Hé lộ lý do thực sự TT Trump 'cuồng nộ' trong vụ rò rỉ điện tín của Đại sứ Anh
Lá đơn từ chức của Đại sứ Kim Darroch được cho là sẽ thay đổi phương thức hoạt động của ngoại giao quốc tế.
Mới đây, Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch đã từ chức sau vụ rò rỉ nội dung các bức điện, trong đó ông chỉ trích Tổng thống Donald Trump và chính quyền Mỹ là "thiếu năng lực" và "vô dụng". Tờ The Guardian dẫn lời giới chuyên gia cảnh báo, quyết định của ông Darroch sẽ đem lại những tác động tiêu cực cho ngoại giao quốc tế.
Các nhà ngoại giao kỳ cựu bày tỏ sự ủng hộ cho các bức điện tín bảo mật của ông Darroch và coi đó là công việc bình thường của một đại sứ.
"Ông ấy thông tin về những gì ông ấy thấy là đúng, đưa ra những lời khuyên mà ông thấy là đúng và ông ấy là vậy bằng đường điện tín bảo mật", Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng đối ngoại và là một cựu quan chức ngoại giao Mỹ nói. "Đây là việc những đại sứ phải làm".
"Nếu ông ấy không đưa ra những lời cố vấn thật lòng nhất, ông ấy không làm được điều gì có lợi cho Thủ tướng hay Ngoại trưởng", ông Haass nói thêm. "Việc đường điện tín bị rò rỉ không phải là lỗi của Darroch".
Cựu đại sứ Anh Christopher Meyer viết trên twitter: "Vụ lùm xùm của Kim Darroch xuất phát từ một sự rò rỉ đáng khinh và phản ứng thiếu khoan dung của Tổng thống Mỹ. Ông Kim không có lỗi trong sự kiện đáng tiếc này".
Hôm thứ tư (10/7), ông Darroch đã đệ đơn từ chức – chỉ ba ngày sau khi các đánh giá mang tính cá nhân của ông về chính quyền Trump bị đăng tải trên tờ The Sun.
Những nhận định của ngài Đại sứ đã châm ngòi cho một leo thang căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Anh. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ không bao giờ làm việc với Darroch nữa, gọi nhà ngoại giao người Anh là "một gã vô cùng ngốc nghếch", đồng thời chĩa mũi nhọn công kích vào Thủ tướng sắp ra đi Theresa May.
"Tình hình hiện tại khiến tôi không thể tiếp tục vai trò của mình như mong muốn", ông Darrock viết trong lá đơn từ chức. Marc Short, một quan chức dưới quyền Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence miêu tả động thái của cựu Đại sứ Anh là lựa chọn đúng đắn.
"Theo tôi, thực tế trong những ngày gần đây chỉ ra, năng lực làm việc hiệu quả của ông ấy [Darroch] có lẽ bị giới hạn", ông Short nói trước báo giới.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Mỹ và Anh chia sẻ mối liên hệ lớn hơn bất kỳ cá nhân nào và chúng tôi mong muốn tiếp tục quan hệ hợp tác đó".
Đối với những người quen biết Darroch tại Washington, sự ra đi của ông gây nhiều tiếc nuối. Darroch được biết tới là một nhà ngoại giao khéo léo. Những sự kiện được tổ chức tại Đại sứ Anh dưới thời ông Darroch thường thu hút sự quan tâm lớn và có sự tham dự của các thành viên trong chính quyền Trump.
"Trước vụ việc này, tôi nghĩ các nhà ngoại giao có thể đối thoại với chính phủ của mình một cách trung thực và bằng các thông tin giá trị", bà Sally Quinn, một cựu phóng viên thường xuất hiện trong các bữa tiệc do ông Darroch chủ trì, nói. "Rõ ràng, chúng ta không thể làm như vậy nữa… Tôi nghĩ sẽ có một sự thay đổi rất lớn trong cách triển khai hoạt động ngoại giao".
Bản thân ông Darroch có mối quan hệ khá thân thiết với chính quyền Trump. Con gái và con rể ông Trump, đồng thời cũng là hai cố vấn cấp cao của Nhà Trắng là Ivanka Trump và Jared Kushner; cũng như hai cựu thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders và Sean Spicer – là các khách mời thường xuyên tới những sự kiện của Đại sứ quán Anh.
Bà Quinn nhận xét, cơn thịnh nộ của Tổng thống Trump có lẽ là do nhận ra, những thông tin của Darroch xuất phát từ chính đội ngũ nhân viên của mình.
"Ông ấy [Darroch] liên tục tổ chức chiêu đãi tại đại sứ quan và tiếp đón người của Tổng thống Trump bởi vì họ thích ông ấy", bà tiết lộ. "Ông Trump có lẽ hơi xấu hổ vì các nguồn tin về ông ấy lại đến từ nội bộ".
Một số chính trị gia Đảng Cộng hòa cũng lên tiếng biện hộ cho cựu đại sứ Anh.
"Kim Darroch đã làm cực kỳ tốt trên cương vị Đại sứ và rất lấy làm tiếc khi ông từ chức", thượng nghị sỹ bang South Carolina Lindsey Graham tweet.
Tương tự, thượng nghị sỹ bang Utah Mitt Romney chia sẻ, ông cảm thấy "thất vọng" vì Darroch rời đi. "Việc thiếu an ninh trong liên lạc ngoại giao nội bộ là một vấn đề thực sự", ông Romney trả lời phóng viên.
Ông Darroch được bổ nhiệm làm Đại sứ Anh tại Mỹ vào năm 2015 sau vai trò cố vấn an ninh quốc gia cho Thủ tướng David Cameron. Với kinh nghiệm dày dặn, ông là một cầu nối quan trọng giữa London và Washington trong các vấn đề phức tạp từ Nga cho tới Brexit.
Tôi nghĩ sẽ có một sự thay đổi rất lớn trong cách triển khai hoạt động ngoại giao.
Sally Quinn
Kate Greer, một cộng sự của Darroch từ năm 2015 – 2018 cho hay, Darroch đóng vai trò chủ chốt "sau màn" trong những phản ứng quốc tế trước vụ Nga bị cáo buộc tấn công hóa học trên đất Anh vào năm 2018.
"Vụ rò rỉ rõ ràng mang động cơ chính trị và do một ai đó từ London gây ra như là một phần trong cuộc tranh giành quyền lãnh đạo và tranh đấu chính trị", bà Greer nói.
Còn theo ông Haass, quyết định từ chức của Darroch là về cơ bản là có lợi cho nhà lãnh đạo tiếp theo của Anh.
"Ông ấy giúp Thủ tướng tiếp theo không phải lựa chọn giữa bảo vệ đại sứ của mình và bảo vệ mối quan hệ với Mỹ", ông Haass phân tích. Ngoài ra, ông tin rằng, những di sản trong sự nghiệp của Darroch sẽ không quá bị ảnh hưởng bởi vụ việc này.
"Đây là công việc cuối cùng của ông ấy. Trong con đường xế chiều của Darroch, giờ đây số lượng người biết về ông ấy nhiều hơn đáng kể so với một tuần trước đó".