm suy thoái theo chu kỳ”, chuyên gia Satyam Panday từ S&P Global, một cơ quan xếp hạng tín dụng, cho biết.
Thứ ba, Mỹ, với tư cách là một nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn, đang được hưởng lợi từ giá cao ở những nơi khác mà không phải chịu nhiều thiệt hại. Khí đốt tự nhiên ở Mỹ có giá chỉ bằng một phần tư so với ở châu Âu, giúp người tiêu dùng giảm bớt áp lực tài chính để chi tiêu cho các hạng mục khác. Chưa kể, Mỹ còn thu lời lớn từ việc xuất khẩu, khi trở thành nước xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới vào năm ngoái. Chỉ riêng xuất khẩu đã đóng góp thêm khoảng 0,6 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng của Mỹ trong 2023.
Dù vậy, những thách thức không hẳn đã rời xa, bao gồm những biến động từ xung đột trên khắp thế giới, hay thời gian tồn tại của các bộ đệm mà nền kinh tế đang có. Với nhu cầu mua sắm tăng cao, năng suất cũng cần phải theo kịp tương ứng để tránh đà tăng giá, nhưng điều đó có thể gây áp lực lên tăng trưởng tiền lương - một vấn đề mà FED đang theo sát trước khi đưa ra bất cứ hành động giảm lãi suất nào.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/he-lo-ly-do-kinh-te-my-ha-canh-mem-707522.html